Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đồng cam cộng khổ
Thứ ba: 11:41 ngày 20/09/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Niềm hạnh phúc của chị, không phải ai trong hoàn cảnh tương tự cũng có được…

Niềm hạnh phúc của chị, không phải ai trong hoàn cảnh tương tự cũng có được: một gia đình hoà thuận, vợ chồng đồng lòng chia ngọt sẻ bùi, những đứa con thì ngoan ngoãn, luôn cố gắng học hành để ba mẹ vui lòng.

Cuộc sống rất vất vả nhưng người phụ nữ đã 47 tuổi ấy vẫn luôn giữ nét lạc quan, vui tươi. Chị nói chị thường cười trước mặt các con để tạo lòng tin cho chúng. Nhưng có khi cười đấy rồi chị cũng khóc đấy vì không chịu nổi những thăng trầm khắc nghiệt trong đời. Hơn hai mươi năm qua người mẹ nghèo là chị vẫn chăm chỉ, miệt mài với công việc may vá để lo cho gia đình, lo cho các con. May là chị cũng có được một người chồng luôn đồng cam cộng khổ với chị.

Chị tên là Trần Thị Phượng, sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở Gò Dầu. Vừa học hết lớp 7, chị phải nghỉ ngang để theo gia đình xuôi ngược trên sông Vàm Cỏ. Mười chín tuổi lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị lúc ấy cũng gọi là êm xuôi. Nhà có tàu chở hàng như người ta, chị Phượng còn làm nghề may để kiếm thêm, thu nhập cũng tạm ổn, kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn. Từ khi có bến phà rồi sau đó là cầu Gò Chai mọc lên thì chiếc tàu chở hàng trên sông của chị Phượng cũng trở thành thừa thãi, vợ chồng chị đành phải bán nó đi. Thế là từ người có chút của, sống được với nghề, vợ chồng chị Phượng thành tay trắng và thất nghiệp. Họ lên bờ, về ở tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tính đến nay đã được hơn mười năm. Chị Phượng tiếp tục với nghề may, chồng chị thì đi làm đủ thứ nghề nhưng công việc rất bấp bênh. Cả gia đình thường xuyên phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu trên đất nhà người khác, lâu lâu lại phải chuyển chỗ “vì đâu ai có thể cho mình ở hoài trên đất của họ”- chị Phượng kể.

Chị Phượng và công việc thường ngày

Căn nhà hiện tại gia đình chị Phượng trú ngụ cũng là do một người chị cho ở nhờ. Chị Phượng rươm rướm nước mắt khi kể lại nỗi khổ phải thường xuyên dọn nhà: “Tội nghiệp mấy đứa con chị lắm. Thấy cảnh nhà vậy, chúng cũng có phần mặc cảm nhưng biết sao bây giờ?”. Để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, chị Phượng thường thức khuya dậy sớm, cặm cụi may vá. Bây giờ mắt đã mờ do tuổi tác nên công việc chị làm cũng không được như trước. Dù vậy chị cũng cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều người khi bên cạnh vẫn có những người tốt sẵn sàng giúp đỡ trong những lúc chị gặp khó khăn. Đó là những chị em thân thiết trong Hội Phụ nữ xã với những hỗ trợ kịp thời, giúp chị vượt qua hoàn cảnh. Nhắc chuyện ấy, chị Phượng lại mỉm cười nói: “Phải biết chấp nhận và vui với những gì mình có. Đó cũng là hạnh phúc rồi”.

Niềm hạnh phúc của chị, không phải ai trong hoàn cảnh tương tự cũng có được: một gia đình hoà thuận, vợ chồng đồng lòng chia ngọt sẻ bùi, những đứa con thì ngoan ngoãn, luôn cố gắng học hành để ba mẹ vui lòng. Chị Phượng bảo: chị không muốn thấy cảnh nghèo khổ của hai vợ chồng “di truyền” đến đời các con nên chị bàn với chồng dù bất cứ giá nào cũng ráng nuôi con ăn học nên người. Chị luôn nghĩ: có được học hành tử tế thì các con chị mới có tương lai, không học thì sau này còn làm được gì, sẽ lại khổ mà thôi.

 Để có tiền lo cho các con ăn học, chị Phượng phải chạy vạy, vay mượn rồi trả dần. Vất vả, lo âu đủ đường nhưng tuyệt nhiên chị không hề than thở trước mặt các con mà luôn tươi cười để chúng được vững tâm mà học hành. Có lúc trong nhà không có một đồng nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng lo cho con đầy đủ bằng nỗ lực hết mức của mình, không bao giờ anh chị có ý nghĩ cho con nghỉ học.

Bây giờ ba người con của chị Phượng đều đã có hướng đi sáng sủa. Một người đã tìm được việc làm, hai người còn lại đang theo học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng chị đã có thể cười tươi, tin tưởng vào tương lai xán lạn của các con mình. Sau những năm tháng miệt mài, chăm chỉ lao động, kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi vất vả, cực nhọc, đôi vợ chồng nghèo giờ đây cũng đã có cuộc sống dễ thở hơn. Chồng chị Phượng đã có được việc làm ổn định. Chị cũng có việc làm đều đều, thu nhập đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Với anh chị, mối bận tâm lớn nhất hiện tại là ráng làm sao lo được cho hai đứa con còn đi học cho tới ngày chúng tốt nghiệp ra trường. Chị Phượng cho biết: sống cảnh ở đậu, ở nhờ mãi cũng không hay. Vì vậy vợ chồng chị đang dành dụm tiền bạc để mua cho mình miếng đất nhỏ, cất nhà mà ở cho cuộc sống ổn định hơn. Điều mong ước đó chắc chắn chị sẽ đạt được, bởi chị đã có được một hậu thuẫn rất vững chắc: sự đồng tâm hiệp lực của cả gia đình.

NGÔ TUYẾT

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục