Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Câu thơ đầu đi thẳng vào vấn đề là bữa nay đi họp mặt đồng đội qua thư mời. Trước kia, khi còn tại ngũ, việc tập hợp nhau là theo lệnh của thủ trưởng bằng tiếng còi, hoặc mật lệnh…
Những ngày này, nhiều đơn vị tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Họp mặt” của tác giả Văn Triều, đăng trên Tạp chí Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam số 7&8 năm 2017, miêu tả buổi gặp của những đồng đội cũ, của những cựu chiến binh.
Với nhiều người, hai tiếng đồng đội thiêng liêng lắm: “Đồng đội ta/ là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa / Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết!” (Giá từng thước đất- Chính Hữu).
Câu thơ đầu đi thẳng vào vấn đề là bữa nay đi họp mặt đồng đội qua thư mời. Trước kia, khi còn tại ngũ, việc tập hợp nhau là theo lệnh của thủ trưởng bằng tiếng còi, hoặc mật lệnh…
Bây giờ, những cựu chiến binh khi “Nhận thư mời” họp mặt đều có chung tâm trạng, cảm giác: “như cầm lời hò hẹn trên tay”. Đây là một cảm giác có thật, chỉ có đồng đội với nhau mới có cảm giác đó, nghe thân thiết như là ruột thịt xa nhau lâu nay mới có dịp gặp lại. Đi sớm lắm. Nhận được thư là thao thức, trời chưa sáng hẳn đã đi. Vội vì cứ lo trễ: “…đèn ngoài đường chưa tắt/ Trong sân rộn rã tiếng cười”.
Xúc động nhất là khi họ gặp lại “…Ôm nhau/ Run cánh tay gầy”. Khi nhập ngũ là thanh niên sức dài vai rộng, còn bây giờ đều đã già! Những câu thơ “...họ điểm danh bằng chuyện kể/ Bằng trận đánh cam go…” như những lời thủ thỉ tâm tình của người lính khi nhắc về những đồng đội đã hy sinh, đã bị thương.
Nhớ hết! Làm sao mà quên được! Nhắc chuyện xưa, nhưng họ vẫn không quên hiện tại: “Giờ hoà bình/ Thời gian như tên giặc vô hình/ Bắn tỉa/ Đại đội mấy chục năm không bổ sung quân số/ Còn lại trên đầu ngón tay; mà số còn lại cũng đã “…
Tóc bạc, da mồi, mắt kém” Bây giờ họ ngồi bên nhau “Nghe đau vết thương trong ngực nhau…”. Đây là những câu thơ lấy ra từ trong nỗi niềm của những đồng đội bên nhau, hiểu nhau như hiểu chính lòng mình.
Và thật “Hình như không ai muốn về/ Ai cũng muốn nán thêm chút nữa”. Vì sao vậy? Làm sao mà nói được! Cuộc họp hôm nay so với cuộc họp lần trước đã vắng đi bao người, ai cũng biết! Thật ngậm ngùi khi không ai muốn nghĩ tới: “Bởi cuộc họp mặt ngày sau dưới tán cây xanh/ Không ai nói/ Chỉ nhìn mây trắng bay”.
Bài thơ tạm ngừng lời, nhường lại cho cảm xúc tuôn trào.
Dân làng Ngang