Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên:
Đồng hành cùng học sinh, sinh viên nghèo khó
Thứ hai: 00:08 ngày 16/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðối tượng vay của chương trình gồm HSSV thuộc diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn đột xuất. Mức vay tối đa 25 triệu đồng/năm/HSSV (được áp dụng từ ngày 1.12.2019), lãi suất hiện tại là 6,6%/năm, tương đương 0,55%/tháng.

Chị Nga (bên phải) nhận tiền giải ngân từ chương trình tín dụng HSSV.

Từ khi Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tây Ninh (NHCSXH Tây Ninh) đã báo cáo UBND tỉnh và nhanh chóng tổ chức triển khai, thực hiện. Ðến ngày 31.10.2020, dư nợ tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại NHCSXH Tây Ninh đạt 333 tỷ đồng, với 10.174 HSSV được vay vốn.

Ðể đạt được kết quả trên, NHCSXH Tây Ninh thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền từ huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn quan tâm đến công tác tuyên truyền, triển khai và thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với HSSV. UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tăng cường kiểm tra công tác bình xét cho vay bảo đảm theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, NHCSXH Tây Ninh còn phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ tiết kiệm và vay vốn giám sát, quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Ðể tiết giảm thời gian, chi phí đi lại cho đối tượng thụ hưởng, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, NHCSXH Tây Ninh đã tổ chức giao dịch hằng tháng tại 94/94 xã, phường, thị trấn.

Ðối tượng vay của chương trình gồm HSSV thuộc diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn đột xuất. Mức vay tối đa 25 triệu đồng/năm/HSSV (được áp dụng từ ngày 1.12.2019), lãi suất hiện tại là 6,6%/năm, tương đương 0,55%/tháng.

Khác với các chương trình tín dụng chính sách khác, người vay chương trình tín dụng HSSV được trả nợ lần đầu tiên khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khoá học theo thoả thuận giữa người vay với NHCSXH nơi cho vay khi giải ngân số tiền cho vay của kỳ học cuối cùng (số tiền cho vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng/lần).

Ngày 6.11 mới đây, chị Huỳnh Thị Phượng Thuý (sinh năm 1973) ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh đã được giải ngân chương trình tín dụng HSSV 20 triệu đồng (năm học 2020-2021) để trang trải chi phí học tập cho con trai.

Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở ấp, chị làm hồ sơ đề nghị vay vốn để con tiếp tục theo học Trường trung cấp Y tế Tây Ninh. Chị Thuý có hai người con. Con trai đầu thi đậu vào một trường đại học và một trường trung cấp. Con trai của chị chọn học trường trung cấp để đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ðứa con thứ hai của chị đang học lớp 6. Chồng chị làm nghề lái xe thuê, còn chị mắc bệnh nên chỉ ở nhà nội trợ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Nhận được số tiền vay, chị vui mừng chia sẻ: “Vay được tiền cho con đi học tôi vui lắm. Vậy là thằng nhỏ không còn lo học phí, tiền đi lại trong suốt 2 năm học sắp tới”. Chị cho biết, số tiền vay được dùng để đóng học phí, mua sắm dụng cụ học tập và trang trải một phần tiền ăn, xăng xe đi học.

Cùng đợt nhận tiền với chị còn có chị Nguyễn Thị Thuỳ Nga (sinh năm 1974, ngụ cùng ấp). Chị Nga cho biết, con trai út là sinh viên năm 2 Trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Năm học đầu tiên, học phí của con là 38 triệu đồng, chưa tính chi phí ăn ở, sinh hoạt mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng.

Chị Nga có gian hàng buôn bán nhỏ tại nhà và nghề may gia công, cộng với thu nhập từ việc làm công nhân của chồng cũng chỉ đủ trang trải chi phí trong gia đình và lo tiền sinh hoạt hằng tháng cho con. Học phí hằng năm ở trường của con trai vượt quá khả năng của gia đình, chị phải vay thêm nguồn chương trình tín dụng HSSV mới đủ trang trải cho con ăn học.

Ðầu năm học thứ 2 này, chị đã lo gần 25 triệu đồng đóng học phí học kỳ một của con. Theo chị Nga, chương trình tín dụng HSSV hữu ích đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em học cao đẳng, đại học. Nếu không có khoản tiền vay này, chắc chắn nhiều học sinh, sinh viên không thể tiếp tục con đường học vấn.

Là mẹ đơn thân nuôi hai cô con gái, chị Huỳnh Cẩm Hồng (sinh năm 1980, ngụ khu phố 3, phường IV, TP. Tây Ninh) vui mừng khi nhận được tiền vay từ chương trình tín dụng HSSV. Con gái lớn của chị vừa đăng ký vào học Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Với công việc tạp vụ, văn thư văn phòng, thu nhập hằng tháng của chị Hồng không đủ trang trải cuộc sống của ba mẹ con. Ngày con báo tin đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm, chị Hồng vừa vui mừng vừa lo lắng. Thông qua khu phố và hội đoàn thể ở địa phương, chị Hồng biết được chương trình tín dụng HSSV. Chị quyết định đi vay để tiếp tục lo việc học cho con. Chị Hồng nói: “Tôi thấy nhẹ lo phần nào khi vay được tiền từ chương trình tín dụng HSSV, để cho con được học đến nơi đến chốn, tương lai sau này không phải chịu vất vả”.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH Tây Ninh chia sẻ, chương trình tín dụng HSSV là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, giúp hàng ngàn HSSV hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo học đại học, cao đẳng và học nghề.

Nguồn vốn cho vay luôn đáp ứng đầy đủ và được giải ngân nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời giúp HSSV giải quyết một phần học phí và chi phí trong sinh hoạt, học tập. Hiệu quả từ chương trình cho vay đã góp phần tích cực trong việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng khó khăn…

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của chương trình tín dụng cho vay HSSV là nợ quá hạn. Phần lớn HSSV sau khi ra trường thường không có việc làm ngay. Tính đến tháng 10.2020, nợ quá hạn của chương trình gần 1,8 tỷ đồng (chiếm 0,54%/dư nợ của chương trình).

Theo NHCSXH Tây Ninh, trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được NHCSXH cho gia hạn nợ thì chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn. Sau khi chuyển nợ quá hạn, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác, tổ tiết kiệm - vay vốn và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là HSSV đã được vay vốn để thu hồi nợ.

Trường hợp, người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả để nợ quá hạn thì NHCSXH phối hợp cùng chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và tổ tiết kiệm - vay vốn xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý thu hồi vốn theo quy định. Nhìn chung, nợ quá hạn của chương trình tín dụng này vẫn ở trong tầm kiểm soát, và NHCSXH luôn tạo điều kiện thuận lợi để người vay trả nợ quá hạn.

Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng HSSV, thời gian tới, NHCSXH Tây Ninh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác với NHCSXH, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình, để HSSV có hoàn cảnh khó khăn biết đến chương trình tín dụng này, tạo điều kiện để các em được tiếp tục học tập.

Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục