Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đóng góp dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Phải lấy người bị bạo lực làm trung tâm
Thứ năm: 19:27 ngày 12/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 21.11.2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008. Qua 14 năm thực hiện, nhận thức về quyền con người, bình đẳng giới và nhận thức về tác hại của bạo lực gia đình có nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật PCBLGĐ 2007 còn rất nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống. Từ thực trạng trên, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi.

Đây là vấn đề rất cần thiết. Mặc dù chưa được tiếp cận báo cáo về tình trạng bạo lực trong gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng qua theo dõi và quan sát, tôi cho rằng thực trạng này trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước: “Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của Công an.

Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với phụ nữ mà còn phổ biến với người già, trẻ em (Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại kỳ thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ngày 16.4.2022).

Theo tôi, bạo lực gia đình có những nguyên nhân sau:

Một là, nhận thức, quan điểm về quyền con người, bình đẳng giới, về BLGĐ chưa đầy đủ, lệnh lạc (cho rằng đó là chuyện gia đình, là phụ nữ phải cam chịu, dạy dỗ con cháu là chuyện bình thường…).

Hai là, trình độ dân trí thấp (dẫn đến việc thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống…).

Ba là, hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến các thành viên trong gia đình áp lực, không còn thời gian quan tâm lẫn nhau.

Trong những nguyên nhân trên, vấn đề nhận thức, quan điểm là quan trọng nhất. Chính điều này đã dẫn đến việc Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa đi vào cuộc sống.

Nhiều quy định thiếu thực tế (xây dựng địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh), chưa phát huy hiệu quả (tư vấn cộng đồng, trợ giúp pháp lý, quy định về việc phối hợp giữa các ngành, quy định về công tác giám sát việc thực hiện luật không rõ ràng).

Cũng từ đó, việc tổ chức thực hiện Luật PCBLGĐ thời gian qua còn mang tình hình thức, “mùa vụ”. Tôi cho rằng, Luật PCBLGĐ cần quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng tham gia thực hiện Luật.

Mặt khác, bạo lực gia đình thuộc phạm trù văn hoá, cụ thể hơn là “gia đình”, nghĩa là vừa có nét văn hoá chung của Việt Nam, vừa có đặc thù riêng của gia đình. Bạo lực gia đình xảy ra không chỉ bộc phát mà thường kéo dài.

Những vụ việc “nổ” ra để buộc cơ quan chức năng tham gia thường chỉ giải quyết “vụ việc”, giải quyết phần ngọn. Do vậy, theo tôi, để phòng, chống BLGĐ hiệu quả cần chú trọng công tác truyền thông, nâng cao dân trí.

Từ thực trạng, nguyên nhân trên, tôi cho rằng để xây dựng Luật phải nhấn mạnh hơn nữa hai nguyên tắc:

Thứ nhất, tôn trọng quyền con người. Hay nói cách khác, phải lấy chủ thể bị bạo lực làm trung tâm. Điều này dựa trên thực tiễn, khi có vụ việc xảy ra, Công an xã gọi người bạo hành lên “làm việc”, sau đó tiến hành hoà giải (thường có mặt cả hai vợ chồng), theo cách thức: đây là chuyện gia đình, thôi bỏ qua để yên ổn. Và thường là người vợ phải chấp nhận để được tiếng “vì gia đình”.

Trong khi đó, nếu tôn trọng quyền con người, cơ quan chức năng phải thận trọng trước khi tiến hành hoà giải. Chẳng hạn như cử người có kinh nghiệm tư vấn tâm lý, tìm hiểu tâm tư tình cảm nguyện vọng người bị bạo hành, lấy ý kiến của họ làm trọng tâm hoà giải.

Nếu nguyên tắc “đề cao quyền con người” được xem xét, vận dụng thấu đáo thì có thể hạn chế thấp nhất tình trạng “tác dụng ngược” khi xây dựng từng điều luật. Ví dụ, trong dự thảo, tại Điều 3 “Giải thích từ ngữ”, có từ “cố ý” trong “hành vi cố ý”. Theo tôi, phải bỏ từ này.

