Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập: Còn gặp nhiều khó khăn
Thứ năm: 16:22 ngày 22/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 21.2, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”. Thông tin từ cơ sở cho thấy, sau thời gian sáp nhập, ngoài những thuận lợi, việc sáp nhập có phần nặng tính cơ học đã và đang làm nảy sinh một số vấn đề.

Trong giờ học tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Đề nghị bổ sung thêm hiệu phó

Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động toàn đơn vị gồm 114 người. Ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi sáp nhập, trường có 2 cơ sở toạ lạc tại thị trấn và tại ấp Suối Dộp, xã Thái Bình.

Sau khi sáp nhập, đội ngũ giáo viên tăng nên việc bố trí giáo viên đứng lớp thuận lợi hơn, số lượng giáo viên thừa, thiếu ảo đã giảm. Việc tuyển sinh đầu vào không còn áp lực đối với học sinh và phụ huynh.(trước khi sáp nhập, trường chỉ tuyển 10 đến 12 lớp, sau khi sáp nhập tuyển 16 lớp). Tuy nhiên, do số lượng tuyển sinh tăng nên chất lượng đầu vào có giảm xuống.

Ngoài những thuận lợi cơ bản, sau sáp nhập, trường gặp một số vấn đề, như: Đội ngũ giáo viên của trường đa số trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Học sinh phần lớn sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới, kinh tế gia đình khó khăn nên điều kiện học tập và sự quan tâm của gia đình còn nhiều hạn chế.

Sau sáp nhập, trường có 2 cơ sở nên khó khăn trong công tác điều hành quản lý, xếp thời khoá biểu. Hai cơ sở cách nhau 3km, ảnh hưởng không nhỏ trong việc di chuyển giữa các giờ dạy của giáo viên, có lúc chưa bảo đảm thời gian vào lớp, ảnh hưởng đến chất lượng chung của nhà trường.

Cơ sở 2 của trường có phòng học không đúng quy cách, diện tích phòng nhỏ (do được bàn giao từ TTGDNN-GDTX Châu Thành). Trong khi đó, số học sinh của mỗi lớp có từ 40 em trở lên nên các em ngồi học rất chật chội, nóng nực, ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Hiện tại, cán bộ quản lý của nhà trường chỉ có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng, trong khi trường  có 2 cơ sở, số lượng giáo viên, học sinh đông nhất tỉnh nên việc quản lý có lúc chưa chặt chẽ, đặc biệt  ở cơ sở 2.

Lãnh đạo nhà trường kiến nghị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120/2020/NĐ-CP (liên quan đến số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp) hoặc có chế độ đối với những trường học có số lượng lớp nhiều, có từ 2 cơ sở trở lên. Trường nào có từ 28 lớp trở lên thì được bố trí 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng như trước đây. Trước mắt, cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung cho nhà trường thêm 1 phó hiệu trưởng. vì trường có 2 cơ sở, cách nhau khoảng 3km, số lượng học sinh đông nhất tỉnh nên việc quản lý có lúc chưa chặt chẽ.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi khảo sát

Bà Huỳnh Vương Hiếu- Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thành viên đoàn khảo sát băn khoăn, sau khi sáp nhập, bộ máy tổ chức, nhân sự của nhà trường có thu gọn không, số người làm việc có giảm không, thu nhập của giáo viên như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt vấn đề về biên chế, việc thừa thiếu giáo viên và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ. Liên quan đến Nghị quyết 52 về mức thu học phí, bà Kim Chi đề nghị nhà trường đóng góp ý kiến để xây dựng nghị quyết mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Thuận lợi và khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở nhà trường. Ông Huỳnh Thanh Phương- đại biểu Quốc hội, Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu “đề nghị nhà trường đánh giá hiệu quả sau sáp nhập, có phải việc sáp nhập chỉ mới thể hiện tính chất cơ học”?

Cơ chế tự chủ tài chính hiện nay vướng ở đâu, có vấn đề gì không, tiếng là cho tự chủ nhưng thật sự có được tự chủ không, “tôi biết trong thực tế có những khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ, không đúng quy định. Bị phát hiện, nhẹ thì xuất toán, nặng có thể bị kỷ luật”- đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu trao đổi với nhà trường. “Đọc báo cáo thấy nổi lên chuyện khó khăn sau khi sáp nhập, nhà trường có thể lãm rõ thêm về nội dung này”- bà Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH nêu.

Giải trình một số nội dung, ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, việc sáp nhập không thể giảm nhân sự hoặc có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, nhà trường chỉ giảm một biên chế làm hành chính. Do phải chi phí nhiều nên việc tăng thu nhập của giáo viên (cuối năm) không cao. Kể từ khi sáp nhập, nhà trường chưa có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở vật chất, chỉ sửa chữa nhỏ.

Ông Hùng cho biết thêm, cơ sở vật chất của nhà trường đã xuống cấp, đơn vị đề nghị Sở GD&ĐT xem xét xây thêm 18 phòng học, phòng chức năng. Việc đào tạo nâng cao trình độ, nhà trường không gặp khó khăn, luôn tạo điều kiện cho giáo viên đi học. Nhà trường cũng đã góp ý kiến (bằng văn bản) liên quan chính sách học phí của tỉnh. Đội ngũ giáo viên, hiện nay thiếu giáo viên Âm nhạc, “nếu có chỉ tiêu cũng không có nguồn để tuyển”- ông Hùng nói. Liên quan tự chủ tài chính, lãnh đạo nhà trường thông tin, mức độ tự chủ của đơn vị này ở nhóm ba.

Sau khi Trường THPT Châu Thành sáp nhập vào Trường THPT Hoàng Văn Thụ, hiện nay cơ sở giáo dục này có quy mô thuộc hàng lớn nhất tỉnh về học sinh, gần 2.000 em.

Tủ sách Trường tiểu học – trung học cơ sở Long Phước

Chính sách cho giáo viên dạy cùng lúc hai điểm trường

Tháng 12.2018, Trường tiểu học và trung học cơ sở Long Phước, huyện Bến Cầu được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường tiểu học Long Phước và Trường THCS Long Phước. Nhà trường hiện có 14 lớp/321 học sinh. Sau thời gian sáp nhập nảy sinh một số vấn đề: Việc tổ chức tham gia các hoạt động ngoại khóa còn bất cập. Công tác chuyên môn, đặc điểm chuyên môn giữa tiểu học và trung học cơ sở khác nhau nên giáo viên không thể hỗ trợ chuyên môn qua lại (trừ một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục).

Thực hiện chương trình GDPT 2018, tất cả học sinh khối 3, 4, 5 phải học ngoại ngữ, Tin học nhưng học sinh tiểu học ở điểm lẻ chưa có phòng Tin học. Nhà trường đã sử dụng một phòng của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, điều chuyển 5 máy tính đến điểm lẻ để cho học sinh học tập. Cấp tiểu học có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường từ 6-10km, giáo viên di chuyển trong buổi dạy gặp khó khăn, làm ảnh hướng đến giờ dạy.

Trong sinh hoạt chuyên môn, 2 cấp học họp chuyên môn riêng, họp hội đồng mới họp chung. Về tư tưởng, sau thời gian khá dài kể từ khi sáp nhập, nhận thức của giáo viên giữa 2 cấp học mới ổn định và hiểu biết lẫn nhau.

Thành viên đoàn khảo sát nêu, sau khi sáp nhập hai trường, các giáo viên được phân công dạy ở điểm lẻ (tiểu học) có chế độ gì khác ngoài quy định chung không. Ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đề nghị xem xét có chính sách dành cho những giáo viên dạy ở điểm lẻ, vì tại xã Long Phước có một điểm lẻ cách điểm chính 10 cây số.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu đề nghị có chế độ cho giáo viên dạy một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật phải di chuyển thường xuyên giữa điểm chính và điểm lẻ.

Việt Đông - Phương Thuý

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục