Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đa phần người khuyết tật có tâm lý e ngại khi tham gia các hoạt động tập thể, xã hội- nhất là tiếp xúc với những người không có đồng cảnh ngộ với mình. Nhưng bằng sự thân thiện, nhiệt tình và tấm lòng sẻ chia, lực lượng hội viên, thanh niên tại địa phương đã dần giúp họ xoá bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti.
Người khuyết tật giao lưu bóng chuyền.
Hơn một năm qua, Hội LHTN Việt Nam xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành thực hiện mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên khuyết tật”, nhằm chia sẻ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật trong cuộc sống, giúp các bạn vượt qua những rào cản để có thể hoà nhập cộng đồng. Những việc làm cụ thể, thiết thực của mô hình đã phát huy được hiệu quả ban đầu, trở thành điểm sáng trong hoạt động chăm lo cho người khuyết tật tại địa phương.
Ban đầu thành lập, mô hình chỉ có 25 hội viên, thanh niên tham gia, đến nay đã thu hút được gần 40 người thường xuyên gắn bó. Tham gia vào mô hình, các bạn hội viên, thanh niên thực hiện một số hoạt động giúp đỡ người khuyết tật ở địa phương như: tổ chức thăm hỏi gia đình thanh niên khuyết tật, tìm hiểu nhu cầu việc làm, hỗ trợ thủ tục vay vốn, giúp đỡ thanh niên khuyết tật tham gia các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí...
Trên địa bàn xã Long Thành Bắc hiện có gần 290 người khuyết tật, trong đó, số lượng thanh niên khuyết tật là 22 người. Theo chị Cao Hồng Thảo- Bí thư Xã đoàn Long Thành Bắc, đời sống thanh niên khuyết tật tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn và rào cản khi hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, việc giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, giúp người khuyết tật giải quyết những khó khăn trong thực tiễn cuộc sống là hết sức cần thiết. Xác định nhiệm vụ trọng tâm đó, các hoạt động của mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên khuyết tật” của xã Long Thành Bắc đã tập trung chăm lo, tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội phát triển, giúp họ tham gia các hoạt động xã hội nhằm xoá bỏ tự ti, mặc cảm để có thể hoà nhập cộng đồng tốt hơn.
Những ngày đầu thành lập, mô hình chủ yếu hỗ trợ thanh niên khuyết tật trong công tác vay vốn phát triển kinh tế thông qua các chương trình ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, nhiều hoạt động khác được tổ chức thường xuyên như: giao lưu bóng chuyền giữa CLB Người khuyết tật với các CLB khác tại địa phương; Ngày hội thanh niên khuyết tật và thanh niên tôn giáo; chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi cắm hoa, nấu ăn, đua xe lăn... Qua đó, góp phần động viên, an ủi người khuyết tật.
Trao gà giống cho chị Huỳnh Thị Yến Nhi.
Đa phần người khuyết tật có tâm lý e ngại khi tham gia các hoạt động tập thể, xã hội- nhất là tiếp xúc với những người không có đồng cảnh ngộ với mình. Nhưng bằng sự thân thiện, nhiệt tình và tấm lòng sẻ chia, lực lượng hội viên, thanh niên tại địa phương đã dần giúp họ xoá bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti. Từ đó, thanh niên khuyết tật tại địa phương dần hào hứng, mạnh dạn hơn trong việc tham gia, hưởng ứng các hoạt động của mô hình.
Chị Huỳnh Thị Yến Nhi (sinh năm 1989, ngụ ấp Long Đại) bị khuyết tật tay bẩm sinh nên trước giờ chị cảm thấy rất mặc cảm về bản thân, ít khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Từ khi tham gia các hoạt động của mô hình, chị Nhi cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn trước rất nhiều. Theo chị, những hội viên, thanh niên ở địa phương đều nhiệt tình, cởi mở, giúp đỡ những người khuyết tật như chị.
Chị Cao Hồng Thảo- Bí thư Xã đoàn Long Thành Bắc chia sẻ thêm: “Thời gian tới, mô hình sẽ tập trung hướng tới các hoạt động hỗ trợ việc làm, tìm kiếm, vận động các nguồn lực giúp đỡ thanh niên khuyết tật phát triển kinh tế gia đình”.
Hoà Khang