Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dòng họ hiếu học - sức mạnh gắn kết và đỡ nâng

Cập nhật ngày: 02/10/2013 - 10:32
Sự ra đời của những dòng họ hiếu học đã góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, đồng thời giữ gìn nề nếp lối sống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam.

Buổi họp mặt dòng họ Dương, gia tộc hiếu học tiêu biểu ở khu phố 1, phường 1, Thị xã

 (BTN) - Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội Khuyến học. Tính đến cuối tháng 9.2013, toàn tỉnh Tây Ninh đã có 39 dòng họ hiếu học. Sự ra đời của những dòng họ hiếu học đã góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, đồng thời giữ gìn nề nếp lối sống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, gia đình bà Dương Thị Thu Phượng, ở khu phố 1, phường 1, thị xã Tây Ninh hết sức khó khăn. Với đồng lương giáo viên eo hẹp, một mình bà phải bươn chải lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. May nhờ sự giúp sức của anh chị em và những người cùng dòng họ Dương mà bà đã vượt qua khó khăn, nuôi dạy các con nên người. Người con lớn của bà đã tốt nghiệp đại học, hiện là kỹ sư trưởng tại một công ty liên doanh dầu khí ở Vũng Tàu. Người còn lại đã lấy bằng thạc sĩ, đang dạy học tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (thị xã Tây Ninh).

Cùng chung dòng họ Dương ở khu phố 1, phường 1 còn có gia đình bà Dương Thị Bạch Nga. Trước đây, gia đình bà Nga kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế cũng vô cùng chật vật. Chồng bà bị bệnh tai biến, trong khi đàn con bảy đứa vẫn còn đang tuổi ăn học. Cũng nhờ có sự đùm bọc, trợ giúp kịp thời của những người trong dòng họ mà đến nay các con của bà Nga được học hành nên người, có công ăn việc làm ổn định.

Truyền thống hiếu học của dòng họ Dương đã có từ đời ông Dương Minh Đặng- một nhà giáo yêu nước gốc miền Trung vào Tây Ninh lập nghiệp từ những năm 1900. Trong số những người thuộc dòng họ Dương ở khu phố 1 thành đạt, có công với đất nước có ông Dương Minh Châu- một trí thức yêu nước, từng tốt nghiệp thủ khoa Luật tại Hà Nội dưới thời thuộc Pháp. Ông Dương Minh Châu hy sinh năm 1947 lúc đang là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tên của người anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu sau này trở thành tên huyện Dương Minh Châu. Các thế hệ sau của dòng họ Dương hiện có nhiều người thành đạt, có học vị, chức quyền cao.

Ông Dương Minh Nhẫn trao học bổng cho học sinh nghèo huyện Dương Minh Châu

Thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, những năm qua các con, cháu của liệt sĩ Dương Minh Châu- tuy không sống tại Tây Ninh nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với bà con dòng họ tại khu phố 1, phường 1 để kịp thời trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần để con em trong dòng họ có điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Những người trong dòng họ Dương đã cùng nhau thành lập quỹ khuyến học của gia tộc. Hằng năm vào ngày giỗ của cụ Dương Minh Đặng (29.1 âm lịch), mọi người trong dòng họ lại có dịp gặp mặt thăm hỏi nhau, đồng thời tổ chức khen thưởng cho các con, các cháu học giỏi trong họ.

Hiện nay, quỹ khuyến học của gia tộc họ Dương có hơn 50 triệu đồng. Những năm qua, các con, cháu họ Dương còn đóng góp vào Quỹ học bổng Dương Minh Châu của Trường THPT Dương Minh Châu số tiền hơn 100 triệu đồng để trao học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho trường.

Một dòng họ hiếu học điển hình khác ở Tây Ninh là dòng họ Lê ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Dòng họ này hiện có rất nhiều người thành đạt. Người đầu tiên có ảnh hưởng và truyền bá “đạo học” cho cả dòng họ là ông Lê Văn Ngự- một nông dân hiền lành, có đạo đức và giàu lòng nhân ái.

Tiếp nối truyền thống, năm 2006, ông Lê Ánh Chói- một người trong dòng họ đưa sáng kiến thành lập Ban Khuyến học gia tộc họ Lê. Mặc dù chỉ có tính chất nội bộ nhưng Ban Khuyến học họ Lê vẫn lập quy chế hoạt động bài bản, minh bạch. Theo đó, việc gây quỹ khuyến học được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, ai có điều kiện thì đóng góp nhiều, người ít điều kiện thì đóng góp ít, ai thật sự khó khăn không đóng cũng không sao.

Hằng năm- thường là vào tháng 6 âm lịch, khi mùa thi kết thúc và công bố kết quả, những học sinh, sinh viên của dòng họ Lê đạt thành tích cao trong học tập, thi cử được xét khen thưởng. Việc khen thưởng được thực hiện từ các cháu mầm non cho đến những người đang học sau đại học. Điều đáng nể là quỹ khuyến học dòng họ Lê hầu như lúc nào cũng dư dả. Tính đến thời điểm này, quỹ còn hơn 150 triệu đồng. Trong họ tộc, nếu nhà nào có con thi đậu đại học nhưng hoàn cảnh khó khăn sẽ được Ban Khuyến học cho hưởng “tín dụng ưu đãi”- mượn vốn không tính lãi.

Sau khi Ban Khuyến học ra đời và hoạt động, các con cháu trong dòng họ Lê cũng nỗ lực thi đua nhau học tập với mong muốn đạt kết quả cao để được khen thưởng. Hoạt động khuyến học này đã giúp nhiều thế hệ con cháu trong dòng họ Lê gìn giữ mối dây liên hệ và thắt chặt thêm tình cảm yêu thương đoàn kết với nhau. Nếu không có việc khen thưởng tập trung tại nhà thờ chung thì chưa chắc nhiều anh em, con cháu trong dòng họ được biết nhau.

Chăm lo cho “người nhà”, Ban Khuyến học dòng họ Lê cũng tích cực tham gia công tác xã hội. Con cháu trong dòng họ này đã đóng góp tiền xây tặng một căn nhà tình nghĩa và một căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở huyện Trảng Bàng và Thị xã, đồng thời tham gia đóng góp với địa phương để tu bổ, sửa chữa đường sá, trường học.

KIM NGÂN - VIỆT ĐÔNG