BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đón Tết thời Covid 

Cập nhật ngày: 29/01/2022 - 09:36

BTNO - Suốt ba năm "sống chung" với dịch, trải qua những ngày bị phong tỏa, giãn cách xã hội, dường như mọi người càng thêm trân trọng giá trị của “bình thường mới”. Covid-19 khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, đời sống của đa số người dân gặp khó khăn, việc mua sắm chuẩn bị tết năm nay cũng phải cân nhắc hơn so với trước. Tết "thời Covid" sẽ có xu hướng đơn giản, tiết kiệm. Đặc biệt với những ai đã trải qua những đau buồn mất người thân do Covid-19 sẽ càng thấm thía, trân trọng hơn tình cảm gia đình. Ai cũng mong cầu năm mới mạnh khỏe, bình an, dịch bệnh qua đi để cuộc sống trở lại bình thường…

Người dân mua sắm trong siêu thị Co.opmart dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 

Sắm tết tiết kiệm, tăng mua hàng trực tuyến 

Khảo sát thị trường Tết ở các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh chúng tôi nhận thấy nguồn hàng hóa phục vụ tết đã được các siêu thị và tiểu thương chuẩn bị từ rất sớm, hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Các mặt hàng phục vụ tết như thực phẩm tươi sống, giò chả, rau, củ quả, các loại bánh, mứt, rượu, giỏ quà tết, hoa tươi.v.v. được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua hàng với số lượng lớn hơn so với những ngày bình thường. Không khí mua sắm hàng ngày tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn trên địa bàn kể từ sau ngày 23 tháng Chạp trở nên tấp nập hơn so với ngày thường. 

Chị Huỳnh Ngọc Minh (thành phố Tây Ninh) cho biết: “Chúng tôi tranh thủ dịp cuối tuần đi siêu thị Co.opmart mua sắm Tết. Hàng hóa phục vụ tết được siêu thị lên kệ sớm, phong phú. Tuy nhiên năm nay kinh tế eo hẹp hơn nên nhà mình cũng chỉ mua những mặt hàng thực sự thiết yếu, phù hợp túi tiền và tranh thủ lựa những món đồ siêu thị đang có chương trình khuyến mãi để tiết kiệm”. Chị Ngọc Minh cho biết thêm, dù khó khăn hơn mọi năm nhưng ít nhiều tết cũng phải trang trí nhà cửa, có quà biếu hai bên nội ngoại, mâm ngũ quả, bánh mứt, nước ngọt, các món ăn truyền thống cúng gia tiên đầu năm mới. 

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập giảm, đa số người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, họ cân nhắc lựa chọn mua những mặt hàng thực sự thiết yếu và tranh thủ mua sắm rải rác từ khá sớm để hạn chế tập trung đông người trong dịp giáp tết. Nắm bắt được xu hướng này, các doanh nghiệp bán lẻ, tiểu thương, chủ sạp tạp hóa lớn trên địa bàn đã đưa hàng tết lên kệ từ sớm và cũng thiết kế lại sản phẩm, đưa thêm dòng phân khúc bình dân để phù hợp với mức chi của đa số người tiêu dùng. Ngoài ra, siêu thị, các cửa hàng thời trang trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kích cầu dịp Tết Nguyên đán. 

Chị Thu, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết các mặt hàng phục vụ tết như bánh kẹo, mứt, nước ngọt, bia…đã được cửa hàng nhập về sớm. Giỏ quà tết năm nay, cửa hàng không tập trung làm các mẫu mã cầu kỳ, đắt tiền mà chủ yếu chọn các sản phẩm phổ thông, bình dân hơn những năm trước. 

Đặc biệt năm nay xu hướng mua sắm trực tuyến và mua hàng đặt trước (order) thông qua kênh bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội facebook, zalo, shopee, lazada, tiki, qua tổng đài đặt hàng - giao hàng tận nhà của siêu thị… có xu hướng tăng. Đây là sự chuyển dịch tất yếu trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ rành về công nghệ. Các sản phẩm như bông lúa mạch, bông lúa vàng, phong bao lì xì cho đến các loại hoa tươi, hoa quả chưng Tết, đặc sản địa phương… được người bán hàng đăng bán, nhận order trước tết hàng tháng để kịp giao hàng thời điểm cận Tết Nguyên đán. 

Không khí mua sắm tại chợ hoa Xuân thành phố Tây Ninh dần sôi động sau ngày 23 tháng Chạp.

Cầu mong năm mới bình an

Sau thời gian giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, Tây Ninh đã bước vào cuộc sống bình thường mới. 

Sáng 25 tháng Chạp, anh Đặng Hồng Thanh, nông dân xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh bận rộn thu hoạch mãng cầu bán Tết. Đợt này, vườn mãng cầu của anh vừa trúng mùa vừa được giá. Đây thực sự là niềm vui trong những ngày năm hết tết đến. Và càng vui hơn, khi cả gia đình anh vừa vượt qua cơn khủng hoảng mang tên “dịch bệnh”.

Anh Thanh nhớ lại, năm qua quả thật có quá nhiều cung bậc cảm xúc. Anh nhớ như in cái cảm giác “chết lặng” khi nhìn hàng tấn mãng cầu của mình phải đổ đống vì thương lái không thể nào mua bán, vận chuyển. 3 ha mãng cầu của nhà anh đang chuẩn bị thu hoạch thì dịch bùng mạnh vào tháng 8.2021. Đúng lúc đó, anh bị nhiễm Covid. Anh phải đi cách ly điều trị, mẹ già, vợ con cũng phải đi cách ly vì là F1.

Vừa thất thu mãng cầu, bị nhiễm bệnh lại lo cho sức khỏe của cả nhà, khiến anh Thanh như rơi vào tuyệt vọng. Nhưng được mọi người động viên, “có sức khỏe, sẽ có tất cả”, vậy là anh lấy lại tinh thần, phấn chấn tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Sau 17 ngày nằm viện và gần nửa tháng cách ly tại nhà, sức khỏe của anh Thanh dần phục hồi. 

“Trải qua khoảng thời gian đó tôi nhận ra mình còn sức khoẻ là quan trọng nhất, có sức khoẻ mình sẽ lại tiếp tục làm việc. Tôi hy vọng, sắp tới sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất”, anh Thanh nói.

Người dân mua sắm đồ trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán.

Còn với chị Trịnh Thị Yến Thảo (khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh), tết năm nay là cái tết mong đợi nhất từ suốt 3 năm qua. Chị Yến Thảo sang Canada làm việc cách nay 5 năm. Những năm đầu, mỗi cái tết chị đều về quê sum vầy cùng gia đình.

Nhưng, 2 cái tết vừa rồi chị không thể về Tây Ninh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lần này, được tin đường bay quốc tế mở lại, chị Yến Thảo phải canh nhiều ngày đêm để mua được tấm vé về thăm nhà. Đọc những dòng chia sẻ trên facebook cá nhân mới thấy chị đã háo hức, nôn nao chờ ngày về đến Việt Nam như thế nào: “Những đứa trẻ rồi sẽ về nhà”; “Vài tiếng nữa là có mặt ở Việt Nam rồi nha, 70 Tây Ninh chào mấy anh chị em”…

“Khi vừa mua được vé, mình rất mừng nhưng vẫn chưa dám chắc có thể về được nhà vì dịch bệnh có thể làm đảo lộn mọi thứ trong một đêm. Đến khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mình mới thật sự chắc chắn được về Việt Nam, về Tây Ninh ăn tết”, chị Yến Thảo xúc động nói.

Về đến Tây Ninh ngày 22.1, chị Yến Thảo đã làm đầy đủ thủ tục khai báo y tế, và thực hiện cách ly tại nhà đúng quy định. Chị chia sẻ, trong 1 tháng về quê lần này, chị sẽ tranh thủ thời gian đi thăm người thân, bạn bè và đi du lịch. 

Tết là dịp để du xuân, lễ chùa cầu mong bình an, sức khỏe cho cả gia đình. Đó là điều mà bà Nguyễn Thị Bích Phượng (64 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) làm đều đặn hơn 10 năm qua. Bà cho biết, nhà theo tôn giáo Cao Đài nên năm nào cũng vậy, mùng 1 tết, bà và đồng đạo trong xóm thuê xe xuống Đền Thánh, Báo Ân Từ lạy, sau đó đến viếng Trí Huệ Cung. Đến mùng 6, bà đi núi Bà Đen lễ Bà và sang Rằm tháng Giêng sẽ đi trả lễ ở chùa Châu Đốc (tỉnh An Giang).

“Năm rồi tình hình căng quá nên tôi không dám đi. Năm nay, sức khỏe có hơi yếu, dịch bệnh cũng chưa biết như thế nào nên tôi dự định đi lễ chùa trong tỉnh mình trước. Nếu tình hình ổn định, tôi sẽ đi Châu Đốc. Tôi đã tiêm xong 2 mũi vaccine rồi, mấy đứa con cũng đã chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang, cả tinh dầu để xông nữa. Năm nay đi chùa, tôi sẽ cầu cho dịch bệnh bị đẩy lùi, cho mọi thứ trở lại bình thường”, bà Phượng nói. 

Mong ước của bà Phượng cũng là mong ước của tất cả chúng ta. Một năm có quá nhiều biến động đang khép lại, hy vọng năm mới mở ra cùng những điều an lành, may mắn.  

Ngọc Diêu – Phương Thúy