BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Dư âm 21 tháng Sáu

Cập nhật ngày: 22/06/2020 - 21:11

BTN - A lô, chào nhà báo, hôm qua đúng ngày tết nghề nghiệp của mấy ông, nhưng tôi bận chút việc không cà phê sáng chủ nhật với ông được, nên hôm nay mới gọi điện thoại chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo thông cảm nhé!

- Chào bạn đọc thân mến, sao ông lại nói vậy, ông nghĩ đến tụi này, có lời chúc như vậy là quý rồi! Sẵn đây, xin quý độc giả có gì chỉ bảo thêm cho cánh báo chí chúng tôi tác nghiệp phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn thì càng quý hơn nữa.

- Tôi là người “ngoại đạo” biết gì về hoạt động nghiệp vụ của mấy ông đâu mà bảo góp ý với chả góp ý. Ừ, mà cũng có chuyện này, tuy không phải là chuyện ở địa phương mình, nhưng tôi nghĩ là các cơ quan báo chí trong tỉnh mình cũng cần rút kinh nghiệm…

- Là chuyện gì nào, ông nói rõ Bàn Dân nghe với, biết đâu chẳng có lúc tụi này gặp phải mà tránh đi chứ.

- Số là trong tuần qua tôi có theo dõi sự việc ngành chức năng truy tìm một người tù chung thân trốn trại trộm xe, trộm tiền của người dân chạy lên đèo, xuống biển rồi mò về khu dân cư chui vô phòng net chơi game mấy ngày liền mới bị bắt.

Tôi xem tin bắt kẻ trốn trại, thấy có cái video clip quay kẻ bị truy bắt không chống cự gì, lại còn cười nói có vẻ vui vẻ lắm, về phía lực lượng chức năng bắt tội phạm trốn trại cũng không thấy sử dụng vũ lực, còng trói tội gì cả. Thậm chí cán bộ ngành chức năng còn ngồi ôm vai kẻ trốn trại khi y viết tờ tự khai quá trình chạy trốn.

Tôi thấy trường hợp truy bắt tội phạm này hơi bị lạ, nếu không nói là… “ngộ thiệt”, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn rất hay. Tôi theo dõi sự việc qua nhiều nguồn thông tin và thấy rằng hầu hết đều đưa tin trung thực, khách quan về quá trình truy bắt kẻ trốn trại, còn hình ảnh “ngộ thiệt” ấy là hình ảnh quay tại hiện trường, không có vẻ dàn dựng gì hết. Tuy các nguồn thông tin tôi đọc được không bình luận gì về hình ảnh ấy, nhưng tôi hiểu là người đưa tin cũng ngầm bày tỏ thái độ nhân văn của những người đi bắt tội phạm trốn trại.

Vậy mà cũng có tờ báo điện tử, báo chính thống đàng hoàng, đặt vấn đề “Sao công an lại ôm, cười nói thân mật với tên tội phạm nguy hiểm…?”. Trong bài phản ánh tình trạng “ôm, cười” đó, tác giả nêu thắc mắc “Tôi không thể hiểu được vì sao công an lại cười nói, trò chuyện như đang tán gẫu với tên tội phạm nguy hiểm này mà hắn không bị còng tay?”, “sao tên… này lại được “ưu ái” đến thế, sao lại có thể khinh suất với y đến thế?

Việc tên này không bị còng tay thực sự gây lo lắng, bởi y đã bỏ trốn không chỉ một lần, và không ai đảm bảo được rằng y sẽ không lặp lại điều đó, gây nguy hiểm cho các chiến sĩ công an...”. Và sau khi bài báo “thắc mắc” ấy được đăng lên, tôi thấy có không ít báo khác phản bác lại, nếu không nói là bị báo khác “đập” lại.

Vậy đó, trong cùng một sự việc, mà các báo điện tử lại nhận định khác nhau, trái ngược nhau?! Ông cũng là nhà báo, mà báo của ông cũng đầy đủ bản in giấy lẫn ấn bản điện tử trên mạng, ông nhận định thế nào về cách tác nghiệp “đối nghịch” như thế giữa các báo với nhau?

- Ông bạn đọc “phỏng vấn lại” nhà báo như thế, Bàn Dân hiểu là ông muốn phê bình báo chí “cùng làng” mà hoạt động không đồng bộ, không cùng chung quan điểm với nhau là không hay, không nên chứ gì! Bàn Dân xin mạn phép không trả lời ông vấn đề “hóc búa” này.

Nhưng cũng xin báo tin vui với ông, trong đợt sinh hoạt kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ở tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh làm việc với các cơ quan báo chí của tỉnh đã gợi ý với Báo, Đài của tỉnh nhiều vấn đề để giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc và định hướng hoạt động báo chí tỉnh nhà trong thời gian tới.

Trong đó lãnh đạo tỉnh có nhắc đến vấn đề hoạt động không đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí khác nhau quan điểm làm báo như vụ ông vừa kể. Từ đó lãnh đạo tỉnh đặt ra vấn đề cần có sự “liên kết mềm” giữa các cơ quan báo chí của tỉnh để vừa tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động tác nghiệp, vừa tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ báo chí cách mạng tỉnh nhà. 

Bàn Dân