BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đông Nam Bộ đang hành động để bảo vệ tầng ozon 

Cập nhật ngày: 04/08/2024 - 18:07

Đông Nam Bộ đang gặp thách thức với môi trường khi hoạt động kinh doanh và sản xuất ảnh hưởng xấu đến tầng ozon và gây ra hiệu ứng nhà kính. Do đó, các địa phương tại khu vực này đang đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ tầng ozon.

Đông Nam Bộ với vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về môi trường. Sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh và sản xuất trong khu vực đã và đang thúc đẩy nền kinh tế nhưng việc phát triển nhanh chóng của khu vực cũng gây ra những tác động tiêu cực lớn đến tầng ozon. 

Nếu không có những biện pháp kịp thời và hiệu quả để giảm thiểu sự tác động này, Đông Nam Bộ có thể phải đối mặt với các vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến cả chất lượng sống của cư dân và sự phát triển bền vững của khu vực. 

Ảnh minh họa

Thực trạng hiện nay

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Trước hết, tầng ozon rất có lợi cho các sinh vật ở phía dưới bởi vì nó đóng vai trò chắn tia cực tím - một mối nguy hại đối với sức khỏe của con người. Từ rất lâu về trước, khi người ta tiến hành nghiên cứu các chất là hại đến tầng ozon thì phát hiện ra những chất phục vụ cho việc làm lạnh hay còn gọi là CFC dùng trong tủ lạnh, máy lạnh, trong quá trình chế biến thủy sản, chế biến lương thực thực phẩm,...làm phá hủy tầng ozon”.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Được biết, CFC do nhà hoá học người Bỉ Frederic Swarts tìm ra. Trong quá trình tổng hợp chất CCI4, ông đã thay đổi nguyên tử clo bằng nguyên tử flo nhằm tạo ra được CCI3F và CCI2F2. Chất CFC còn có tên là Chlorofluorocarbon - hợp chất hữu cơ halogen hóa đầy đủ. Các nguyên tố trong cấu tạo của hợp chất này là carbon, clo và flo. Khi ngành công nghiệp máy lạnh phát triển mạnh, ứng dụng của CFC ngày càng nhiều. Do chúng đáp ứng được tất các các điều kiện như là một dung môi chất có điểm sôi thấp, khả năng phản ứng thấp, nhất là không có nguy cơ gây độc nhiều hơn các môi chất đang được dùng hiện nay.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 06/2002/NĐ-CP còn có các chất gây hại khác, bao gồm: Bromochloromethane; Carbon tetrachloride (gọi tắt là CTC); Halon; Hydrobromofluorocarbon (gọi tắt là HBFC); Hydrochlorofluorocarbon (gọi tắt là HCFC); Methyl bromide; Methyl chloroform.

Các ngành công nghiệp và sản xuất tại Đông Nam Bộ với tốc độ phát triển nhanh chóng đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này là những hệ lụy môi trường nghiêm trọng, trong đó có vấn đề ô nhiễm tầng ozon, gây ra hiệu ứng nhà kính. Việc sử dụng tràn lan các chất làm suy giảm tầng ozon như CFCs, HCFCs và halon trong các hệ thống làm lạnh, điều hòa không khí và các quy trình sản xuất khác đã trở thành một thực tế đáng báo động.

Không chỉ dừng lại ở các ngành công nghiệp truyền thống, một số ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất hóa chất, điện tử và vật liệu xây dựng cũng góp phần không nhỏ vào việc thải ra các chất gây hại tầng ozon. Các nhà máy sản xuất hóa chất, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hóa chất hữu cơ, thường thải ra một lượng lớn các hợp chất halogen hóa, đây là những chất có khả năng phá hủy tầng ozon rất cao. Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử, với sự phát triển của các thiết bị điện tử tiêu dùng, cũng thải ra một lượng lớn khí thải chứa các chất gây hại.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm tầng ozon, gây ra hiệu ứng nhà kính tại Đông Nam Bộ là việc quản lý chất thải công nghiệp chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải hiện đại, dẫn đến việc thải trực tiếp các chất thải chứa chất làm suy giảm tầng ozon ra môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến cho lượng khí thải độc hại tăng lên.

Tầng ozon bị suy giảm nghiêm trọng không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tia cực tím từ mặt trời, vốn được tầng ozon hấp thụ sẽ chiếu xuống trái đất nhiều hơn, gây ra các bệnh về da như ung thư da, đục thủy tinh thể và làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, tầng ozon bị suy giảm còn làm thay đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và tăng mực nước biển.

Trước tình hình đáng báo động trên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết thêm: “Để giảm thiểu tình trạng xấu tác động đến tầng ozon, các thiết bị tủ lạnh ngày nay đã được dán lên những nhãn dán sinh thái Free CFC. Bên cạnh đó, công nghiệp làm lạnh cũng dần loại bỏ đi chất gây hại này.”

Giải pháp và khuyến nghị

Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tại Đông Nam Bộ cần thực hiện các biện pháp cụ thể và nghiêm túc. Đầu tiên, cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về khí thải công nghiệp. Các doanh nghiệp cần nâng cấp công nghệ sản xuất, loại bỏ dần các chất gây suy giảm tầng ozon và thay thế bằng các chất thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tầng ozon cũng như cách bảo vệ nó cũng là một giải pháp cần thiết. Các chương trình giáo dục và chiến dịch truyền thông cần được đẩy mạnh để khuyến khích cộng đồng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như thiết bị làm lạnh không sử dụng CFCs hoặc HCFCs.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh và các chương trình tài trợ cho nghiên cứu, phát triển công nghệ bảo vệ môi trường sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi.

Ảnh minh họa

Để nhanh chóng thay đổi thực trạng đang ngày càng báo động của tầng ozon, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.

Kế hoạch này nhằm quản lý,  loại trừ hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ozon và gây hiệu ứng nhà kính, theo Nghị định thư Montreal. Mục tiêu là giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) đến năm 2045 bằng cách chuyển đổi công nghệ và sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng toàn cầu thấp hoặc bằng “0”, đồng thời triển khai giải pháp làm mát bền vững.

Hưởng ứng Kế hoạch này, mới đây UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Công văn số 3922/UBND-KT về việc tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trên địa bàn tỉnh Bình Dương​

Cơ quan quản lý tại tỉnh cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ tầng ozon, đặc biệt là đối với các tổ chức có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sở hữu các thiết bị chứa các chất được kiểm soát. Việc quản lý thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất này cũng cần được thực hiện theo đúng quy định. Cuối cùng, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở TN&MT Bình Dương trước ngày 31/12 hàng năm để tổng hợp và trình UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các cơ quan Báo, Đài Bình Dương và các đơn vị truyền thông tại các địa phương tăng cường đưa tin về Kế hoạch quốc gia trong việc quản lý và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon và chất gây hiệu ứng nhà kính.

Để bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của Đông Nam Bộ, cần có những giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh và sản xuất. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy định môi trường và nâng cao nhận thức về bảo vệ tầng ozon. Chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta mới có thể bảo vệ tầng ozon và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, đảm bảo một tương lai xanh và bền vững cho khu vực này.

Nguồn  KTMT