Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đồng hành cùng nhà giáo

Cập nhật ngày: 15/02/2012 - 01:04

Ở Tây Ninh, hiện nay hệ thống giáo dục quốc dân đã trải rộng khắp nơi trong toàn tỉnh, từ thị xã, thị trấn đông đúc đến những vùng nông thôn, biên giới xa xôi. Đáp ứng tình hình đó, hàng ngàn thầy cô giáo đã khăn gói đến những nơi khó khăn nhất, ra sức bám trường, bám lớp, ngày từng ngày nhẫn nại với công việc gieo mầm tri thức cho đời. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã không hề quên công lao đóng góp của họ.

Từ những chính sách kịp thời

Tặng quà cho giáo viên huyện Tân Biên và Tân Châu nhân dịp Xuân về

Những năm qua, việc Nhà nước ban hành nhiều chính sách đúng đắn, hợp lý dành cho giáo viên vùng biên giới đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực này. Theo quy định, giáo viên giảng dạy vùng biên giới được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 70% lương mỗi tháng. Giáo viên mới ra trường hoặc đang công tác từ vùng thuận lợi, chuyển đến vùng biên giới được hưởng thêm phụ cấp thu hút-  cũng bằng 70% lương mỗi tháng, trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, còn được hưởng 5 triệu đồng tiền hỗ trợ ban đầu và tiền di chuyển công tác. Vấn đề chỗ ở cho giáo viên công tác xa nhà cũng được đặc biệt quan tâm. Nhà công vụ giáo viên được tập trung ưu tiên xây dựng nơi vùng sâu, biên giới. Ba năm qua, đã có 60 căn nhà công vụ với kinh phí hơn 3 tỷ đồng đã được xây dựng và bàn giao cho giáo viên sử dụng.

Sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ phía Nhà nước- thể hiện qua các chính sách thiết thực kể trên đã tạo điều kiện ổn định đời sống, ổn định công tác cho đội ngũ giáo viên. Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm Trường THPT Lê Hồng Phong nằm trên địa bàn xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Từ trung tâm huyện, vượt qua quãng đường vài chục cây số mới ngày nào còn mù bụi đỏ nay đã được trải nhựa khang trang, chúng tôi đến trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ngày mới thành lập, trường chỉ có vài chục học sinh với bốn, năm giáo viên. Lúc cao điểm nhất cũng chỉ huy động được 12 thầy cô. Nay thì khác, tổng số cán bộ, giáo viên của trường đã lên tới 35 người, đủ biên chế theo quy định. Điều đáng mừng là tất cả giáo viên của trường đều đạt chuẩn và có 2 giáo viên trình độ thạc sĩ, trong đó có thầy giáo Lê Song Toàn. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Vinh năm 2005, thầy giáo Toàn vào Nam nhận công tác tại Trường THCS Lê Hồng Phong, rồi bén duyên với một nữ đồng nghiệp ở Trường tiểu học Hoà Thạnh. Họ đã có với nhau một đứa con đầu lòng xinh xắn. Lương hai vợ chồng cộng lại gần chục triệu đồng/tháng, đủ để ổn định cuộc sống. Thầy giáo Toàn yên tâm tiếp tục đi học để nâng cao trình độ và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ môn Sinh học.

Theo ông Trần Hoà Hiệp, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục- Đào tạo Tây Ninh: nhờ có chính sách thu hút giáo viên kịp thời, những năm gần đây, các huyện biên giới Tây Ninh hoàn toàn yên tâm về biên chế giáo viên, đang tiến tới nâng lên dạy 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đến sự quan tâm của xã hội

Bên cạnh những chính sách đầu tư kịp thời của Nhà nước, sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới còn được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ cộng đồng xã hội. Sáu năm liên tục, Báo Tuổi Trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã dành nguồn vốn 200 triệu đồng giúp cho 120 thầy cô giáo ở 2 huyện Bến Cầu và Châu Thành được mượn (không tính lãi) để làm kinh tế phụ gia đình (mỗi đợt 40 suất, mỗi suất 5 triệu đồng, hoàn trả sau 2 năm). Năm 2012, có thêm 30 thầy cô giáo của huyện Dương Minh Châu cũng được vay vốn từ nguồn này với trị giá mỗi suất 10 triệu đồng. Tất cả giáo viên được hỗ trợ đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và hoàn trả đúng hạn.

Lãnh đạo Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục miền Nam tặng quà cho cô giáo Nguyễn Thị Phương (huyện Tân Biên)

Chung tay góp sức vào việc xây dựng sự nghiệp giáo dục, ba năm qua chương trình xây nhà “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động Tây Ninh cũng đã đem đến niềm vui, nguồn động lực phấn đấu cho nhiều thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Cũng phải kể đến sự hỗ trợ quý báu từ các đơn vị hảo tâm ngoài tỉnh. Qua những chuyến viếng thăm nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ngành giáo dục (tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Tân Biên) của Nhà xuất bản Giáo Dục tại Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần sách, thiết bị giáo dục miền Nam, trong những năm qua hàng ngàn suất học bổng và quà trị giá hàng tỷ đồng đã được trao tặng cho các thầy cô giáo và các em học sinh Tân Biên. Năm 2011, có 3 thầy cô giáo Tân Biên và Tân Châu được nhận nhà tình thương do các đơn vị trên trao tặng. Đầu Xuân Nhâm Thìn, ông Phạm Văn Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sách, thiết bị giáo dục miền Nam cũng đã đến Tây Ninh trao tặng 60 phần quà và 30 triệu đồng cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của 2 huyện biên giới Tân Biên và Tân Châu. Vừa qua, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam Trần Công Phong cũng đã trao tặng ngành giáo dục Tây Ninh 20 triệu đồng để giúp các thầy cô giáo nghèo- chủ yếu là những người công tác ở vùng biên giới có điều kiện vui Xuân đón Tết.

Còn nhiều lắm những bàn tay, những tấm lòng đã và đang hướng về những con người, những ngôi trường ở vùng biên- như một cách sẻ chia cùng những kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm bám trường, bám lớp, hết lòng vì đàn em thân yêu.

Anh Tuấn