Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cuộc nổi dậy của anh em Mười Chức vào năm 1928 tại đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai (nay là huyện Giá Rai), tuy mang tính tự phát nhưng đã chấn động dư luận cả nước.

Bạc Liêu là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng với nhiều cuộc đấu tranh của tầng lớp nông dân đã viết lên những trang sử hào hùng, ở đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh. Cuộc nổi dậy của anh em Mười Chức vào năm 1928 tại đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai (nay là huyện Giá Rai), tuy mang tính tự phát nhưng sự dũng cảm và quyết liệt của những người dân nơi đây đã tạo được tiếng vang ở Bạc Liêu, chấn động dư luận cả nước.
![]() |
Xưa kia vùng đất này còn
hoang vu sình lầy với rừng tràm, lau sậy và đầy cỏ dại, những lưu dân khai khẩn
ban đầu phải chặt cây làm nọc đóng xuống sình rồi gác nạng lên để làm nhà nhằm
tránh thú dữ và rắn độc. Cái tên Nọc Nạng sinh ra từ đó, gọi tên một con rạch và
một cánh đồng. Cuộc nổi dậy làm nên lịch sử ấy đều do người dân vì sự áp bức quá
sức chịu đựng mà tự phát đứng lên phá ách áp bức để làm chủ những gì vốn là của
mình.
Di tích đồng Nọc Nạng nằm
tại ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích quy
hoạch và tôn tạo là 35.000m2, trong đó diện tích bảo vệ là 10.279m2,
di tích lịch sử này là một lưu niệm do Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc
Liêu xây dựng để ghi lại chiến công quật khởi của nông dân Nọc Nạng.
Nơi đây, vào năm 1928 trên
cánh đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai đã xảy ra sự kiện vang cả đến
Đông Dương, đó là cuộc nổi dậy của gia đình anh em nông dân Mười Chức chống
chính quyền thực dân và bè lũ tay sai. Tên địa chủ Mã Ngân dùng nhiều thủ đoạn
xảo quyệt cùng tên Phủ Huấn tiếp tay đến cướp lúa, cướp đất của gia đình anh em
Mười Chức. Cuộc xô xát giữa anh em Mười Chức dùng giáo mác, gậy gộc chống địa
chủ Bang Tắc có chính quyền thực dân Pháp do hai tên Cò Tournier và Bauzou cùng
phó quản Danh Long chỉ huy lính mã tà, lính kín, một số tên Hương chức Hội tề
làng Phong Thạnh diễn ra hết sức ác liệt tại sân lúa Mười Chức vào sáng ngày 16
tháng 02 năm 1928. Bốn người trong gia đình Mười Chức đã hy sinh trong một trận
đánh không cân sức. Phía chính quyền thực dân Pháp, Cò Tournier đền mạng, một số
khác bị thương. Sự kiện đồng Nọc Nạng làm cho nông dân Bạc Liêu càng sôi sục
lòng căm thù, mâu thuẫn sâu sắc giữa nông dân và địa chủ phong kiến, giữa nhân
dân Bạc Liêu và bọn đế quốc thống trị đã đến tột độ,
mở đường cho những người
Cộng sản Việt Nam mang ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc
đặt chân lên vùng đất Bạc Liêu. Cuộc nổi dậy của sự kiện đồng Nọc Nạng vừa đánh
dấu cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn lan khắp Đồng bằng sông Cửu Long những
năm đầu thế kỷ, vừa nói lên đời sống tinh thần phong phú của nông dân ở một miền
mà chính sự hình thành lịch sử ấy đã hun đúc cho những đức tính truyền thống
kiên cường của dân tộc ở một vùng đất vừa khai phá.
Ngày 30 tháng 8 năm 1991, Bộ
Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp
hạng nơi diễn ra sự kiện Nọc Nạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Khu
di tích có diện tích khoảng 3 ha bao gồm nhiều hạng mục công trình, được chia
làm hai phần là sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (song thân ông Mười
Chức) cùng các anh em ông, cách nhau khoảng 300 m. Khu mộ ông bà Tám Luông được
anh em ông Mười Chức đắp sau khi ông bà mất. Nền mộ rộng khoảng 700 m, cao 50
cm, bên trên có xây nhà mồ. Nhà rộng 30m2 tường
xây cao 1,20m cửa quay về hướng Nam. Tường bao nhà mồ được xây bằng gạch thẻ
chừa ô cách khoảng nhau, tạo không gian khoáng đạt. Khu thờ tự có mái che uốn
cong đúc bê tông cốt thép 20 x 20. Bệ thờ cách nền 50cm, được bày trí đơn giản,
lát gạch bông 20 x 20 màu đỏ và màu vàng xen kẽ. Mộ ông Tám Luông (phía Tây) và
bà Tám Luông (phía Đông) quay ra hướng cổng (phía Nam). Mộ có kích thước 2 x 0,8
x 1,05 m, nấm xây tròn là khối hình thang cạnh trên 0,80m, cạnh dưới 1m, mặt
trước ghi tên, năm mất. Xung quanh mộ trang trí hoa văn đắp nổi chạy dọc gần 4
đường xung song song, hai ngôi mộ cách nhau 1,5m. Sau sự kiện Nọc Nạng, những
người bị thảm sát được chôn rải rác gần đó. Đến năm 1963, tất cả các ngôi mộ đều
được quy tập về chung một khu.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 80
năm ngày xảy ra sự kiện đồng Nọc Nạng, huyện Giá Rai đã tiến hành trùng tu, mở
rộng khu di tích. Công trình được khánh thành ngày 16.02.2008. Khu di tích này
có diện tích hơn 3.000m2, gồm các hạng mục trùng tu, mở rộng: Khu mộ gia đình
Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia
đình Mười Chức và bọn Tây cướp lúa... với tổng đầu tư trên 8 tỷ đồng.
Hằng năm, vào ngày mồng 9 Tết Nguyên đán, nhân dân huyện Giá Rai tổ chức lễ hội rất long trọng. Lễ hội đồng Nọc Nạng được tỉnh Bạc Liêu chọn làm hoạt động tham gia chương trình năm Du lịch Quốc gia Mêkông Cần Thơ-2008. Lễ hội “Dấu ấn Đồng Nọc Nạng” với nghi thức trang nghiêm, long trọng nhằm tưởng nhớ một thế hệ cha ông khí tiết kiên trung, đã anh dũng đứng lên bảo vệ hạt lúa, thửa ruộng cho vùng đất nông nghiệp Giá Rai ngày nay thêm màu mỡ, phát triển trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Lễ hội “Dấu ấn Đồng Nọc Nạng” hàng năm thu hút hàng trăm lượt khách tham quan, đến nơi đây vào dịp lễ hội như tìm về nguồn cội, thắp một nén hương bày tỏ lòng thành kín, tri ân các bậc tiền nhân với tinh thần đấu tranh bất khuất trước khi có Đảng ra đời làm chấn động cả lục tỉnh Nam kỳ. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại khu di tích lịch sử Nọc Nạng có nhiều hoạt động phong phú như: Giao lưu ẩm thực, thi đấu các trò chơi dân gian, thi cờ tướng, kéo co, thả diều, gánh nước về làng, bóng đá tứ hùng, bịt mắt đập niêu, thi đấu bóng chuyền và các hoạt động ôn lại quá khứ hào hùng của nông dân Giá Rai nói riêng, nông dân Bạc Liêu nói chung, góp phần giáo dục truyền thống và lòng yêu quê hương, đất nước của nhân dân và thế hệ trẻ.
Theo website svhttdl.baclieu