BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đón lễ Noel 

Cập nhật ngày: 16/12/2023 - 17:42

BTN - Còn hơn một tuần nữa mới đến lễ Noel. Nhưng khắp các phố phường Tây Ninh đã rộn ràng. Không kể các cửa hàng bán đồ trang trí, thì nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cũng có thêm cây thông, hay mô hình hang đá Bê-lem… đón khách.

Tại nhà thờ Vinh Sơn.

Nhưng đông vui nhất vẫn phải là về huyện Châu Thành. Theo các ngả đường ĐT781, ĐT786 sang Thanh Điền, rồi đường lên Thành Long, Hoà Thạnh sẽ gặp các giáo xứ, nhà thờ chuẩn bị đón Noel.

Châu Thành là huyện có đông giáo xứ, giáo dân nhất của Tây Ninh. Tỉnh có 26 giáo xứ và 1 giáo điểm thì 11 giáo xứ ở huyện Châu Thành. Phần đông, các giáo xứ hình thành sau năm 1954 do cuộc di cư sau ngày cắt chia hai miền đất nước.

Giáo dân từ miền Bắc, một số đã “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Đấy là Cao Xá, Phong Cốc, Kiên Long… Riêng giáo xứ Phú Ninh, lại ghép bằng chữ đầu và cuối của 2 tỉnh (Phú Thọ và Tây Ninh) mà thành tên gọi.

Cho dù là tên gì, những ngày này, ở các giáo xứ, bà con đang chuẩn bị cho lễ Noel ở xứ mình được đẹp đẽ và trang trọng nhất. Sân, tường cổng bao quanh được sạch sẽ, cây kiểng tỉa đẹp mắt, đài tượng được lau rửa sáng bong. Đó đây, còn thấy các bạn gái trai chăm chú trang trí cây thông, giăng đèn hoa, khẩu hiệu…

Ở mọi nơi, việc trang trí cho núi giả và hang đá Bê-lem, mà theo truyền thuyết là nơi Thiên Chúa giáng sinh, là quan trọng nhất. Như ở giáo xứ Phú Ninh, dù cơ sở vật chất còn khá khiêm tốn, nhưng hang đá vẫn được dựng rất lớn đẹp, trang trí cầu kỳ với lều cỏ và các tượng nhỏ. Một bác còn đang cặm cụi đính từng bông tuyết lên gốc cây khô để điểm trang thêm.

Giáo xứ Phong Cốc thì núi và hang đá đều lớn, lại có thêm mô hình thành trì thời trung cổ. Kiên Long dựng núi và hang ngay trước nhà thờ. Vinh Sơn có nhà thờ mới xây lớn và đẹp lại có núi và hang khiêm tốn sợ làm che đi vẻ đẹp nhà thờ mới.

Nhưng, công phu và cầu kỳ, đẹp mắt nhất vẫn là Cao Xá, giáo xứ giữa lòng thị trấn Châu Thành có đông giáo dân nhất huyện. Núi giả ở đây cao thấp nhấp nhô như thể một góc Hạ Long. Vô số dây đèn từ cây cao buông rủ. Rồi cây thông cùng các chậu kiểng Việt sắp đặt khéo bên nhau.

Bên chân núi có tới hai lều cỏ và tượng bên trong. Trước sân, còn thêm một dáng cây thông nhưng lại kết hoàn toàn bằng tre trúc. Ô hay, những lều cỏ này lại hoàn toàn giống những ngôi nhà lá Việt Nam, cũng bằng tre trúc, lá dừa mang đậm tâm hồn Việt.

Trong một túp lều tranh, có cả tượng ông thánh làm nghề mộc. Dụng cụ cũng là cây chàng, đục, cưa, bào quen thuộc của làng quê. Còn người mẹ đang ru con bằng chiếc võng đay giản dị. Vậy là giáo dân, không chỉ đem theo tên đất tên làng. Họ còn mang theo hình bóng quê hương…

Trần Vũ