Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng bào mình mà
Thứ năm: 23:22 ngày 05/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bàn cà phê chiều đột nhiên vắng mặt Năm “Thời sự”, Tư Cà có đôi chút hụt hẫng. Năm “Thời sự” nhắn tin, có đoàn ra miền Trung cứu trợ, hắn tháp tùng để tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát mà “khúc ruột” của đất nước hình chữ S đã và đang gánh chịu. Bù lại, Năm “Thời sự” gọi điện buộc Sáu “Mặt trận” phải ra quán, “hầu chuyện” với Tư Cà.

\- Ảnh cũng lu bu lắm!”- Sáu “Mặt trận” mở lời. Nhưng mấy hôm trước, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh phóng viên Thông tấn xã cầm camera bật khóc giữa Trà Leng. Ảnh nói, tao phải đi, phải làm cái gì đó, nho nhỏ thôi, cho đồng bào mình.

- Ừ, anh có xem bức ảnh đó. Nghe kể là, lúc mọi người kéo thi thể một đứa bé từ trong lớp bùn đất, sình lầy, anh ấy đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống khóc.

 - Sao em nghe, làm nghề báo phải luôn làm chủ cảm xúc?

- Đau đớn vậy mà em! Như MC Tuấn Dương trong chương trình thời sự trực tiếp “Mưa lũ lịch sử miền Trung” hôm 25.10 trên VTV, khi xem hình ảnh người đàn ông quỳ lạy, gào khóc trong gió mưa vì mất vợ con trong dòng nước lũ, anh chỉ nói: “Chỉ có ai từng ở vùng lũ, trải qua mưa lũ và hậu quả của nó thì mới thực sự...”, rồi dừng lại khá lâu, cố gồng mình để không rơi nước mắt.

Tuấn Dương đã xin lỗi khán giả vì sự “thiếu chuyên nghiệp” của mình, nhưng hầu hết những lời bình luận gửi về VTV đều bày tỏ sự thông cảm và sẻ chia. Có người nhắn rằng: “Tuấn Dương không cần xin lỗi khán giả đâu, vì những cảm xúc của anh rất chân thật”.

- Thiệt hại nhiều quá anh à, ước tính đã có khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn xối xả, lũ lụt trên diện rộng và sạt lở đất do 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam trong tháng 10.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 28.10, có hơn 200 người thiệt mạng hoặc mất tích, gần 390.000 ngôi nhà bị ngập và hơn 300.000 gia đình phải sơ tán. Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tính toán, cần phải có ít nhất 40 triệu USD để hỗ trợ cho 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

- Buồn nhất là việc mấy “cô Tiên”, “ông Bụt” cứu trợ đồng bào miền Trung từng được mạng xã hội ca ngợi, giờ quay ra tranh cãi chuyện đúng - sai trong việc làm từ thiện chỗ này, chỗ kia. Tao là tao thương mấy chú “Bộ đội Cụ Hồ” nhà mình, ai cũng trẻ măng, băng rừng, lội suối, tới những nơi nguy hiểm nhất để cứu nạn, tìm kiếm người bị vùi lấp bằng chính đôi bàn tay quen cầm súng của mình, chỉ vì sợ đồng bào đau.

Rồi giúp dân tìm kiếm tài sản, dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống; giúp thầy cô giáo dọn bùn đất, để cho học sinh có thể trở lại trường sớm nhất… Tình hình thời tiết bất lợi, không thể vận chuyển lương thực cứu trợ bằng trực thăng, những người lính lại gùi cõng hàng hoá vượt núi tiếp tế cho bà con ở những vùng bị lũ cô lập.

Nói như một facebooker là vầy: “Người có lòng hảo tâm bỏ tiền ra cho một bao gạo là rất quý, người vác bao gạo đó hàng chục ki-lô-mét, băng rừng, vượt núi để đưa đến với bà con thì không thể tính công. Đừng ai nói rằng họ phải thi hành nhiệm vụ. Đương nhiên là làm nhiệm vụ, nhưng các anh phải đối mặt với hiểm nguy, chỉ một vụ lở núi bất ngờ là mất mạng. Các anh có thể phải đổi mạng mình để cứu mạng dân đấy”.

- Vấn đề là Chính phủ sẽ phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để khắc phục thiệt hại sau bão lũ. Đó là con số rất lớn, nên hổm rày, ngoài Mặt trận, các ngành, các cấp cũng đã ráo riết vận động tiền và hàng hoá để hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Cũng mong báo chí mấy anh giúp một tay, lên tiếng kêu gọi.

- Tất nhiên là ủng hộ rồi, đồng bào mình mà!

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh