BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đồng bưng Trao Trảo

Cập nhật ngày: 20/09/2011 - 11:44

Người đô thị có lẽ cũng nên thỉnh thoảng tìm về những miền rừng, miền quê lúa hoặc những đồng bưng để ngực căng đầy gió nội hương đồng, mắt ướt rượt màu xanh cây trái. Rừng… có lẽ hơi xa. Quê lúa vẫn ở gần bên nhưng đã hơi quen thuộc. Vậy thì đồng bưng có khi lại trở thành “đặc sản” cho du khách sống ở miền phố thị.

Phà sang Tiên Thuận

Một trong những đồng bưng có tiếng ở Tây Ninh, mà lại kề bên quốc lộ 22B nối Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh là đồng bưng Trao Trảo. Nếu đi từ thị xã Tây Ninh, chỉ có 17 - 18km. Qua chùa Cẩm Phong độ 3km là có đường lớn rẽ phải đưa ta đi ngang xứ đồng bưng. Con đường này hiện mới chỉ là cấp phối sỏi đỏ, đưa người Cẩm Giang qua bến Đình- Tiên Thuận. Suốt 3km chiều dài, tịnh không một bóng nhà dân. Chỉ có cánh đồng lúa lúc vàng, lúc xanh và những dòng kênh nở đầy hoa súng trắng. Đó đây dọc bờ kênh, ta sẽ gặp những cụm bình bát lúc lỉu trái vàng hoặc trái xanh non. Vài cụm bông lau cũng có thể khiến người lạ phải ngỡ ngàng, bởi cái sắc vàng như nhuộm nắng.

Băng qua xóm Dầu của ấp Cẩm Bình chừng hơn cây số đường bờ ruộng và bờ bao, ta sẽ đến gò nổi giữa đồng bưng. Vài chục năm trước, cán bộ và nhân dân Cẩm Giang đã quyết tâm biến đất bưng hoang thành ra đất lúa. Vậy nên có cả hệ thống đê bao quây lấy ruộng gò. Cùng với đê là những kênh dọc, kênh ngang dẫn và thoát nước. Đó đây là những chiếc cầu tre (mà không lắt lẻo) bắc qua kênh… Cầu dựng bằng nhiều cột tre trông vững chãi và đẹp mắt. Để những tay lái honda nhà nông điệu nghệ có thể gài số một vượt qua. Nhờ tuyến đê bao, nhiều mảnh bưng hoang ngày trước nay đã thành ruộng lúa tốt bời bời. Băng qua một đoạn bờ ruộng giữa hai bên sóng lúa rì rào, là ta đã đến gò, cũng mang tên là gò Trao Trảo. Trên gò, giờ đây là bát ngát rừng tràm chen nhau. Vẫn còn lại dấu vết rừng xưa với những bụi le cùng những gò mối ùn lên dưới gốc. Gần với ngôi miếu thờ liệt sĩ là cụm ba cây thốt nốt thân gốc lởm chởm già nua xơ xác. Nhưng lạ kỳ thay là những tàu lá mới xoè ra vẫn óng ả xanh non.

Lúc nắng trưa gay gắt, ông Tư Nghề và mấy thanh niên làm ruộng quanh gò vào nghỉ chân dưới mái vỏ ca của miếu. Một anh kể về loài chim trao trảo, đã từng có rất nhiều ở trên gò. Là chim, nhưng trao trảo lại kiến trúc tổ theo kiểu chuột. Nghĩa là chúng đào hang ở bờ gò, sâu vào trong đất chừng 4- 5 tấc. Chúng cũng biết khoét rộng ở cuối hang thành một hõm tròn để làm thành tổ ấm. Hiện chúng vẫn còn nhiều ở các xã bên kia sông thuộc huyện Bến Cầu. Cứ đến mùa thu hái thuốc lá vàng là chúng lại tìm về, khoét bờ đất ruộng làm tổ… Ông Tư Nghề tuổi đã 65, một cựu dân của ấp Cẩm Bình kể: - Đã lâu không thấy chim trao trảo bay về, lần cuối có lẽ cũng cách nay độ 10 năm. Hay là những kênh dọc, kênh ngang đã làm biến đổi ít nhiều sinh thái xứ đồng bưng. Được cái này thì mất cái kia, cũng là chuyện thường tình.

Cầu tre

Vậy mà ở xứ đồng bưng Trao Trảo, rõ ràng cái được nhiều hơn là cái mất. Thiên nhiên vẫn ắp đầy sắc vàng no ấm lẫn màu xanh bất tận và quyến rũ của những loài cây cỏ bản địa. Đó là những dứa dại, bình bát và từng mảng lênh đênh mã đề, hoa súng trắng. Tới mùa nước nổi, chắc chắn vẫn còn có từng mảng hoa rong từ những chân ruộng nước bất ngờ trồi lên khiến người đi qua sửng sốt. Và dù cho chim trao trảo không còn thì vẫn có đủ các loài chim khác líu lo ca hát, lích rích giọng chim sâu và tiếng chim tu huýt kêu lảnh lót. Đôi khi gặp may, ta sẽ gặp một làn ánh chớp nâu xẹt ra từ một bụi cây, cùng tiếng chim bìm bịp kêu chiều. Mọi người bất giác đều nhìn ra phía con đường sang bến Đình thẳng tắp ngoài kia. Chỉ gần 3km nhưng cũng có hai cây cầu bắc qua kênh 1, kênh 2. Qua phà là tới ngay một di tích nổi tiếng là miếu Bà Tiên Thuận, nơi các nhà khảo cổ từng tìm thấy rất nhiều di vật cổ. Ông Tư Nghề giờ chỉ còn mong có một tấm bia ghi nhớ việc trên gò từng có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh. Đến nay, qua các đợt quy tập của các ban ngành chức năng và thân nhân liệt sĩ quê miền Bắc, đã tìm thấy 70 bộ hài cốt. Ông còn ao ước thêm, từ gò ra đến con đường sang Tiên Thuận kia chỉ chưa đầy 200 mét, giá như Nhà nước đầu tư cho một nhánh rẽ vào gò để thuận tiện cho thân nhân liệt sĩ về thăm viếng. An ủi chú Tư rằng, non nước xứ đồng bưng tươi tốt thế kia, thế nào chẳng có nhà đầu tư nhận ra tiềm năng du lịch tuyệt vời, có cả các yếu tố văn hoá lịch sử và môi trường sinh thái. Lúc ấy hẳn là sẽ có một tour du lịch hẳn hoi, gọi là tour xứ đồng bưng.

TRẦN VŨ