Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế khu vực biên giới, thời gian qua, tỉnh quy hoạch, triển khai nhiều dự án trọng điểm. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hút đầu tư. Việc triển khai 2 dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và tuyến Gò Dầu - Xa Mát được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu trong tương lai.
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát (huyện Tân Biên)
HƠN 15 NĂM CHƯA ĐƯỢC "ĐÁNH THỨC"
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11.9.2003 của Thủ tướng Chính phủ, có tổng diện tích 34.197 ha, gồm 2 xã Tân Lập và Tân Bình, huyện Tân Biên.
Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát (QHC2005) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 130a/2005/QĐ-UBND ngày 23.2.2005 xác định, có 17.301 ha thuộc xã Tân Bình và 16.896 ha thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên. KKTCK Xa Mát nằm trên biên giới Việt Nam - Campuchia với chiều dài đường biên khoảng 90km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia chừng 200km. Trong đó, quy hoạch khu đô thị cửa khẩu Xa Mát quy mô 728 ha. Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện công tác xây dựng, thu hút đầu tư theo QHC2005 đến nay, KKTCK Xa Mát có những bước chuyển biến về kinh tế-xã hội, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và dịch vụ, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng đặt ra.
Trong định hướng QHC2005 xác định KKTCK Xa Mát là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp và là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế; là trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật quan trọng của Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ, với vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, có thể thấy rằng, việc tổ chức thực hiện quy hoạch trung tâm đô thị Xa Mát thiếu nguồn lực, quyết tâm. Nhiều dự án đầu tư chậm triển khai do công tác bồi thường đất gặp khó khăn, vướng mắc với các nguyên nhân chủ yếu: chưa có chủ trương bồi thường hay không bồi thường đất vành đai biên giới trong khu vực cửa khẩu; việc chống xâm lấn ranh quy hoạch giữa đất của khu đô thị cửa khẩu Xa Mát với rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc và Dự án mở rộng Khu di tích lịch sử văn hoá “Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam” chưa được giải quyết triệt để, đất quy hoạch khu vực cửa khẩu phần lớn là đất rừng, việc tổ chức thanh lý cây rừng khó khăn, kéo dài. Một số diện tích không còn cây rừng, nông dân đã trồng cây cao su, nguồn gốc đất chưa được công nhận, giá trị khai thác mang lại nhiều lợi ích cho người đang sử dụng nên công tác bồi thường giải toả còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên, đề án phát triển các KKTCK trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt xác định các giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề tồn tại trong quy hoạch và quản lý phát triển các KKTCK trên địa bàn tỉnh. Ngày 16.6.2021, UBND tỉnh có Văn bản số 1956/TTr-UBND về việc xin chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát, huyện Tân Biên. Sau khi có ý kiến Bộ Xây dựng theo Công văn số 3054/BXD-QHKT ngày 2.8.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1188/TTg-CN ngày 17.9.2021 thống nhất chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát.
Thực hiện Văn bản số 6282/VP-KT ngày 21.9.2021 của Văn phòng UBND tỉnh về việc tham mưu triển khai lập nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKTCK Xa Mát theo quy trình pháp luật về công tác lập quy hoạch xây dựng, cần tiến hành lập nhiệm vụ quy hoạch theo các quy định pháp luật để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát và các công việc có liên quan. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế đã lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát và đang lấy ý kiến các cơ quan thẩm quyền liên quan làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
SỰ CẦN THIẾT ĐẦU TƯ TUYẾN CAO TỐC GÒ DẦU - XA MÁT
Có thể thấy, thời gian qua, dù tỉnh chú trọng nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phải nhìn nhận một điều: để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ thì đầu tư hệ thống đường cao tốc là sự cần thiết. Thực tế cho thấy, từ thành phố Tây Ninh đi đến cửa khẩu Xa Mát, tuyến quốc lộ 22B hiện hữu dường như không thể đáp ứng việc phát triển công nghiệp, thương mại, kinh tế cửa khẩu. Trong thời buổi chạy đua phát triển kinh tế thì thời gian vận chuyển hàng hoá đối với doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư. Tuy nhiên, QL22B đi qua nhiều khu dân cư bị hạn chế về tốc độ, nên việc có một tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát để kết nối vào tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được xem là yếu tố mấu chốt để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
Theo Sở GTVT, Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 (đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) đã được quy hoạch theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ có chiều dài 65km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Để dự án sớm được đầu tư, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030); hiện Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8999/VPCP-CN ngày 9.12.2021 lấy ý kiến các bộ liên quan.
Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là dự án quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ kết nối thành phố Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các cửa khẩu quan trọng, giúp thông thương với các nước Đông Nam Á. Song song đó, Dự án tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát góp phần tạo hệ thống giao thông hạ tầng của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Tây Ninh mà còn cả khu vực miền Đông Nam Bộ, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo dự kiến, tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đến thành phố Tây Ninh; đoạn 2 từ thành phố Tây Ninh đi cửa khẩu Xa Mát, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 72,4km.
Tấn Hưng