Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đối thoại Shangri-La nóng các vấn đề an ninh
Thứ bảy: 14:45 ngày 11/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sự kiện được kỳ vọng sẽ là dịp để lãnh đạo khu vực và các cường quốc đối thoại trong hòa bình về các vấn đề then chốt liên quan tới an ninh châu Á.

Sau hai năm phải tạm hoãn vì đại dịch COVID-19, Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La thường niên năm nay đã chính thức diễn ra tại khách sạn Shangri-La của Singapore hôm 10-6 và sẽ kéo dài đến hết ngày12-6.

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức SLD22, cho biết diễn đàn năm nay có quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khách mời gồm khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (hàng trước, giữa) tái khẳng định với những người đồng cấp Đông Nam Á cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực, trong cuộc gặp bên lề tại Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore ngày 10-6. Ảnh: Bộ Quốc phòng Singapore

Đối thoại Shangri-La 2022 bàn gì?

Theo tờ The Japan Times, sự kiện diễn ra giữa lúc tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng còn nhiều biến động đáng lo ngại. Đơn cử, xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn và tác động tiêu cực tới cục diện an ninh khu vực. Điều này buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh và tính toán lại quá trình hiện đại hóa quốc phòng, tiềm ẩn nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tình hình Biển Đông cũng đang tỏa nhiệt với các cuộc tập trận mới của Trung Quốc (TQ), trong khi căng thẳng giữa đại lục và Đài Loan đang lên tới đỉnh điểm vì sự ủng hộ ngày càng rõ ràng của Mỹ cho hòn đảo này.

Trong bối cảnh như vậy, chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La 2022 tập trung vào các chủ đề như kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới, những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu cũng như những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định khu vực.

Ba phiên thảo luận đặc biệt cũng được tổ chức với chủ đề về an ninh khí hậu và quốc phòng xanh, giải pháp cho Myanmar và an ninh hàng hải liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phương thức liên lạc trong tình huống khủng hoảng.

Căng thẳng Mỹ - Trung và tương lai mối quan hệ giữa hai cường quốc này đặt trong tương quan khu vực cũng là chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2022, khi trong hàng ngũ khách mời có sự xuất hiện của cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa. Đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng TQ tham dự đối thoại sau tám năm vắng mặt.

Theo thông tin của IISS, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2022 và phát biểu tại phiên toàn thể thứ tư ngày 11-6 với chủ đề về hiện đại hóa quân sự.

Những thông điệp được chờ đợi

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio dẫn đầu phái đoàn Nhật tham dự Đối thoại Shangri-La 2022. Nhà lãnh đạo Nhật bày tỏ thái độ với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Kishida đưa ra cam kết đẩy mạnh nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ của liên minh Mỹ - Nhật trước các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và sự trỗi dậy của TQ, kể cả việc tăng ngân sách quốc phòng.

Thông điệp tiếp theo được chờ đợi theo đài Al Jazeera là của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, người dự kiến ​​sẽ phát biểu tại hội nghị vào sáng 11-6. Theo thông tin từ Al Jazeera thì ông Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu vào sáng 12-6, ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La 2022, “thảo luận về tầm nhìn của TQ đối với trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương”, theo Al Jazeera.

Một diễn biến nữa chờ đợi là bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào chiều 11-6. Ông Zelensky đã phát biểu trước quốc hội một số nước và nhiều diễn đàn về chiến sự ở Ukraine. Ukraine có gửi phái đoàn đến tham dự Đối thoại Shangri-La 2022, với sự dẫn đầu của Thứ trưởng Ngoại giao Dmytro Senik.•

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung gặp bên lề Đối thoại Shangri-La 2022

Chiều 10-6, bên lề Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp song phương, theo đài CNN. Cuộc gặp kéo dài gần 1 tiếng so với dự kiến trước đó là 30 phút.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Austin và ông Ngụy. Trước lần gặp này, hai ông chỉ nói chuyện qua điện thoại một lần vào cuối tháng 4.

Theo thông báo từ Lầu Năm Góc về cuộc họp, trong cuộc gặp, Bộ trưởng Austin “đã thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, đồng thời nhắc lại với tướng Ngụy rằng Mỹ vẫn cam kết thực hiện chính sách TQ lâu đời, được hướng dẫn theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba hiệp ước chung Mỹ - TQ và sáu bảo đảm”. Ông Austin tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển, phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng và kêu gọi TQ kiềm chế, tránh các hành động gây bất ổn hơn nữa đối với Đài Loan. Hai ông cũng thảo luận về sự cần thiết phải duy trì các đường dây liên lạc cởi mở.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của chính phủ TQ cho biết cuộc họp diễn ra “thẳng thắn”, “tích cực và mang tính xây dựng” và “phía TQ cho rằng nên gặp còn hơn không gặp và thà nói chuyện còn hơn là không nói chuyện”.

Trước cuộc gặp, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ cố gắng thiết lập đường dây liên lạc ở cấp cao nhất của quân đội như một cơ chế để tránh các tình huống dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc Thái Bình Dương.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục