Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đôn Thuận - địa linh nhân kiệt
Thứ tư: 07:49 ngày 12/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, lãnh đạo thị xã Trảng Bàng đã tổ chức buổi ra mắt sách Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại và bộ phim tư liệu Căn cứ địa Bời Lời. Sách dày tới gần 750 trang, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản.

Di tích Căn cứ Bời Lời (năm 1997)

Căn cứ Bời Lời thuộc xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng thì nhiều người đã biết. Nhưng sẽ ít người biết hơn là xã Đôn Thuận ngày nay đã nhỏ bé hơn rất nhiều xã (thôn) Đôn Thuận ngày xưa. Bởi, thoạt đầu Đôn Thuận là cả một vùng rộng lớn bên hữu ngạn (bờ Tây) sông Sài Gòn, có lẽ đã kéo dài suốt từ các xã Bến Củi, Truông Mít cho đến giáp giới huyện Củ Chi của Sài Gòn - Gia Định.

Sách Từ điển Hành chính Nam bộ của Nguyễn Đình Tư (NXB Chính trị Quốc gia, 2008) có mục từ Đôn Thuận (trang 367, 368). Đấy là “thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ triều vua Minh Mạng.

Qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đổi thuộc tổng Hàm Ninh thượng. Từ 1903 thuộc quận Trảng Bàng; từ 1930 đổi thuộc quận Thái Bình. Ngày 21.10.1940 chia 2 làng: làng phía Nam vẫn giữ tên Đôn Thuận, làng phía Bắc tên Thuận Lợi. 10.3.1943, làng Đôn Thuận đổi thuộc tổng Hàm Ninh hạ, quận Trảng Bàng…”.

Cái làng mang tên Thuận Lợi ấy ngày nay đã là các xã Bến Củi và Truông Mít. Đến năm 2004, phần còn lại của Đôn Thuận lại được tách ra để lập xã mới Hưng Thuận (cùng với một phần của xã Lộc Hưng). Vậy là Đôn Thuận xưa từng là miền đất ven hữu ngạn sông Sài Gòn, với chiều dài (đường chim bay) hơn 20 cây số dọc triền sông.

Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu sâu hơn của Vương Công Đức trong sách Trảng Bàng phương chí. Sách có đoạn: “Theo mô tả trong Địa bạ tỉnh Gia Định của triều đình nhà Nguyễn thì thôn Đôn Thuận ngày nay nằm hoàn toàn trong thôn Tân Thuận trước năm 1836" (năm lập phủ Tây Ninh- TV).

Tài liệu Địa bạ Gia Định chép: “Tân Thuận thôn có phía Đông giáp sông lớn (tức sông Sài Gòn bây giờ), phía Tây giáp đường Thiên lý (đường 782 và 784 ngày nay- TV) và địa phận thôn Lộc Ninh, phía Nam giáp thôn Gia Lộc và phía Bắc giáp thôn Lộc Ninh…”.

Tác giả cũng có viết rằng: “Khi thành lập phủ Tây Ninh vào năm 1836 thì một phần đất của thôn Tân Thuận được tách ra và thành lập nên thôn Đôn Thuận”. Tuy vậy, cứ xét theo “tứ cận” mô tả trong Địa bạ Gia Định thì Đôn Thuận chính là thôn Tân Thuận. Trước năm 1836, thôn này còn thuộc tổng Dương Hoà huyện Bình Dương của phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Những tên thực dân cuối cùng bị thương vì chông tre của du kích Trảng Bàng cuối năm 1953. (Ảnh tư liệu kháng chiến Trảng Bàng).

Các nhà nghiên cứu về quân sự hiện nay đã nhận thức rõ về các đặc điểm “Địa quân sự, Địa chính trị” của vùng đất mang tên Đôn Thuận. Đại tá, Phó GS Tiến sĩ Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng Phòng Khoa học quân sự QK7 trong bài viết “Vai trò của căn cứ địa Bời Lời trong kháng chiến chống thực dân Pháp” (Sđd) có đoạn: “Là khu rừng ven sông, lại án ngữ hành lang vận tải và giao liên từ chiến khu Thạnh Lộc, Bình Mỹ của TP. Sài Gòn- Chợ Lớn lên chiến khu Trà Vong Dương Minh Châu và biên giới Việt Nam - Campuchia, từ chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến khu Đông Thành của tỉnh Tân An, hoặc từ Bến Cầu- Gò Dầu sang chiến khu An Thành- Long Nguyên của tỉnh Thủ Dầu Một và các tỉnh khác ở miền Đông Nam bộ, Căn cứ địa Bời Lời có một vị trí quân sự quan trọng…

Do đặc điểm về địa quân sự, địa chính trị như nêu ở trên, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ, gần như ngay lập tức, Bời Lời trở thành căn cứ địa của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang cách mạng tập trung của huyện Trảng Bàng, của tỉnh Tây Ninh, tỉnh Gia Định và của cả khu 7…”.

