Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đột quỵ não tấn công nhiều người trẻ
Thứ năm: 08:54 ngày 05/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mỗi năm Việt Nam có hơn 230.000 người bị đột quỵ não, trong đó khoảng 25% là người trẻ so với trước đây thường xảy ra ở người cao tuổi.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đột quỵ ở người trẻ tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua, nhất là đột quỵ não. Bệnh gặp ở người trẻ lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng "béo phì văn phòng", lười vận động.

Đột quỵ não còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

Hiện, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới. Theo thống kê gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2016, có khoảng 80,1 triệu người trên thế giới hiện mắc đột quỵ ở các lứa tuổi (chiếm khoảng 1,1% dân số), ti lệ nữ/nam là 1,05/1. Tại châu Âu, có 90-290/100.000 người đột quỵ mới mắc hàng năm.

Bác sĩ Tuấn đọc phim chụp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Ảnh: Hương Nguyễn.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin,...

"Đây là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được", bác sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.

Ngoài ra, cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch... bằng cách đo huyết áp hằng ngày. Hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ để có sự điều chỉnh phù hợp.

Theo bác sĩ Tuấn, trong điều trị tai biến mạch máu não, cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ). Với đột quỵ chảy máu não, tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não nếu có.

Bên cạnh đó, cần hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm (có thể ngay sau 24 giờ đầu). Bởi tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có một bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát. Do đó, người dân cần chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não. 

Ngày 21-22/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí về các bệnh lý tai biến mạch máu não. Đăng ký khám trực tiếp qua Tổng đài CSKH 19001902.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục