Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng hành cùng người khuyết tật
Thứ hai: 08:28 ngày 18/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện bằng những việc làm thiết thực, giúp NKT có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua những khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Cử- Phó Giám đốc Trung tâm DRD chia sẻ với người khuyết tật Tây Ninh trong một hội nghị

 

NỖ LỰC VƯƠN LÊN

Chị Võ Thị Lệ Hằng (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) bị liệt hai chân nhưng đã có 30 năm theo nghề may. Được sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, các tổ chức, chính quyền địa phương, chị Hằng chuẩn bị mở một lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật tại địa phương.

Chị Hằng cũng là chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh từ năm 2020 đến nay. Năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát, chị Hằng cùng các thành viên CLB may khẩu trang tặng cho người dân. Chị còn vận động quà, xe lăn tặng cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Từng trải qua cảm giác tự ti vì bản thân bị khiếm khuyết, nhưng từ khi tham gia CLB, được gặp nhiều người, làm nhiều việc có ích, chị Hằng tự tin hơn rất nhiều. Chị chia sẻ: “Lúc dịch bệnh, tôi cùng các bạn may khẩu trang tặng người dân. Việc này nhận được sự quan tâm của cộng đồng làm tôi rất vui và tự hào vì mình có thể giúp ích cho cộng đồng.

Tôi sống như một người khoẻ mạnh, rất lạc quan và mong muốn những bạn cùng cảnh ngộ có thể lấy mình làm gương phấn đấu”. Với tinh thần đó, thời gian qua, chị Hằng đã nhận được sự tin tưởng, là chỗ dựa tinh thần của các bạn cùng CLB.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh (48 tuổi, ngụ ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) là một người khuyết tật làm nghề bán vé số. Chị Ánh mất một cánh tay do tai nạn lao động. Đã hơn hai mươi năm trôi qua, chị vẫn nhớ cảm giác hoang mang, tuyệt vọng khi biết mình vĩnh viễn mất đi một cánh tay. Nhờ sự động viên của gia đình, chị dần lấy lại sự tự tin, sống lạc quan hơn.

Là một người khuyết tật bẩm sinh, bằng ý chí và nghị lực, anh Phan Văn Phúc (38 tuổi), Chủ tịch Hội Người mù tỉnh đã làm chủ cuộc sống của mình. Bị khuyết tật từ nhỏ, anh Phúc sống trong sự bảo bọc của gia đình. Biến cố xảy ra khi ba mẹ anh cùng qua đời trong một vụ tai nạn.

Gạt nỗi đau mất mát, anh Phúc tìm đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh vừa học chữ vừa học nghề, rồi bắt đầu tìm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó về quê mở tiệm massage khiếm thị. Năm 2013, anh Phúc bắt đầu tham gia công tác Hội, đến năm 2020 được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhờ ý chí vươn lên không ngừng và sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, anh Phúc càng tự tin hơn trong cuộc sống, là một công dân tốt, người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình. “Nhờ sự hỗ trợ của nhiều cô chú đi trước và của chính quyền địa phương, tôi tự tin đảm nhiệm công việc của Hội và luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao”- anh Phúc chia sẻ.

Anh Phúc tự tin với công việc của mình.

ĐỒNG HÀNH

Những chuyển biến tích cực của NKT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chính là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức trong, ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, từ sự quan tâm của tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đã giúp đời sống NKT có nhiều thay đổi. NKT được quan chăm sóc y tế, hỗ trợ sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt. Trong đó, rất nhiều hộ NKT được cấp bò sinh sản, hỗ trợ vốn không tính lãi, giới thiệu việc làm, trang bị phương tiện sinh hoạt như xe lăn, xe lắc...

Trong năm 2022, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phấn đấu thành lập thêm 8 CLB người khuyết tật, nâng tổng số CLB lên 20 CLB.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) có rất nhiều dự án hỗ trợ NKT tỉnh Tây Ninh. Theo ông Nguyễn Văn Cử- Phó Giám đốc Trung tâm, trong năm 2022, trung tâm sẽ giúp nâng cao năng lực về quản lý, huy động nguồn lực, thực hiện chính sách; tổ chức các hoạt động đánh giá nhu cầu của NKT tại Tây Ninh để tìm cách kết nối các nguồn lực, lên kế hoạch hỗ trợ theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, trung tâm còn có hoạt động nâng cao nhận thức cho các bên liên quan để họ hiểu các vấn đề của NKT; cùng với địa phương đánh giá lại các chính sách đang triển khai, tìm ra hướng đi phù hợp cho NKT trong thời gian tới.

Tham gia các hoạt động hỗ trợ NKT tại địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay, ông Cử chia sẻ: trong giai đoạn đầu, NKT Tây Ninh khá mặc cảm, thụ động, ít có cơ hội ra ngoài xã hội. Từ khi Tây Ninh triển khai thực hiện các mô hình CLB, NKT được tham gia trong các môi trường đồng cảnh, giúp họ tự tin hơn. Sau đó, địa phương còn có các hoạt động kết nối NKT và người không khuyết tật, tạo sự hoà nhập. Đây là một bước tiến rất lớn, cho thấy chính quyền địa phương có sự quan tâm đến NKT.

Ông Nguyễn Văn Cử chia sẻ thêm: “Để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ về giáo dục, việc làm thì người khuyết tật nên tự trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức cơ bản liên quan đến vấn đề nghề nghiệp và việc làm, từ đó dễ dàng học nghề và tìm kiếm được việc làm phù hợp, hoà nhập với xã hội”.

NGÔ TUYẾT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục