Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi xưa, các anh ra đi theo tiếng gọi non sông. Vì bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, vì nhiệm vụ quốc tế, có hơn 1 triệu liệt sĩ đã nằm lại với đất mẹ, núi sông khi tuổi đời đôi mươi, mười tám. Ngày nay, từ sâu thẳm trái tim, bao thế hệ vẫn đang tiếp bước trở lại chiến trường xưa, mong tìm được những người con ưu tú đã “vị quốc vong thân”…
Đội K71 tìm được hài cốt liệt sĩ Phạm Tất Đắc trong niềm vui của gia đình.
Mệnh lệnh từ trái tim…
“Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”, thôi thúc những người đang thực hiện nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của quân đội, của nhân dân ta và các đồng chí ở đây. Thời gian không chờ đợi chúng ta! Ngày nào hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy thì chúng ta vẫn còn trăn trở, day dứt, lòng chưa yên. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta”, lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh trong dịp gặp gỡ những đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Từ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, từ sâu thẳm trái tim của người lính, hàng chục năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã có những chỉ đạo, điều động lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã, các huyện trên địa bàn tỉnh quy tập hài cốt liệt sĩ.
Những tập hồ sơ đã ố vàng ghi dấu thời gian hơn 20 năm trước, đã có các tổ, nhóm lên đường tìm kiếm nơi an táng của các chú, các bác trong tỉnh. Từ sự chỉ dẫn của những người già, từ hồ sơ lưu trữ của đơn vị, và từ thông tin cung cấp phía cựu binh Hoa Kỳ đã kết nối và dẫn đường các tổ, nhóm. Mỗi nơi đi qua, mỗi khu vực tìm kiếm được, cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh rà soát thật kỹ và đánh dấu lại bằng sơ đồ, để làm cơ sở cho việc kết luận địa bàn sau này.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được tổ chức quy củ hơn với sự ra đời của đội chuyên trách K71 vào năm 2000. hông chỉ làm nhiệm vụ trên chiến trường Tây Ninh, mà mỗi năm hai lần, các anh sang Campuchia để tìm kiếm, quy tập và hồi hương quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở đất bạn về nước.
Các liệt sĩ hy sinh trên đất nước Campuchia được đội K71 đưa về nước.
Đại tá Nguyễn Thanh Phong- Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh cho biết, mỗi năm, Bộ CHQS tỉnh đều có kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tỉnh và tại các tỉnh thuộc nước bạn Campuchia.
“Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ rất thiêng liêng của thế hệ đi sau với người đi trước, đối với những người đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc để chúng ta có được hoà bình như ngày hôm nay. Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh tập trung lãnh đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện kiên quyết, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh và Tây Ninh có Đội K71. Dù khó khăn, vất vả do thay đổi địa hình, địa vật, nhưng Đảng uỷ, Ban Chỉ huy đơn vị luôn quán triệt anh em cố gắng quyết tâm, sớm đưa được các chú, các anh về nơi yên nghỉ cuối cùng”- Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh nói.
Để có thông tin kết nối cho những chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh) phải thường xuyên cập nhật, tra cứu thông tin, dữ liệu từ trước giải phóng đến nay, từ trung ương đến địa phương, từ trong nước và quốc tế.
Nơi đây, các anh có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin liệt sĩ, thông tin hài cốt liệt sĩ để phục vụ cho công tác lưu trữ và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Qua tra lọc thông tin về các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh trước đây, đối chiếu hồ sơ lưu trữ tại cơ quan, Ban cung cấp thông tin đến gia đình, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ về nơi liệt sĩ hy sinh, nơi an táng.
Cùng với đó, Ban sẽ phối hợp cùng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung hồ sơ để xác định danh tính liệt sĩ có mộ trong nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin; điều chỉnh thông tin trong hồ sơ liệt sĩ.
Trung tá Giáp Đức Cường- cán bộ Ban Chính sách cho biết, trong năm 2024 (tính đến ngày 30.10), Ban đã tiếp nhận và trả lời thư tìm mộ liệt sĩ cho 142 trường hợp. Trong đó, trả lời qua thư là 58 trường hợp và trực tiếp là 84 trường hợp.
Ban Chính sách là nơi đón tiếp nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ.
“Trong năm nay, Ban đã hỗ trợ xác định danh tính, điều chỉnh thông tin trên bia mộ 1 trường hợp liệt sĩ Lê Văn Luyến đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82; tìm mộ 1 trường hợp liệt sĩ Hoàng Thanh Vân ở Phú Thọ, hiện gia đình đang làm thủ tục xác định danh tính liệt sĩ; công nhận liệt sĩ đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Thức hy sinh vào ngày 30.4.1975 tại Hậu Nghĩa, Long An. Đặc biệt, đơn vị đã hỗ trợ tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ Phạm Tất Đắc và tổ chức lễ bàn giao an táng tại quê nhà Hưng Yên”- Trung tá Giáp Đức Cường thông tin.
Theo Bộ CHQS tỉnh, tổng số tài liệu do cựu binh Mỹ cung cấp trước năm 2024 là 21 bộ hồ sơ (trong đó có 6 hồ sơ trùng lặp vị trí cầu Lộc Ninh và sân bay Đồng Pal). Theo thông tin, có 4.035 hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh được lính Mỹ - nguỵ chôn lấp; đã tìm kiếm được 9 vị trí, quy tập được 509 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Riêng vị trí ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu chưa xác định được số lượng hài cốt liệt sĩ.
Năm 2024, tổng số tài liệu do cựu binh Mỹ cung cấp là 11 bộ hồ sơ với tổng số 1.646 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 9 thông tin trùng với tài liệu đã cung cấp trước đây là 9 vị trí và có thông tin mới tại 2 vị trí: Trảng Tà Sia thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Biên; xã Suối Dây và cầu Bổ Túc, xã Suối Ngô, thuộc huyện Tân Châu.
… cho ngày đoàn tụ
Đến bây giờ, anh Phạm Giảng Đường (Hưng Yên) vẫn còn bùi ngùi khi nhắc lại khoảnh khắc gia đình anh tìm được người chú ruột: liệt sĩ Phạm Tất Đắc sau 53 năm hy sinh ở chiến trường miền Nam.
Đó là vào ngày 8.9.2024, sau thời gian dài tìm kiếm, gia đình anh Đường đã tìm thấy liệt sĩ Phạm Tất Đắc tại khu vực cầu Bến Sỏi, thuộc xã Trí Bình, huyện Châu Thành.
Anh Phạm Giảng Đường cho biết, hơn 10 năm qua, gia đình anh liên hệ Sở LĐ-TB&XH, Bộ CHQS các tỉnh rà soát, tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ. Nơi nào họ cũng đặt chân đến. Từ danh sách tham gia Đoàn 670, gia đình anh Đường lần tìm đến từng nhà của những đồng đội xưa từng chiến đấu chung với liệt sĩ. Họ góp nhặt từng chút, từng chút thông tin nhỏ nhoi. Có người nhớ được khi chia tay người Tiểu đội trưởng Phạm Tất Đắc là ở chiến trường Tây Ninh. Rồi nhờ ông Nguyễn Huy Chiến (nay đã 72 tuổi, hiện ngụ tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cho biết vị trí an táng Thượng sĩ Phạm Tất Đắc hy sinh vào năm 1971 cách cầu Bến Sỏi khoảng 60m. Mọi người đánh dấu nơi chôn bằng một thân cây to. Từ nguồn thông tin quý giá này, gia đình anh Đường đã báo cáo cùng Ban CHQS tỉnh lập hồ sơ tìm kiếm và may mắn đã định vị được nơi chôn cất liệt sĩ.
Nhưng do địa hình thay đổi, các anh càng đào càng không thấy chút dấu vết nào. Song không tuyệt vọng, các anh em chiến sĩ Đội K71 với kinh nghiệm của mình cùng hồ sơ và những lời chỉ dẫn của người dân địa phương, sau gần 1 tuần lễ tìm kiếm, các anh đã tìm thấy túi rút đựng đạn, mảnh áo bộ đội Việt Nam…
“Hơn 50 năm, cảnh vật thay đổi, đất bồi lấp vị trí an táng quá sâu. Chúng tôi phải đào xuống tậm 7m mới tìm thấy dấu vết. Thêm nữa, do nơi an táng cặp mé sông, đất bùn nhão nhoét. Để có thể đào sâu xuống dưới, chúng tôi phải mua hơn 30 cây tràm để đóng cừ, ngăn cho đất không tuột xuống. Dù tình hình khó khăn hơn so với dự kiến, nhưng với lòng quyết tâm, mong tìm đưa các bác về với gia đình, anh em chúng tôi không nề hà gian khổ” - Thượng tá Phan Văn Long- nguyên Chính trị viên Đội K71 nhớ lại.
Sau khi tìm kiếm, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ Phạm Tất Đắc cho gia đình tại quê nhà liệt sĩ ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
“Bố tôi ngày trước đi tìm, nay bố mất, chúng tôi là cháu ruột, lại đau đáu đi tìm chú về. Vì thời gian càng lâu, hy vọng càng ít. Và chúng tôi đã tìm được chú. Gia đình tôi quá may mắn. Tết năm nay gia đình tôi sẽ sum họp đủ đầy rồi. Tôi cũng mong các gia đình khác sớm có ngày đoàn viên. Thật sự không biết nói gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống” - anh Đường chia sẻ.
Đón các anh về là lời hứa từ trái tim của thế hệ sau với thế hệ trước; là lòng tri ân của người được hưởng độc lập với những ai quên mình “cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.
Khải Tường