Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đồng phục - gánh nặng đầu năm học
Thứ tư: 05:09 ngày 05/09/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Căn bệnh hình thức dường như không chỉ có trong dạy và học, mà còn tràn lan trong ăn mặc, sinh hoạt của nhiều trường.

(BTN)- Không biết từ khi nào, cứ mỗi độ khai trường, trong lòng tôi bỗng ngân lên những câu văn bất hủ của nhà thơ Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”.

“Hôm nay tôi đi học” - cái cụm từ trong trẻo, đầy niềm vui và tự hào ấy đã theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ, cơ cực và cả khi tôi là thầy giáo, rồi làm cha, nuôi những đứa con ăn học… Song có một điều, cứ đến đầu năm học, bên cạnh việc chuẩn bị cho những ngày đầu đi học đầy phấn khởi, vui tươi của con em là những nỗi lo canh cánh về “cơm áo gạo tiền” của những người dân lao động nghèo, công nhân, viên chức. Những bậc làm cha làm mẹ, phải chạy ăn từng bữa không lấy gì làm dư dả cũng giống như tôi lương “ba cọc ba đồng” trong thời buổi gạo châu, củi quế, nhiều thứ đều tăng vọt, việc con cái đi học đủ khiến đau đầu.

Đồng phục học sinh cần đơn giản và không quá tốn kém (ảnh chỉ minh hoạ).

Trẻ đến trường, từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông hầu hết đều cần có đồng phục. Bộ đồng phục, trước hết có tác dụng tạo ra sự hoà đồng, không phân biệt sang hèn, tất cả đều bình đẳng khi đến trường, đến lớp. Chúng còn thể hiện tính đoàn kết, tinh thần tập thể và nét riêng biệt của từng cấp học, rồi trường học. Đồng phục học sinh thường được quy định chung về chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, thông thường là nam quần tây dài màu xanh đậm hoặc đen (học sinh tiểu học hay mặc quần sooc), áo sơ mi trắng. Nữ sinh cấp 1, 2 có thể mặc váy với áo sơ mi trắng, lên cấp 3 là áo dài trắng. Để phân biệt học sinh từng trường, có thêm miếng phù hiệu trước ngực trái. Thêm một “điểm nhấn” nữa là cái logo của trường gắn trên vai áo. Tưởng bấy nhiêu đó đã đủ… mệt và khó cho nhiều gia đình. Bây giờ có trường lại nghĩ ra nhiều cách để thể hiện “đẳng cấp” của trường mình, buộc học sinh mặc đồng phục giống như… diễn viên phim Hàn, phim Trung Quốc! Rồi lại còn chia ra từng khối lớp phải mặc khác nhau về màu sắc, hoa văn hay sọc ca rô…). Những quy định rườm rà ấy chẳng những làm cha mẹ học sinh “hoa cả mắt” mà nhiều thầy cô đôi khi cũng xót ruột thương cho học trò nghèo. Đồng phục đi học chưa đủ, còn thêm món đồng phục thể dục thể thao, đồng phục dã ngoại… Ngày đầu tiên đi học của trẻ biến thành nỗi lo âu nặng trĩu cho các bậc cha mẹ.

Bộ đồng phục chỉ mới là màn dạo đầu của dàn… “hợp xướng tốn kém”. Còn có những phần đóng và góp chỉ mới nghe thôi đã… xây xẩm chóng mặt: Ngoài học phí, còn có nào hội phí cho hội này, hội nọ, nào tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền quỹ lớp, rồi tiền giữ xe, tiền phụ đạo, tiền vệ sinh, tiền mua ghế (ngồi sinh hoạt)…  Với các gia đình trung lưu, việc lo cho hai đứa con đi học đã coi như gánh nặng rồi, với những gia đình nghèo gánh nặng ấy lại càng oằn lưng hơn

Căn bệnh hình thức dường như không chỉ có trong dạy và học, mà còn tràn lan trong ăn mặc, sinh hoạt của nhiều trường. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, đồng phục là cần thiết nhưng đồng phục quá kiểu cách, sang trọng cũng không làm nên chất lượng dạy và học. Trong khi xã hội vẫn còn có rất nhiều học sinh nghèo khó, phải bỏ học để tự mưu sinh, có lẽ hơn ai hết ngành Giáo dục cần phải đi đầu trong việc “khoan sức dân”, tạo mọi điều kiện để “ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” thực sự là ngày hội lớn, đông vui, phấn khởi đúng ý nghĩa của nó, khiến cho mọi người đều cảm thấy an tâm, thư thái, thoải mái...

TRẦN HOÀNG VY

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục