Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dư âm của một chuỗi sự kiện
Thứ hai: 00:11 ngày 03/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói gì thì nói, để có thể vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, thì tỉnh ta vẫn không thể xem nhẹ việc phát triển kinh tế nông nghiệp, bởi lẽ số nông hộ trong tỉnh ta vẫn còn chiếm đa số.

- Bàn Dân này, hồi giữa tháng 5.2024 vừa qua tôi có dịp “đi tua” ngoài tỉnh. Gần cuối tháng tôi mới về, giở lại chồng báo tỉnh nhà chưa đọc vì đi vắng hơi bị lâu. Trong đó có một kỳ báo tường thuật một sự kiện phát triển kinh tế của tỉnh có tựa đề là “Công bố Vùng an toàn dịch bệnh và khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Tây Ninh”. Bài báo “chạy tít” gần hết chiều ngang hai trang báo liền tay mở ra, nội dung ngồn ngộn sự kiện, tôi đọc “ngốn ngấu” mà chưa nắm được hết. Nay được gặp ông, tôi muốn hỏi lại cho rõ đây!

- Vâng, ngày hôm đó đúng vào kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19.5, lãnh đạo tỉnh mình có phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với hai tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tổ chức vừa khánh thành một khu chăn nuôi công nghệ cao, vừa công bố một loạt bảy dự án đầu tư trọng điểm trị giá hàng ngàn tỷ đồng trên lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới, đồng thời công nhận Vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Sự kiện này phải nói là rất có “tầm vóc” đối với sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà, có lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đến dự, trao các văn bản công nhận nên rất thu hút sự chú ý của công luận báo chí, truyền thông trong nước. Mà các sự kiện được đưa tin công khai, minh bạch như vậy, ông vẫn chưa nắm rõ là sao?

- Thú thiệt với ông, tôi cũng không mấy rành rẽ về kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, nên định nhờ ông giải thích thêm cho tôi hiểu ý nghĩa, tác động của sự kiện ấy đối với kinh tế tỉnh mình tương lai như thế nào đó mà!

- Vâng, như ông đã biết, tỉnh ta đang trên đà phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đã có số dự án đầu tư vốn nước ngoài, vốn trong nước và số khu kinh tế, khu công nghiệp so với nhiều tỉnh, thành trong nước cũng không phải là ít. Ðặc biệt, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay Tây Ninh đã tăng lên đến vị trí top 20. Còn về năng lực quản trị môi trường (PGI), tỉnh cũng đứng trong top đầu với vị trí thứ 6. Tuy nhiên, nói gì thì nói, để có thể vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, thì tỉnh ta vẫn không thể xem nhẹ việc phát triển kinh tế nông nghiệp, bởi lẽ số nông hộ trong tỉnh ta vẫn còn chiếm đa số.

Về nông nghiệp mà nói, từ xưa tỉnh ta vốn đã có thế mạnh về nông nghiệp toàn diện với cây trồng, vật nuôi rất đa dạng. Ðồng thời, nông dân tỉnh ta cũng rất nhạy bén với công nghiệp hoá, cơ giới hoá nông nghiệp, bằng chứng là từ hơn nửa thế kỷ trước, Tây Ninh là tỉnh có nhiều máy cày, “xe reo” nhất miền Nam, cho đến bây giờ cũng vậy. Ðối với yếu tố “nhất nước”, tức là yếu tố “nước tưới cho cây trồng” thì hơn 40 năm trước, toàn dân Tây Ninh đã làm theo lời Ðảng, tất cả đều ra công trường xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Tây Ninh có hồ nước nhân tạo và diện tích vùng tưới lớn nhất nước. Riêng về chế biến nông sản, từ hồi còn chế biến “bán cơ giới” số “lò đường, lò mì” ở tỉnh mình đã “đếm không xuể”. Tuy nhiên, nếu làm nông mà cứ bán sản phẩm thô thì… coi như ta vẫn chưa đi ra khỏi con “đường mòn thuộc địa”. Do vậy mà nhiều năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Và cho đến bây giờ thì tính ra tổng công suất của các ngành chế biến mía đường, bột mì, hạt điều của Tây Ninh luôn đứng hàng đầu trong nước. Kể cả về chế biến cao su thì tỉnh ta cũng không đến nỗi “thua chị, kém em”. Với nhiều yếu tố được tập trung đầu tư như vậy, cùng với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhiều năm qua, đến nay, kinh tế nông nghiệp về trồng trọt đã có vị trí đáng kể trong tổng giá trị sản xuất GRDP của tỉnh.  

Ðấy, về trồng trọt là như vậy, còn đối với chăn nuôi, dân Tây Ninh đã có tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm từ rất lâu và hiệu quả cũng không kém. Nhưng nếu chỉ “khư khư” giữ mãi cách chăn nuôi gia đình thì ngành chăn nuôi cũng khó mà phát triển. Cho nên những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung kêu gọi đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Theo số liệu thống kê tháng 5.2024, về phát triển chăn nuôi, tỉnh đã có tổng đàn heo là 414.118 con, đàn bò 97.702 con; riêng đàn gà có tới hơn 11 triệu 191 ngàn con. Số lượng tổng đàn cũng như sản phẩm chăn nuôi không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây là nhờ số cơ sở chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao “nối đuôi” nhau đi vào sản xuất đã đóng góp không ít vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đấy ông ạ.

- Hay quá, ông nói khái quát như vậy, bước đầu tôi cũng đã hình dung được “bức tranh nông nghiệp, nông thôn” trong toàn cảnh kinh tế tỉnh mình rồi!      

Bàn Dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh