BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đờn ca tài tử-một sức sống vững bền 

Cập nhật ngày: 05/03/2018 - 10:18

BTN - Công tác truyền dạy được các nghệ nhân đờn ca tài tử cao niên quan tâm. Trung tâm văn hoá - thể thao các huyện thường xuyên mở lớp ở các xã, thị trấn để dạy cho lớp trẻ yêu thích đờn ca tài tử. Như các nghệ nhân Thanh Hiền ở TP. Tây Ninh, Huỳnh Hữu Trí, Nguyễn Văn Long ở huyện Hoà Thành, Thành Phương ở Châu Thành, Lê Văn Lập ở Bến Cầu.

Lãnh đạo Sở VH,TT&DL tặng giấy khen cho các nghệ nhân đờn ca tài tử tại buổi sơ kết.

Ðờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12.2013. Ðến tháng 6.2015, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Ðề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh”. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở VH) là đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện Ðề án.

 

Ngày 1.3 vừa qua, tại hội nghị sơ kết thực hiện đề án nói trên, ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH cho biết, trong 3 năm qua, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử ở mỗi địa phương.

Ðến nay, toàn tỉnh có gần 200 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử đã và đang sinh hoạt thường xuyên tại các trung tâm văn hoá - thể thao huyện, thành phố, trung tâm văn hoá - thể thao và học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và trong cộng đồng dân cư. Hiện có hàng trăm nghệ nhân đang là hạt nhân nòng cốt của các câu lạc bộ ở khắp nơi.

Trung tâm Văn hoá tỉnh đã tổ chức liên hoan đờn ca tài tử lần thứ 2, với chủ đề “Tự hào Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển”, quy tụ các câu lạc bộ của 9 huyện, thành phố về tham dự. Sở VH cũng đã xuất bản bộ dữ liệu hệ thống các bài bản tổ đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ nhất bao gồm 20 bài bản tổ và 22 sáng tác mới.

Công tác truyền dạy được các nghệ nhân đờn ca tài tử cao niên quan tâm. Trung tâm văn hoá - thể thao các huyện thường xuyên mở lớp ở các xã, thị trấn để dạy cho lớp trẻ yêu thích đờn ca tài tử. Như các nghệ nhân Thanh Hiền ở TP. Tây Ninh, Huỳnh Hữu Trí, Nguyễn Văn Long ở huyện Hoà Thành, Thành Phương ở Châu Thành, Lê Văn Lập ở Bến Cầu.

Ðể tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả Ðề án “Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh”, ngành Văn hoá sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng giáo trình, tài liệu giảng dạy thí điểm tại một số trường học, đồng thời đưa đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các điểm du lịch của tỉnh để phục vụ khách tham quan như Khu du lịch núi Bà Ðen, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu du lịch Long Ðiền Sơn, di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai vv...vv...

Ngoài ra, hằng năm, nhân Ngày Di sản thế giới 23.11, Tây Ninh sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, thực hiện chương trình hội thảo về hành trình di sản, trong đó có nội dung tìm hiểu về giá trị nghệ thuật của đờn ca tài tử.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh cũng sẽ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các huyện, thành phố đưa hoạt động đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các nhà văn hoá ấp, các trung tâm văn hoá ở xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố, phục vụ phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

V.H.M