Bởi lẽ, người gây BLGĐ thường đã có tâm lý coi thường phụ nữ, trẻ em, nên khi gây ra hành vi bạo lực hay nguỵ biện rằng do “vô ý”, “khách quan” (nóng tính, ghen tuông, vợ cãi, con không ngoan…) khiến việc xử lý khó khăn, thậm chí, nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực có khi lại thuộc về nạn nhân.

Ví dụ khác, tại khoản 6, Điều 6 (dự thảo) về Những hành vi bị cấm: “Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình”. Đơn cử, có trường hợp người con trong gia đình báo tin người mẹ bị cha bạo hành.

Người cha liền bị Công an gọi hỏi, răn đe và cam kết không tái phạm. Nhưng sau đó về nhà, người cha này liền tịch thu điện thoại, cấm người con tham gia mạng xã hội, giám sát các mối quan hệ của người con; mục đích để che giấu hành vi bạo lực đã xảy ra (hoặc có thể vẫn đang tiếp tục xảy ra), không để lan toả ra ngoài. Như vậy, đây có phải là hành vi “trả thù” không? Quy định này cần được làm rõ.

Trong dự thảo có quy định rõ những biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, trong đó biện pháp “Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình” thường được sử dụng.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi trở về nhà, người có hành vi BLGĐ tiếp tục có hành vi sai trái mà cơ quan chức năng không giám sát được, thậm chí hành vi sai trái có chiều hướng nặng nề hơn. Phải chăng đây là nguyên nhân chỉ có 4,8% nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ của Công an?

Do vậy, đứng trên lập trường “Lấy chủ thể bị bạo lực làm trung tâm”, cần có quy định cụ thể: sau khi có hành vi BLGĐ đã được gọi đến Công an lần thứ nhất thì người có hành vi BLGĐ phải tiếp tục đến Công an mỗi tháng 1 lần, ít nhất 3 tháng để báo cáo về việc khắc phục hậu quả của mình. Ngoài ra, còn phải chịu trách nhiệm về chi phí để người bị bạo lực được tư vấn tâm lý (ngoại trừ điều trị đã được quy định sẵn).

Thứ hai, nguyên tắc thực hiện đồng bộ và trách nhiệm rõ ràng. Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp cần đồng bộ và rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm được giao.

Tôi nhận thấy rằng, việc thực hiện Luật PCBLGĐ 2007 còn bất cập như không thực hiện được việc xây dựng Nhà tạm lánh; tư vấn tâm lý, pháp lý chưa đến nơi đến chốn; báo cáo PCBL là báo cáo thường xuyên, định kỳ nhưng nơi thực hiện nơi không; việc giám sát, có ý kiến đối với các vụ BLGĐ của cơ quan chức năng rất chậm… nhưng thời gian qua hầu như không cá nhân, tổ chức nào bị xử lý.

Ngoài ra, từ việc đánh giá nguyên nhân BLGĐ do yếu tố văn hoá, đề nghị đưa nội dung giáo dục bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình phổ thông cơ sở.

Đồng thời, đề nghị dự thảo nên thiết kế lại nội dung giám sát việc thực hiện luật của các ban, ngành theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức- nhất là người đứng đầu. Điều này để tránh trường hợp quy định đã có nhưng đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí… không thực hiện cũng không sao!

Bên cạnh đó, việc phòng, chống BLGĐ có vai trò rất lớn của Công an và Hội Phụ nữ, nhưng thời gian qua, vai trò “Giám sát, phản biện các vấn đề xã hội” và “đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em” chưa cao, chưa tương xứng với vai trò của Hội. Do vậy, cần nêu rõ trách nhiệm của Hội và cơ chế tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Cuối cùng, cần có chế tài, hình phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe để người có hành vi BLGĐ “không dám”, “không thể” thực hiện hành vi sai trái.

Thanh Nam

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục