Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Động thái chưa từng có của Bắc Kinh khi sắp 'tận thế' vì ô nhiễm
Thứ sáu: 18:26 ngày 04/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Năm 2011, Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận khói bụi, khí thải là tác nhân chính gây ô nhiễm. Để rồi hai năm sau, chính quyền buộc phải thừa nhận một thực tế mà họ luôn chối bỏ.

Julian Schwabe

Nhà nghiên cứu

Julian Schwabe là chuyên gia nghiên cứu về phát triển bền vững ở Trung Quốc, trên các lĩnh vực chuyển đổi, tái tạo năng lượng, giảm thiểu các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Ông hiện công tác tại Đại học Marburg (Đức).


Bầu trời xám xịt. Người dân đeo mặt nạ phòng độc ra đường. Những bức tượng trong khuôn viên trường được sinh viên nào đó lặng lẽ đeo khẩu trang. Bầu khí quyển tại Bắc Kinh, thủ đô của quốc gia đông dân nhất thế giới, vào năm 2013 được các chuyên gia ví von “không khác gì tận thế”.

Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ Trung Quốc buộc phải thừa nhận một thực tế mà họ luôn chối bỏ: Ô nhiễm đã ở mức báo động đỏ.

Năm 2011, chính phủ nước này vẫn một mực phủ nhận khói bụi, khí thải là tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm. Các nhà chức trách khi đó đổ lỗi cho sương mù là lý do khiến tầm nhìn giảm đi tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên hai năm sau, khi tình trạng trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, chính quyền buộc phải nhượng bộ. Từ đó, các con số, dữ liệu về ô nhiễm được đề cập thường xuyên hơn.

Bầu khí quyển tại Bắc Kinh, thủ đô của quốc gia đông dân nhất thế giới, vào năm 2013 được các chuyên gia ví von “không khác gì tận thế”.

Các thông tin về tình trạng ô nhiễm được công bố với mức độ minh bạch chưa từng thấy. 6 tháng đầu năm 2013, chính phủ liên tục cập nhật tình hình ô nhiễm hàng giờ của 74 thành phố trên cả nước, với gần một nửa trong số đó đang có chất lượng không khí tồi tệ.

Ô nhiễm trở thành chủ đề ưu tiên hàng đầu của cả quốc gia và được đề cập mỗi ngày trên mọi phương tiện truyền thông.

Mặt khác, mạng lưới theo dõi mức độ bụi mịn PM 2.5 (có đường kính 2,5 micromet trở xuống) nhanh chóng được xây dựng trên toàn quốc và dữ liệu công khai tới toàn thể người dân. Tính chính xác của thông tin được so sánh với dữ liệu đo được với máy của Đại sứ quán Mỹ.

Bất cứ ai có điện thoại thông minh ở Trung Quốc đều có thể kiểm tra chất lượng không khí theo thời gian thực, biết rõ cơ sở nào đang vượt quá mức giới hạn khí thải hay báo cáo người vi phạm cho các cơ quan chức năng.

Động thái của chính phủ Trung Quốc được coi là bước tiến cần thiết trong “cuộc chiến” với nạn ô nhiễm không khí. Thông tin công bố rộng rãi giúp mỗi công dân tự nhận thức và phòng vệ trước mối nguy về sức khỏe.

MỘT MÌNH BẮC KINH KHÔNG ĐỦ

Trong quá khứ, các thông tin về tình trạng môi trường, tình hình kinh tế khu vực hầu như chỉ nằm trong phạm vi tiếp cận của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, khi chất lượng không khí, lượng khí thải tồn tại trở thành mối quan tâm của mọi người, tiếng nói của người dân cũng dần có trọng lượng hơn. Các thị trưởng thành phố không hoàn thành nhiệm vụ hoàn toàn có thể bị người dân báo cáo lên Bộ Bảo vệ Môi trường nước này để buộc họ phải tăng cường nỗ lực.

Minh bạch thông tin ô nhiễm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin công bố rộng rãi đồng thời gây sức ép lên chính quyền địa phương, buộc họ phải thực hiện nhiệm vụ quyết liệt hơn.

Hầu hết các thành phố lớn đều cung cấp dữ liệu công khai, song từng xuất hiện nhiều trường hợp chính quyền địa phương can thiệp, bóp méo các chỉ số bằng cách đặt máy đo gần vòi nước, nơi mật độ bụi thấp hơn hay tiến hành đo tại các khu vực ít ô nhiễm hơn.

Tháng 3/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức “tuyên chiến” với tình trạng ô nhiễm không khí và gọi đó là yếu tố “kìm hãm sự tăng trưởng của quốc gia”. Một báo cáo vào năm 2014 kết luận ô nhiễm khói bụi là nguyên nhân gây ra cái chết của 350 - 500 nghìn người dân nước này.

Hầu hết các thành phố lớn đều cung cấp dữ liệu công khai, song từng xuất hiện nhiều trường hợp chính quyền địa phương can thiệp, bóp méo các chỉ số.

Hàng trăm biện pháp đã được tiến hành quyết liệt để ứng phó với cuộc “khủng hoảng môi trường” từ năm 2013: tiết kiệm, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. Kiểm soát khí thải xe cộ, nguồn xả thải công nghiệp, lượng bụi từ đất. Chuyển đổi công nghệ theo hướng sạch với những ngành gây ô nhiễm.

Các chiến lược đi kèm nỗ lực của Trung Quốc dần đem lại kết quả tích cực. Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, hàm lượng PM 2.5 đã giảm 35%, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).

Tuy nhiên, một mình Bắc Kinh không thể đơn phương độc mã trong “cuộc chiến” nếu thực sự muốn bầu không khí trong lành quay trở lại. Nguyên nhân cốt lõi: Chất lượng không khí của thủ đô còn phụ thuộc vào tình trạng của những vùng lân cận.

Xét về mặt địa lý, Bắc Kinh bao quanh bởi tỉnh Hà Bắc, khu vực được biết đến với số lượng lớn các nhà máy sản xuất thép. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 7 trên 10 thành phố thuộc diện ô nhiễm nhất Trung Quốc “đóng đô” tại tỉnh này.

Hà Bắc chịu áp lực lớn về việc kiểm soát, giảm tải mức độ ô nhiễm. Điều này không dễ dàng thực hiện khi sản xuất thép là ngành công nghiệp trọng điểm tại khu vực này.

Riêng sản lượng thép tại Hà Bắc đã vượt quá mức sản xuất của toàn bộ Liên minh Châu Âu. Theo dữ liệu của chính phủ, giai đoạn 2013-2017, thời điểm cuộc chiến chống ô nhiễm được đẩy mạnh nhất, chính quyền tỉnh Hà Bắc báo cáo đã cắt giảm gần 70 triệu tấn thép. Mức độ tiêu thụ than trong tỉnh cũng chứng kiến sự cắt giảm tương tự.

Điều này dẫn đến thực tế: Ngay cả khi Bắc Kinh đóng cửa tất cả các nhà máy và cấm tất cả ôtô lưu thông trên đường phố, như cách chính phủ nước này thực hiện khi tổ chức Hội nghị Quốc tế APEC 2014, các đợt gió từ phía Tây Nam thổi đến trong vỏn vẹn một ngày vẫn đủ sức khiến bầu trời thủ đô ngập khói bụi.

Sẽ chỉ là công cốc nếu Bắc Kinh đơn độc thực hiện công việc giảm tải.

Trên thực tế, lượng tiêu thụ than ở các tỉnh lân cận vẫn đang tiếp tục tăng. Giới chuyên gia có cùng chung nhận định: Sẽ chỉ là công cốc nếu Bắc Kinh đơn độc thực hiện công việc giảm tải. Nếu các khu vực xung quanh không chung tay, Bắc Kinh sẽ không bao giờ có được chất lượng không khí như mong muốn.

Một nghiên cứu hợp tác giữa Tổ chức Hòa bình Xanh và Đại học Bắc Kinh tập trung vào bốn thành phố ở Trung Quốc chỉ ra kết quả: Số người chết vì mắc các chứng bệnh do ô nhiễm gây ra cao gần gấp ba số lượng người tử vong vì tai nạn giao thông.

Do tác động qua lại, kế hoạch hành động chống ô nhiễm của chính phủ Trung Quốc đặt ra mục tiêu thực hiện trên toàn bộ khu vực trọng điểm kinh tế: Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Chính quyền trung ương cũng thay đổi chỉ tiêu phát triển, yêu cầu chính quyền địa phương phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường thay vì chỉ chăm chăm phát triển kinh tế.

“TÔI KHÔNG MUỐN CHẾT TRONG SƯƠNG KHÓI NÀY”

Hình ảnh hành lang bên ngoài phòng khám cấp cứu tại Bệnh viện nhi Bắc Kinh chật kín phụ huynh và trẻ em chờ đợi đến lượt gặp bác sĩ đã không còn là câu chuyện xa lạ ở đất nước tỷ dân.

Theo số liệu chính thức năm 2013, có đến 9.000 bệnh nhân nhỏ tuổi đến khám tại bệnh viện mỗi ngày, với 1/3 trong số đó mắc các bệnh về đường hô hấp.

Năm 2012, một cuộc thi sáng tác âm nhạc tại Thượng Hải diễn ra về chủ đề bụi mịn PM 2.5.

“Ai đang tìm kiếm điều gì đó trong sương mù”, “Ai đang khóc trong màn sương kia”, “Ai đang sống giữa lớp sương này”, “Tôi sống trong sương khói này”, “Tôi không muốn chết trong sương khói này” - ca từ trong video âm nhạc có tên gọi “Bắc Kinh - phiên bản sương mù mịt” nhanh chóng trở thành hiệu ứng lan truyền trên mạng.

Các câu hỏi liên tiếp như xoáy sâu vào mối lo của mọi người về lý do nào đã đẩy nhiều nơi tại Trung Quốc bỗng chốc bị gắn mác “một trong các thành phố ô nhiễm nhất thế giới”.

Nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ biến Trung Quốc trở thành cường quốc hùng mạnh chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, cái giá để đánh đổi lấy “phép màu kinh tế” này không hề rẻ.

Năm 2013, khi tình trạng ngày một tồi tệ, trên các phương tiện truyền thông tại đất nước tỷ dân, từ khóa “vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng tới mức nào” dần xuất hiện nhiều lên trong mục tìm kiếm.

Theo truyền thông Trung Quốc, quá trình đô thị hóa nhanh chóng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Chất lượng không khí ở các thành phố lớn đáng lẽ ở mức tốt hơn nếu các nhà chức trách chịu tính toán đến chuyện trồng thêm nhiều cây xanh, hạn chế số lượng xe cộ, cân nhắc mật độ dân số lẫn phân bổ hợp lý các khu dân cư.

Việc Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” cũng là yếu tố quan trọng. 70% sắt và thép và gần một nửa lượng xi măng toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không thể sạch như phương Tây, truyền thông nước này kết luận.

Nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ biến Trung Quốc trở thành cường quốc hùng mạnh chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, cái giá để đánh đổi lấy “phép màu kinh tế” này không hề rẻ.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục