Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự:
Dư âm một cuộc họp mặt báo chí ngoài toà soạn
Thứ hai: 09:12 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài các cuộc họp tại toà soạn, thỉnh thoảng Ban Biên tập mới tổ chức họp mặt cộng tác viên ngoài toà soạn ở một cơ quan, đơn vị cơ sở nào đó để tạo điều kiện cho anh em cộng tác thâm nhập thực tế, đồng thời kết hợp thực hiện công tác xã hội của cơ quan báo chí.

- Hôm qua tôi đọc báo online, thấy có đưa tin báo tỉnh mình họp mặt cộng tác viên trên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc. Sao báo không họp tại toà soạn mà phải đi xa thế ông?

- Vâng, ngoài các cuộc họp tại toà soạn, thỉnh thoảng Ban Biên tập mới tổ chức họp mặt cộng tác viên ngoài toà soạn ở một cơ quan, đơn vị cơ sở nào đó để tạo điều kiện cho anh em cộng tác thâm nhập thực tế, đồng thời kết hợp thực hiện công tác xã hội của cơ quan báo chí. Chẳng hạn cuộc họp mới đây, những người làm báo cả phóng viên và cộng tác viên vừa có dịp tiếp xúc, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, vừa được gặp gỡ, tặng quà cho các cháu học sinh ở Khu dân cư biên giới Chàng Riệc. Một công hai việc rất thuận tiện và có nhiều ý nghĩa.

- Đọc tin hoạt động của báo trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, khiến tôi nhớ lại chuyện một thời tỉnh ta phải trải qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, chống lại bọn diệt chủng Pol Pot gây ra. Tôi vẫn nhớ các ấp Tân Khai, Tân Chánh của xã Tân Lập, huyện Tân Biên chính là những nơi dân ta bị Pol Pot thảm sát, tàn phá nhiều nhất ông ạ!

- Ông nhớ rất đúng, và cái thời gian khổ ấy đã qua hơn 45 năm rồi. Hiện giờ suốt một dải đất dọc đường biên dài 240 km ở tỉnh ta đã thay đổi hoàn toàn. Trong đó, ngay tại ấp Tân Khai, nơi có cửa khẩu chính, khu dân cư biên giới và đồn biên phòng cùng mang tên Chàng Riệc, giờ đã là vùng nông thôn mới đầy đủ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, người dân tích cực sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới bảo đảm ổn định… Ông có dịp lên đây sẽ thấy khác xưa nhiều lắm!

- Trở lại chuyện nghề nghiệp của mấy ông, cuộc họp mặt cộng tác viên của báo chắc cũng có nhiều cái hay, cái mới lắm hả, ông có thể kể cho tôi nghe được không?

- Tất cả kết quả hoạt động của bổn báo đều thể hiện qua sản phẩm cuối cùng là tác phẩm báo chí, có tên tác giả đàng hoàng được đăng tải trên mặt báo, báo in cũng như báo điện tử, ông là bạn đọc thường xuyên chẳng lẽ không nhận thấy sao mà còn phải hỏi Bàn Dân?!

- Ông nói vậy là “đánh trống lảng” hay “đánh đố” tôi đó sao?! Tác phẩm của người làm báo tất nhiên là đều có tên tác giả, nhưng bạn đọc “bình dân” như tôi làm sao biết được bút danh nào của phóng viên, bút danh nào của cộng tác viên? Mà tôi cũng đâu phải là người có quyền hỏi chuyện đó theo quy định của Luật Báo chí. Ý tôi là muốn hỏi thăm, muốn nghe nhận định của ông về tình hình tham gia viết báo của các cộng tác viên, ông không thể nói tôi nghe được à?

- Thật ra chuyện đó cũng không phải là chuyện không thể nói, nhưng Bàn Dân nghĩ chuyện “đánh giá” cái gì đó “hay hay dở” là tuỳ vào sự cảm nhận chủ quan riêng của mỗi người, nên mới “giữ kẽ” với ông vậy thôi. Theo cảm nhận của Bàn Dân thì thời gian gần đây, sự tham gia cộng tác với bổn báo của anh em cộng tác viên có sự nâng lên rõ rệt. Về số lượng thì ngoài những cộng tác viên lâu năm, tên tuổi quen thuộc với bạn đọc, có thêm sự xuất hiện của những bút danh cộng tác mới. Về chất lượng thì tất nhiên, những tác phẩm báo chí chưa đạt yêu cầu đã bị loại “từ vòng gửi xe” rồi, đâu có dịp xuất hiện trên mặt báo…

- Ông nói như vậy tôi thấy quả thật là… không có gì mới! Và tôi cũng xin nói rõ, không phải tôi cho rằng công tác cộng tác viên của quý báo “không có gì mới”, mà chính cách nói của ông “không có gì mới”. Ai chẳng biết có bút danh mới ắt phải có người viết mới? Ai chẳng biết bài viết không đạt thì dứt khoát không được đăng báo? Ông nói lại những điều ai cũng có thể đoán biết, thì nói làm gì?

- Khoan đã, Bàn Dân nói chưa hết ý, chưa đề cập đến cái “mới”, cái “đặc biệt” ông đã nổi nóng ngắt ngang rồi. Thế này, đặc biệt, về độ tuổi cộng tác viên có sự xuất hiện những cộng tác viên còn khá trẻ nhưng đã mạnh dạn đi sâu khai thác các đề tài có thể nói là “hóc búa” đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng. Về chất lượng, nội dung thông tin, có những cộng tác viên khai thác đề tài thuộc các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi phải có trình độ, nhận thức cao lại phải “khống chế” trong điều kiện không được viết quá dài, phải đăng quá nhiều kỳ. Đây là chuyện mà trước đây thường chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, hoặc các chuyên gia có uy tín, có tên tuổi nhiều năm lăn lộn trong nghề mới làm được.

- Ông nói vậy coi như tôi cũng nắm được phần nào, nhưng sao ông không nói rõ là cộng tác viên nào, khai thác đề tài nào, lĩnh vực nào cụ thể luôn đi?

- Chuyện này thì hơi tế nhị, ông thông cảm cho Bàn Dân đi. Nhưng ông vẫn có thể tìm thấy ở những loạt bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hay những bài có tính chất nghiên cứu khoa học xã hội, lịch sử; những bài phân tích kinh tế…

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh