BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi thay trên vùng đất chiến khu xưa

Cập nhật ngày: 30/04/2013 - 05:47

Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (ảnh minh hoạ)

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục miền Nam được xem là “Nhà Trắng” của Việt Cộng, vùng đất ngày nay là xã Tân Lập, huyện Tân Biên gánh chịu hàng bao bom đạn. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chưa được bao lâu, vùng biên giới này lại rền tiếng súng xâm lược của bọn diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary. Tân Lập là xã bị thiệt hại nặng nề nhất, 5 ấp bị huỷ diệt, hơn 500 người dân bị tàn sát, hàng trăm căn nhà bị đốt phá…

“Bây giờ, Tân Lập đổi thay từng ngày, đã qua rồi cái thời chật vật lo cái ăn, cái mặc. Bà con mình khá lên nhiều lắm, năm 2012, thu nhập bình quân hơn 18 triệu đồng/người” - ông Trần Đình Bộ -  Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Tân Lập phấn khởi cho hay. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, từng sống ở vùng đất này từ năm 1973, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập tâm sự: “Đảng, Nhà nước quan tâm đổi mới, phát triển kinh tế, ổn định an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, cuộc sống được tự do, thoải mái. Đời sống nhân dân xã Tân lập bây giờ vượt xa, vượt xa trước kia gấp mấy trăm lần”.

Đến nay, điện đã phủ ở tất cả các ấp (gần 98% hộ có điện), đường xá được mở mang, bà con không còn cảnh gian nan “đường rừng” như thuở nào. Ngoài tuyến đường quốc lộ 22B, đường vành đai 792, đường liên huyện được trải nhựa phẳng lì đi qua tất cả các ấp trong xã. Hầu hết các tuyến đường còn lại (hơn 100km) đều được “cứng hoá” bằng sỏi phún để bà con thuận tiện vận chuyển nông sản, giao thương. Hệ thống thông tin liên lạc cũng không còn là chuyện xa vời đối với người dân vùng chiến khu, internet đã về tận ấp, điện thoại thì hầu như nhà nào cũng có. Cùng với sự phát triển ấy, chuyện học hành của con em được quan tâm, xã đã hoàn thành phố cập THCS từ lâu. Xã cũng đã đăng ký “Điểm sáng văn hoá biên giới” cụm đồn Biên phòng 823 – 827 – Tân Lập.

Các phương tiện vận chuyển hàng hoá chờ làm thủ tục xuất quan tại Cửa khẩu Xa Mát (ảnh minh hoạ)

Ông Trần Đình Bộ cho biết thêm: “Trước kia, bà con chỉ trồng hoa màu và một số loại cây trồng ngắn ngày khác, thường thì chạy theo phong trào, không ít lần trồng rồi chặt, đau lòng lắm. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc thù của vùng đất. Có dịp đi vòng quanh địa phận xã, ngoài màu xanh của rừng còn có những mảnh vườn cao su tiểu điền, những ruộng mía, mì xanh ngắt… những cây công nghiệp này đã trở thành loại cây thế mạnh của xã, giúp bà con nơi đây “phất lên” làm giàu. Bên cạnh đó, bà con còn biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như trồng hoa màu phủ bạt, ứng dụng máy móc vào sản xuất, chăn nuôi, thay đổi giống cây trồng mới… nhờ đó, nhiều gia đình thoát nghèo.

Trên địa bàn xã có 39 doanh nghiệp, 16 công ty TNHH, 82 hộ kinh doanh vừa và nhỏ, 57 trang trại… với nhiều ngành nghề hoạt động, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ở xã có 2 đồn biên phòng trú đóng, đây cũng là nơi giao thương thương mại, trung chuyển hàng hoá của nhân dân hai nước. Với khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đang trong quá trình phát triển, sắp tới sẽ tạo thêm sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế biên mậu. Hơn nữa, Tân Lập còn được tỉnh đầu tư xây dựng Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu vừa góp phần bảo vệ ANQP vùng biên.

Diện mạo mới ở Tân Lập

Đặc biệt, quần thể khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam hiện không chỉ được khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch mà còn là nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cha ông. Bí thư xã đoàn Tân Lập, anh Bùi Thanh Phong cho biết, tuổi trẻ Tân Lập luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc tri ân những người có công với đất nước bằng những việc làm như: nhận chăm sóc gia đình có công với cách mạng, tặng quà cho chính sách, đảm nhận quét dọn nhà bia chứng tích diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary…

Tự hào về vùng đất chiến khu xưa, Tân Lập càng ra sức phấn đấu để xứng đáng truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng miền Nam. Với nhiều lợi thế, trong tương lai Tân Lập sẽ vững vàng đi lên.

Nam Sơn