Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dòng rạch thân thương
Thứ hai: 12:48 ngày 20/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ mang nặng phù sa bồi đắp cho toàn cánh đồng lúa rộng lớn tốt tươi, mà trong dòng nước mát ngọt ấy còn nuôi dưỡng rất nhiều loài thuỷ sản, góp phần không nhỏ cho cuộc sống người dân quê tôi.

Dòng rạch quê tôi bây giờ.

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong những ngày giãn cách xã hội, ở nhà giữa lúc trời nắng nóng, tôi lại nhớ và ước gì được quay trở lại thời niên thiếu của mình. Cái thuở dù phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng bọn trẻ chúng tôi luôn được vô tư chơi đùa thoả thích. Hồi đó, vào những ngày nắng nóng như thế này, chỗ vui chơi lý tưởng của tôi không đâu khác là dòng rạch thân thương của quê hương.

Dòng rạch quê tôi là một trong những phụ lưu khá lớn của con sông Vàm hiền hoà thân thiện. Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên gần dòng rạch ấy. Xưa kia, khi chưa được “xáng thổi”, dòng rạch hẹp và cạn hơn bây giờ rất nhiều, nhưng nước dưới rạch thì trong lành.

Không chỉ mang nặng phù sa bồi đắp cho toàn cánh đồng lúa rộng lớn tốt tươi, mà trong dòng nước mát ngọt ấy còn nuôi dưỡng rất nhiều loài thuỷ sản, góp phần không nhỏ cho cuộc sống người dân quê tôi. Cá thì đủ thứ, đủ loại, như cá tràu ta, tràu dày, rô đồng, rô biển, trê vàng, trê trắng (còn gọi trê dai, vì thịt nó cứng và dai hơn cá trê vàng), cá sặc, thác lác, trèn bầu, luối thịt, cá mè, cá ngựa, cá chạch. Rồi lươn, rắn nước, tôm, tép, cua...

Nhờ vậy, bà con quê tôi quanh năm đánh bắt được cá, tập trung nhiều nhất là vào những tháng nắng hạn (khoảng từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch). Cứ đến con nước mùng mười và hai mươi lăm hằng tháng là đánh bắt cá. Cá nhiều, nước rạch cạn xiết, rất nhiều người trong xã và vùng lân cận tập trung về dòng rạch đánh bắt cá đông vui như trẩy hội.

Cách đánh bắt cá và dụng cụ đánh bắt cũng khá đa dạng, mỗi người, mỗi kiểu phù hợp với điều kiện của mình (nhưng hoàn toàn chưa có lối đánh bắt mang tính chất huỷ diệt môi trường như bây giờ). Dù đánh bắt bằng cách nào, gia đình nào cũng kiếm được cá ăn, cá rọng để dành, có nhà làm khô, làm mắm...

Nhưng đối với những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” như chúng tôi thì thích nhất là được đắm mình trong dòng rạch mát mẻ vào những buổi trưa nắng nóng. Hồi đó vào mùa nắng nóng như lúc này, chờ cho nước lớn (nước từ dòng sông chính chảy ngược vào rạch, khoảng 12 giờ trưa) chúng tôi rủ nhau năm, bảy đứa ra tắm rạch. Nhà đứa nào gần rạch, nên được cha mẹ, anh chị cõng, dẫn ra tắm rạch từ khi còn rất nhỏ.

Từ đó, đứa nào cũng biết bơi và lặn giỏi như những con rái cá. Dòng rạch lúc ấy còn hẹp và không sâu lắm, nước lại chảy chậm, không có chỗ nước xoáy, nên không lo nạn chết đuối có thể xảy ra. Khi tắm rạch, không chỉ từng đứa lặn ngụp, rồi thả ngửa thư giãn trên mặt nước, mà chúng tôi còn tổ chức các trò chơi dưới nước. Các trò chơi như bơi đua, lặn đua theo chiều dọc của dòng rạch xem đứa nào bơi, lặn giỏi hơn.

Tất nhiên, những trò chơi này, chúng tôi biết cử đứa đứng ra làm trọng tài để điều khiển cuộc thi. Thi bơi, lặn hoài cũng chán, chúng tôi lại chia phe tát nước. Chúng tôi dùng hai bàn tay tát nước vào nhau. Hai bên cứ nhằm mặt đối phương mà tát nước, tát cho đến khi nào một bên bị ngộp và mệt quá chịu thua thì đưa tay xin “đầu hàng”.

Chưa dừng ở đó, chúng tôi còn chia phe chọi bùn vào nhau. Chúng tôi tập trung vào mé rạch trầm mình xuống nước móc bùn non (bùn mềm nhão) chọi vào nhau. Đứa nào nhanh tay và né tránh giỏi thì ít “dính đạn”, đứa nào chậm chạp thì đưa đầu, mặt ra mà chịu trận. Nhưng dù dở, hay giỏi sau “trận chiến” phe nào cũng đầu mặt, bê bết bùn. Có đứa mặt mày dính đầy bùn đen thui mà cứ nhe hàm răng trắng ra cười.

Ngoài ra, còn có trò chơi lặn bắt “đổ vỏ”, một đứa lặn đi dưới nước tìm bắt những đứa kia. Đứa nào bị bắt sẽ phải lộn ngược đầu xuống nước mà “đổ vỏ”... Đủ thứ, đủ trò mải mê vui đùa trong nước, đến khi nước dâng lên cao và đứa nào cũng thấm mệt, mới dừng cuộc chơi. Chúng tôi tập trung lại một chỗ mà dưới đáy rạch chỉ có cát sỏi (không có bùn lầy) để tắm rửa lại cho sạch trước khi lên bờ về nhà. Lúc này, đứa nào cặp mắt cũng đỏ ké. Có đứa hai lỗ tai vô đầy nước, dính đầy bùn, lên bờ nghiêng đầu nhảy cà tưng, cà tưng cho nước ra…

Thường xuyên trầm mình dưới nước, vui đùa nhiều giờ như vậy, có lẽ do thích nghi với môi trường nên bọn trẻ chúng tôi rất ít khi bị bệnh. Chỉ có điều, những đứa nước da dễ ăn nắng, ăn phèn thì tay chân, mặt mày đen mun. Tôi là một trong những đứa dễ bị nhiễm phèn và nắng nhất, toàn thân đen mun nên có biệt danh “Thằng Mun”. Ngày ấy, chúng tôi tắm rạch và các trò chơi như nói trên là trò đùa trẻ con, đâu biết đó là những bài tập thể dục, thể thao bổ ích cho việc rèn luyện thể chất và tinh thần. Nhờ vậy, đứa nào cũng mạnh khoẻ.

Ngày nay, dòng rạch quê tôi sâu hơn, rộng hơn nhưng không còn trong lành như trước kia nữa. Cá thì vô cùng khan hiếm, có một số loại “mất tích” luôn. Rạch ô nhiễm, trẻ em và người lớn gần rạch không còn ai dám tắm rạch như xưa kia nữa, dù là giữa mùa nắng nóng. Ước gì dòng rạch trở lại trong lành như xưa, giữa mùa nắng nóng như thế này, tôi lại được lặn ngụp trong dòng nước mát như thời niên thiếu…

T.L

Tin cùng chuyên mục