BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đơn vị Trinh sát A14 và chiến công hiển hách trên núi Bà Đen

Cập nhật ngày: 27/04/2011 - 08:24

Thiếu tá Trần Lê

Trong không khí khắp nơi đang hướng về kỷ niệm 36 năm Chiến thắng 30.4.1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn gặp gỡ Thiếu tá Trần Lê, nguyên là Chính trị viên đơn vị Trinh sát A14, tiền thân của Liên đội 7 anh hùng đã có nhiều chiến công oanh liệt, dũng cảm kiên cường chiến đấu và chiến thắng Mỹ, nguỵ trên núi Bà Đen. Ông Trần Lê đã nghỉ hưu, đang cùng gia đình sinh sống tại xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh. Chúng tôi đã đề nghị ông thuật chuyện chiến công của đơn vị, ông đã vui vẻ kể lại:

Từ đầu năm 1962, giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phòng Quân báo Miền đã tổ chức các đơn vị Trinh sát mặt đất và Trinh sát kỹ thuật. Trong đó có Đại đội Trinh sát 32 do ông Lê Song làm Đại đội trưởng, ông Phương Nam làm Chính trị viên trưởng và ông Trần Lê làm Chính trị viên phó. Nhiệm vụ của Đại đội Trinh sát 32 là theo dõi, điều tra nắm bắt tình hình hoạt động quân sự của địch, để phục vụ công tác bảo vệ căn cứ R - Trung ương Cục miền Nam. Ban Tham mưu Miền đã nghiên cứu, xét thấy núi Bà Đen địa hình biệt lập, là một quần thể núi cao, nơi thấp nhất là 200 mét, cao nhất là 986 mét so với mặt biển. Núi Bà đa số là núi đá gộp chồng chất lên nhau, có nhiều hang hóc hiểm trở, có thể luồn lách lên xuống, qua lại… là nơi có điều kiện tốt vận dụng chiến thuật chiến đấu lúc hiện, lúc ẩn, bất ngờ và đặc biệt là nơi ẩn nấp kiên cố để phòng tránh bom đạn. Núi Bà Đen còn là nơi điểm cao giữa đồng bằng Nam bộ thuận lợi cho việc thông tin liên lạc, và rất thuận lợi cho công tác theo dõi, điều tra tình hình hoạt động quân sự của đối phương ở cả một vùng rộng lớn như: thị xã Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng đi Sài Gòn, đường lên cửa khẩu Xa Mát, Kà Tum, đường số 4, liên tỉnh lộ 13, đường số 5… từ Tây Ninh đi các nơi, kể cả sang Campuchia. Ngày 20.2.1962, cấp trên đã lấy từ Đại đội 32 ra 14 cán bộ chiến sĩ, thành lập đơn vị Trinh sát A14 cắm chốt trinh sát tại phía Bắc núi Bà Đen. Đơn vị A14 do đồng chí Vũ Cao Sơn, Chỉ huy trưởng và đồng chí Trần Lê là Chính trị viên. Đơn vị được đồng chí Sáu Nam (tức Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh) khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền trực tiếp giao nhiệm vụ: triển khai chốt, lập đài quan sát, nắm mọi diễn biến khi vào cửa căn cứ địa (R) và chiến đấu chặn bước tiến của địch. Tổ chức mạng lưới quân báo nhân dân, nắm tình hình địch ở khu vực thị xã Tây Ninh, Toà Thánh, Long Hoa và các vùng lân cận. Phải chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu lâu dài (gạo, nước, đạn dược…) sẵn sàng đánh địch khi bị bao vây, có thể tự lực trong vòng 1 đến 2 tháng. Phải bám trụ địa bàn, không có lệnh không được tự động rút chốt.

Núi Bà Đen- nơi chứa đựng biết bao chiến công oanh liệt của các chiến sĩ quân giải phóng.

Đơn vị Trinh sát với 14 đồng chí, xa hậu cứ, địa hình độc lập, xa dân dễ bị bao vây chia cắt và gặp vô vàn khó khăn gian khổ như: phải ăn ở trong hang đá, bệnh sốt rét hoành hành, thiếu thốn lương thực, nước uống, thuốc men… Trong khi bom đạn địch dội xuống ngày đêm. Nhưng cán bộ chiến sĩ đều xác định ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để quyết chiến quyết thắng và vượt qua mọi khó khăn gian khổ ác liệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên vách đá nơi đóng quân của đơn vị có các khẩu hiệu như: “biết ở không biết đi”, “Biết đánh không biết rút”, “Phải đánh và đánh thắng”… Dù là quân Mỹ hay quân nguỵ, dù bom đạn ác liệt, quân địch đông và vũ khí mạnh hơn gấp bội lần nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn bám trụ, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

Do tình hình cách mạng miền Nam phát triển mạnh. Các hoạt động quân sự và các chiến dịch càn quét của Mỹ -nguỵ đánh vào căn cứ cách mạng đều bị phát hiện trước và đều bị thất bại. Bọn Mỹ-nguỵ điên cuồng tổ chức bao vây, đánh ráo riết hòng tiêu diệt đơn vị. Đơn vị vừa phải tổ chức vận tải lương thực, đạn dược, nước uống… lên hang đá để dự trữ, vừa bám dân để xây dựng mạng lưới quân báo ở xóm Khe Đol và bến xe lôi. Đồng thời thường xuyên quan hệ với các địa phương như: xã Suối Đá, xã Phan, xây dựng tổ chức lực lượng nòng cốt đánh phá bọn bình định nông thôn, phá ấp chiến lược. Nghiên cứu điều tra tình hình bố trí quân sự của một số căn cứ của địch để chuẩn bị cho tác chiến sắp tới. Đơn vị luôn được nhân dân địa phương yêu thương, đùm bọc và che chở. Đến tháng 10.1963, đơn vị được cấp trên tăng cường thêm 15 chiến sĩ và thành lập C14 thuộc tiểu đoàn trinh sát A52. C14 vừa làm nhiệm vụ trinh sát vừa chiến đấu ngoan cường để bám trụ, giữ vững chốt. Điển hình như ngày 18.10.1963 một tiểu đoàn biệt kích nguỵ đóng ở Suối Đá do tên Nhuộm ác ôn chỉ huy, trong đêm khuya bọn chúng dùng chiến thuật biệt kích leo lên núi đá và luồn vào trong hang nhằm đánh úp tiêu diệt quân ta. Quân địch đông hơn gấp 10 lần nhưng trinh sát của ta đã cảnh giác phát hiện và đơn vị đã bố trí trận địa sẵn sàng. Các chiến sĩ ta thoắt ẩn, thoắt hiện làm quân địch không thể phát hiện được. Khoảng 5 giờ sáng ngày 19.10.1963, vừa nhìn rõ quân địch và xác định đội hình của bọn chúng, quân ta bất ngờ nổ súng bắn phủ đầu, các chiến sĩ đồng loạt nhằm thẳng quân thù mà bắn. Bị tấn công bất ngờ, đội hình của địch tán loạn, nhiều tên chết và bị thương kêu la ầm ĩ. Quân ta thừa thắng xông lên, đánh tan từng mũi tiến quân của địch. Trận chiến đấu ác liệt kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, đến khoảng 9 giờ 15 phút do bị chết và bị thương vong nhiều quân địch đã phải rút lui. Quân ta tiêu diệt 45 tên biệt kích nguỵ và thu được nhiều vũ khí, đạn dược, chiến lợi phẩm...

Căn cứ của địch trên đỉnh núi Bà Đen

Từ ngày 12.4.1964 đến 20.5.1964, ròng rã hơn 1 tháng đơn vị đã phối hợp với du kích xã Tân Hưng, lực lượng địa phương huyện Tân Biên chống địch tái chiếm bót Bàu Cỏ (bót này đóng ngay bên đường cửa ngõ vào căn cứ địa, đã bị chủ lực ta tiêu diệt). Bộ chỉ huy Miền chỉ thị “kiên quyết không cho địch tái chiếm”. Đơn vị vừa tổ chức đánh tiêu diệt bộ binh địch, vừa gài mìn chống xe quân sự của địch di chuyển trên 2 trục lộ 4 và hương lộ 5. Quân ta đã đánh bại âm mưu tái chiếm bót Bàu Cỏ, diệt 45 tên nguỵ, phá huỷ 10 xe quân sự, 2 xe tăng M113, 1 khẩu pháo 105 ly. Với chiến thắng đó đơn vị đã được Bộ Tư lệnh Miền trao tặng Huân chương chiến công hạng ba…

Không thể kể hết những trận đánh và các chiến công của đơn vị. Cán bộ chiến sĩ A14 và sau này là C14 đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, linh hoạt, đã đánh là thắng… Đầu năm 1969 để đáp ứng với yêu cầu của chiến trường, đơn vị được chia làm 3 đội, 1 đội chốt ở phía Bắc núi Bà, 1 đội chốt ở phía Nam, 1 đội chốt ở phía Tây núi. Và đơn vị đổi tên là liên đội 7 do đồng chí Hoàng Thao làm Chỉ huy trưởng. Đơn vị trinh sát liên đội 7 anh hùng đã lập nhiều chiến công oanh liệt, làm kẻ thù phải khiếp sợ, đơn vị đã bám trụ và giữ vững các chốt trên núi Bà, đỉnh cao là chiến công giải phóng núi Bà ngày 7.1.1975, góp phần tạo thế và lực mới, chuyển biến thuận lợi cho quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ cùng bè lũ  tay sai, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

CÔNG HUÂN

(Theo lời kể của Thiếu tá Trần Lê, nguyên chính trị viên A14, C14)