Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng bào dân tộc Chăm tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư
Chủ nhật: 23:51 ngày 18/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tất cả đồng bào Chăm ở Tây Ninh đều có tín ngưỡng theo đạo Islam, sinh hoạt tôn giáo dưới sự hướng dẫn của Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh.

Đồng bào dân tộc Chăm ở Tây Ninh hiện nay có khoảng 4.000 nhân khẩu, đang sinh sống tập trung ở 7 khu vực trong tỉnh thuộc các xã, phường của huyện Tân Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh. Tất cả đồng bào Chăm ở Tây Ninh đều có tín ngưỡng theo đạo Islam, sinh hoạt tôn giáo dưới sự hướng dẫn của Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh.

Các thành viên trong Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh tại văn phòng Ban Đại diện.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng các ban, ngành, đoàn thể các cấp của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc Chăm Islam an tâm ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thông qua nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động với những kết quả khả quan. Điều đó đã làm cho đồng bào Chăm Islam ngày càng an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực phấn đấu góp sức của mình vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Đồng bào Chăm luôn đoàn kết với đồng bào các dân tộc, tôn giáo khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh ở khu dân cư và tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo. 

Theo ông Chàm Min- Phó Trưởng Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh, trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do MTTQ Việt Nam phát động, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh đã xác định, đây là cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Do đó, Ban Đại diện luôn kêu gọi bà con dân tộc Chăm cùng chung tay đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất để tự mình vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách một cách hợp lý để cải thiện cuộc sống tăng gia sản xuất, tạo động lực phấn đấu cho bà con.

Đồng bào Chăm luôn thực hành các nghi lễ tôn giáo theo quy định .

“Ban Đại diện thường xuyên hướng dẫn Ban Quản trị các thánh đường, tiểu thánh đường góp phần tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ pháp luật, sống đạo theo lời của Allah và Thiên sứ. Đồng thời biết hướng về nguồn cội dân tộc, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tương thân, tương ái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thuần phong mỹ tục, xây dựng đời sống văn hoá ở các ấp, khu phố có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vào buổi trưa thứ sáu hằng tuần, sau giờ thực hiện nghi lễ tôn giáo theo quy định của giáo luật, các Ban Quản trị các thánh đường đều kết hợp vận động, hướng dẫn bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh ở khu dân cư, ấp văn hoá, sống tốt đời, đẹp đạo, ông bà mẫu mực, gia đình văn hoá, mai táng tiết kiệm…”, ông Chàm Min cho biết.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Chăm Islam, Ban Đại diện và Ban Quản trị các thánh đường luôn thực hiện theo đúng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đăng ký và thông báo sinh hoạt định kỳ. Những năm qua, một số cơ sở thánh đường đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, Ban Đại diện đã vận động nhà hỗ trợ trong và ngoài nước giúp đỡ tu sửa lại 1 tiểu thánh đường và tiến hành xây dựng mới 2 thánh đường với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. “Nhờ sự hướng dẫn của MTTQ làm hồ sơ thủ tục, chính quyền địa phương cấp phép xây dựng nên đến nay đã sắp hoàn thành, tạo sự an vui và phấn khởi cho cộng đồng. Có nơi thờ tự khang trang, các tín đồ đến thực hành các nghi lễ tôn giáo cũng rộng rãi hơn, được tổ chức được tổ chức, an toàn, ổn định về an ninh trật tự”, ông Chàm Min chia sẻ.

Về công tác bảo vệ môi trường tại khu dân cư, ông Chàm Min cũng cho biết, những năm qua, Ban Đại diện triển khai mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” tại thánh đường ấp Tân Trung A (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Đến nay, tinh thần bảo vệ môi trường đã được lan toả đến các khu dân cư ở các thánh đường khác. Ban Quản trị phối hợp với MTTQ ở địa phương tổ chức triển khai đăng ký các nội dung bảo vệ môi trường cho bà con nắm bắt và hiểu được về tác hại của ô nhiễm môi trường do con người gây ra. Ban Quản trị luôn hướng dẫn, tuyên truyền bà con bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi cộng cộng, khu dân cư, chăn nuôi gia súc, gia cần bảo đảm vệ sinh. “Từ đó, bà con hiểu được về bảo vệ môi trường rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Bà con rất đồng tình và ủng hộ thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký. Ban Quản trị các thánh đường trong tỉnh cũng vận động bà con tín đồ quét dọn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chương trình “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương phát động. Các hộ dân hiện nay sử dụng công trình sinh hoạt như nhà tắm, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, trồng và bảo vệ cây xanh, bông hoa nơi công cộng và cơ sở thờ tự để tạo cảnh mỹ quan, sinh hoạt của tôn giáo Hồi giáo.

Mỗi cá nhân đồng bào Chăm sẽ góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh cũng thường xuyên vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, các nguồn từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ, giúp đỡ người già neo đơn, các hộ nghèo, hỗ trợ tháng Ramadhan, tháng Haji làm lễ dâng hiến trị giá hàng trăm triệu đồng. Đồng thời tham gia thắp sáng đường quê, vận động bà con tín đồ quyên góp được hơn 10.000.000 đồng để kéo điện và gắn đèn thắp sáng 3 tuyến đường xóm người dân tộc Chăm ở ấp Tân Trung A.

Mỗi công dân, đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh luôn ý thức trách nhiệm và nâng cao tinh thần đoàn kết để cùng với chính quyền địa phương xây dựng những khu dân cư bình yên, văn hoá. 

Khải Tường

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục