Cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được tổ chức chiều hôm qua 15.4.2009 tại hội trường UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp |
Cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được tổ chức chiều hôm qua 15.4.2009 tại hội trường UBND tỉnh. Tham dự cuộc đối thoại có Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các sở ngành cùng hơn 200 doanh nghiệp đại diện cho các loại hình doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong tỉnh.
Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên nêu lý do: trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, lãnh đạo tỉnh muốn gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, trao đổi trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động thông thoáng, hiệu quả hơn; đồng thời tạo sự hiểu biết, thông cảm, sẻ chia để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, đã có 15 lượt ý kiến của các doanh nghiệp phát biểu về 3 nhóm nội dung: đóng góp chung hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền và các ngành; nêu những vấn đề liên quan trực tiếp đến một số ngành; nêu những vướng mắc cụ thể ở từng doanh nghiệp. Đóng góp về hoạt động quản lý Nhà nước, ông Đoàn Hồng Dũng- Tổng Giám đốc Khu Công nghiệp Bourbon -An Hoà cho rằng so với một số địa phương khác, Tây Ninh giải quyết các thủ tục cấp phép đầu tư khá nhanh và địa phương rất tích cực hỗ trợ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nếu như có thêm những cải tiến, kết hợp một số công đoạn hợp lý thì thời gian giải quyết chắc chắn sẽ được nhanh hơn. Riêng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay dự án KCN Bourbon -An Hoà đã đền bù được hơn 65% tổng diện tích quy hoạch do hầu hết dân trong khu vực đồng tình và doanh nghiệp không thiếu tiền đền bù. Tuy nhiên, nếu nhân lực Hội đồng đền bù địa phương nhiều hơn, khả năng xử lý nhanh hơn thì kết quả đền bù sẽ còn nhanh và cao hơn nữa. Ông Dũng đề xuất Tây Ninh nên hợp đồng thêm nhân lực làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng như một số tỉnh khác đã làm thì công tác giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn.
Lãnh đạo một công ty 100% vốn nước ngoài ở Khu công nghiệp- Chế xuất Linh Trung 3 cho biết doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, tăng số lượng công nhân, nhưng nỗi băn khoăn hiện nay là nguồn lao động ở tỉnh liệu có đủ cung ứng hay không- nhất là lao động đã qua đào tạo. Đối với các ngành chức năng ở Tây Ninh có lúc thấy cũng nhạy bén, nhưng cũng có lúc chậm chạp trong việc áp dụng một số chính sách mới, những quy định mới của Trung ương. Một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Tân Châu bày tỏ băn khoăn về vấn đề phát triển vùng nguyên liệu cung ứng cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Tây Ninh thì cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ rất có tác dụng, nhưng hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này do tài sản đã thế chấp vay vốn ngân hàng trước đây, nay không còn tài sản thế chấp nữa. Hội đề xuất ngành Ngân hàng có giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn này.
Chung quanh những vấn đề liên quan đến các ngành chức năng, Công ty Cơ khí Tây Ninh đề xuất ngành Thuế xem xét lại mức thuế thuê đất hiện nay rất cao khiến công ty gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp khác cho rằng ngành Điện lực quy định giờ cao điểm trưa- từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ là không hợp lý, bởi vì trong khoảng thời gian này doanh nghiệp không thể nghỉ hoạt động, còn hoạt động thì phải chịu phí tổn tiền điện rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Một số doanh nghiệp băn khoăn về chính sách giảm, giãn thuế và thắc mắc là doanh nghiệp phải làm gì để được hưởng chính sách này? Cũng có doanh nghiệp than phiền ngành Thuế thực hiện hoàn thuế chậm. Một số Quỹ tín dụng nhân dân nêu những khó khăn trong năm 2008 do chủ trương thắt chặt tiền tệ không cạnh tranh nỗi với các Ngân hàng thương mại. Năm 2009 các Quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục gặp khó khăn do không thuộc đối thượng tham gia hỗ trợ lãi suất cho khách hàng nên hoạt động ngày càng giảm sút, đề nghị lãnh đạo tỉnh và ngành Ngân hàng có ý kiến đề xuất Trung ương bổ sung các Quỹ tín dụng nhân dân được tham gia thực hiện hỗ trợ lãi suất như các Ngân hàng thương mại.
Doanh nghiệp thẳng thắn phát biểu tại cuộc đối thoại |
Tại cuộc đối thoại, Cục Thuế, Cục Hải Quan, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã trả lời những ý kiến thắc mắc của các doanh nghiệp, đồng thời giải trình những vấn đề các doanh nghiệp chưa nắm vững. Giải trình của các ngành cơ bản thoả mãn thắc mắc của các doanh nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp hiểu rõ thêm một số chính sách, quy định.
Kết thúc cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên đánh giá cao ý kiến của các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại. Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và kêu gọi các doanh nghiệp sau cuộc đối thoại tiếp tục nêu ý kiến bằng văn bản gửi về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư; Chủ tịch sẽ chỉ đạo các ngành liên quan trả lời cụ thể bằng văn bản cho từng doanh nghiệp. Đối với các ngành Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu các đề xuất của các doanh nghiệp để tìm giải pháp giải quyết thoáng hơn. Chủ tịch UBND tỉnh còn cho biết lãnh đạo tỉnh dự kiến sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp thường xuyên hơn- có thể theo định kỳ gần hơn, kể cả gặp gỡ đột xuất nếu như có nhiều vấn đề bức xúc cần phải “lắng nghe, chia sẻ và đồng hành”.
SƠN TRẦN