Sang đến thời kháng chiến chống Mỹ, Bời Lời- Đôn Thuận tiếp tục là nơi đứng chân của Huyện uỷ Trảng Bàng, Tỉnh uỷ Tây Ninh với hầu hết các cơ quan, các ngành của Dân Chính Đảng. Không những thế, Đôn Thuận- Bời Lời còn là “Nơi đứng chân là nơi qua lại của khu uỷ Sài Gòn- Gia Định…” (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- bài phát huy tiềm năng giáo dục truyền thống của căn cứ địa Bời Lời). Bời Lời - Đôn Thuận cũng là vùng đất của những đơn vị tình báo anh hùng, mang tầm chiến lược như B 110, A 20, A 18- H 67, A 20- H 67.

Ngược dòng lịch sử hơn 200 năm trước, Đôn Thuận là vùng đất hết sức được chú trọng của người xưa. Vương Công Đức trong Trảng Bàng phương chí cho rằng: “Xã Đôn Thuận là một trong những cái nôi đầu tiên của người Việt đến định cư ở khu vực Đông- Nam Tây Ninh. Vào cuối thế kỷ 18, vùng đất mang tên Bến Đồn và Bùng Binh đã có đông dân Việt và binh lính triều đình đến định cư và lập đồn thu thuế trên bờ sông Tân Bình (sông Sài Gòn hiện tại)…”.

Sách Đại Nam Thực lục- Đệ nhị kỷ cũng mô tả quá trình tiến tới thành lập phủ Tây Ninh. Theo đó, vào đầu năm 1836, vua Minh Mệnh có lập đoàn kinh lý sáu tỉnh Nam kỳ. Đoàn do Binh bộ Thượng thư cơ mật đại thần Trương Đăng Quế và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Kim Bảng làm kinh lược Đại sứ.

Vào tới Gia Định, còn có thêm quan đại thần Trương Minh Giảng tham gia. Khi lên Tây Ninh, lúc ấy còn là đạo Quang Phong, đoàn đã chú ý đến địa thế Tây Ninh và khu vực sông Sài Gòn chảy qua Đôn Thuận. Tại đồn Xỉ Khê (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay), các ông thấy: “Bên tả có sông nhỏ ăn thông với sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông); bên hữu có con đường bộ ăn thông đến sông Đục (nay là sông Sài Gòn) thuộc thủ sở Quang Phong, giáp giới hạt Biên Hoà hình thế khá đẹp.

Bọn Giảng bên dâng sớ xin đặt phủ lỵ ở đó, rồi tuỳ địa thế liên lạc nên chia đặt 2 huyện lệ thuộc vào. Lại đặt 1 đồn bảo ở bên sông Đục để làm thế ỷ giốc với thành Quang Hoá, trong có thể làm phên giậu giữ vững cho Gia Định, ngoài có thể tăng thêm thanh thế cho Trấn Tây…” (Sách đã dẫn, tập XVIII, NXB Khoa học Xã hội, 1967).

Vua dụ rằng: “…Nay đổi đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh; đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá là huyện thành. Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm để làm phủ thành. Đổi sông Đục là sông Thanh Lưu, đặt đồn bảo Thanh Lưu, cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh…”. Theo lệnh vua, Tổng đốc Gia Định Nguyễn Văn Trọng trực tiếp sắp xếp các tổng xã thôn cho phụ thuộc vào hai huyện, cùng với việc phân bổ, sắp xếp các quan và lính, định ngạch thuế v.v… trên vùng đất phủ Tây Ninh. Ông cũng quy định về quy mô, kích thước các ngôi thành vua cho phép lập. Trong đó: “Phủ thành Tây Ninh thông thuỷ rộng 32 trượng, thân thành dày 1 trượng, cao 7 thước 2 tấc có 3 cửa. Đồn bảo Thanh Lưu thông thuỷ rộng 15 trượng, thân dày 8 thước 1 tấc, cao 5 thước 4 tấc, có 2 cửa…” (1 trượng 4,87m, 1 thước = 0,487m).

Như vậy, hai vị trí quan trọng nhất trên đất Tây Ninh khi mới lập phủ chính là ở Xỉ Khê (nay là TP. Tây Ninh) và đồn bảo Thanh Lưu thuộc Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng. Theo nhiều người cao tuổi sống trong vùng, ngôi thành cũ ấy nay đã thuộc về ấp Lộc Thuận của xã mới Hưng Thuận. Thành gần với khu mộ của ông Cả Đặng Văn Trước, sau được sắc phong là thành hoàng đình Gia Lộc. Những năm kháng chiến, cả ngôi thành lẫn mộ thành hoàng đều bị bom pháo hầu như san phẳng. Nhưng dòng sông Sài Gòn vẫn luôn là một dòng lưu thuỷ xanh trong (Thanh Lưu), sông nước vẫn rì rầm kể chuyện về một miền đất “địa linh” mang tên Bời Lời - Đôn Thuận…

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục