Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án đầu tư Trường Đại học Tây Ninh: Ước mơ và hiện thực

Cập nhật ngày: 26/10/2011 - 12:58

Theo chỉ đạo của cấp trên, từ đầu năm 2011, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đã xây dựng “Dự án đầu tư thành lập Trường đại học Tây Ninh” (trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh), đến tháng 9.2011, dự án đã được báo cáo lên Sở GD & ĐT, UBND tỉnh, HĐND tỉnh và Tỉnh uỷ. Tuy nhiên, xung quanh dự án vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi của nó.

Mùa hè năm 1987, tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ở Nha Trang, Bộ Đại học-THCN và Dạy nghề đã nêu lên bốn tiền đề định hướng đổi mới giáo dục đại học và chuyên nghiệp ở Việt Nam. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) đã chấp nhận những định hướng đó và trở thành chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục đại học và chuyên nghiệp.

Từ tiền đề này, giáo dục đại học được mở rộng và hình thành các trường đại học ở các tỉnh, quen gọi là đại học địa phương (ĐHĐP).

Đại học địa phương và các mô hình của nó

Tên gọi ĐHĐP là tên chưa chính thức, chưa có trong các văn bản pháp quy. Hiện có nhiều khái niệm về loại trường này, nhưng khái niệm được nhiều người sử dụng: “Trường ĐHĐP là trường đại học công lập cấp tỉnh, của địa phương, có mục tiêu đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực, có trình độ đại học và các trình độ thấp hơn, nhằm phục vụ cho nhu cầu nhân lực, đáp ứng sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương”.

Trường ĐHĐP được xếp vào nhóm thứ ba theo phân tầng chất lượng của quy hoạch phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010; thực hiện chức năng đầy đủ của một trường ĐH cộng đồng. Nó được thành lập từ các mô hình cơ bản: một trong số đó là nâng lên từ cao đẳng cộng đồng.

Những năm đầu thập niên chín mươi, Viện nghiên cứu Đại học & Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ GD & ĐT thí điểm mở 5 trường cao đẳng cộng đồng ở Hải Phòng, Hà Tây, Thanh Hoá, Phú Yên và Đồng Tháp. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến tháng 12.2007, cả nước có 14 trường. Trên cơ sở các trường cao đẳng cộng đồng, các tỉnh như Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Tiền Giang… đã thành lập ĐHĐP.

Một mô hình khác là thành lập ĐHĐP từ một phân hiệu của trường ĐH (như ĐH Hà Tĩnh là một phân hiệu của ĐH Vinh, ĐH Quảng Trị là một phân hiệu của ĐH Huế). Mô hình mới nhất là nâng cấp lên từ trường CĐSP như ở Bạc Liêu, Đồng Nai… (Tây Ninh chọn theo mô hình này).

Theo dự án, mai này Trường CĐSP Tây Ninh sẽ nâng cấp lên thành trường ĐH

Nhiều thách thức

Việc thành lập Trường đại học Tây Ninh (ĐHTN) là do yêu cầu về nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, khai thác tiềm năng của địa phương. Điều cần trao đổi là làm thế nào để biến chủ trương, ước mơ thành hiện thực, bởi những thách thức là không hề nhỏ.

Về cơ sở vật chất: Với cơ ngơi hiện tại, Trường CĐSP Tây Ninh không thể nào đáp ứng cho một trường ĐH (dù là ĐHĐP với quy mô nhỏ). Đó là chưa nói đến sự xuống cấp, không đồng bộ, lạc hậu của các trang thiết bị phục vụ dạy học.

Theo dự án, tổng kinh phí đầu tư cho ĐHTN giai đoạn 2011-2015 gần 273 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020: khoảng 333 tỷ. Vốn đầu tư ít hay nhiều chưa bàn đến nhưng hiện nay mới chỉ nằm trên giấy, liệu đến năm 2015 có thể có cơ sở vật chất để phục vụ dạy học hay không?

Về cơ cấu tổ chức quản lý: Theo Điều lệ trường ĐH, cơ cấu tổ chức của trường gồm: Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Hội đồng Khoa học - Đào tạo các phòng chức năng, các trung tâm, các khoa và tổ bộ môn trực thuộc, các tổ chuyên môn thuộc khoa và các tổ chức đoàn thể. Yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Ban giám hiệu và các trưởng phòng, khoa, trung tâm… phải có trình độ tiến sĩ. Muốn mở một ngành học, ít nhất phải có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ… Trong lúc đó, đến 2015, Ban giám hiệu của Trường CĐSP có 2 người về hưu, người còn lại không đủ tiêu chuẩn, số tiến sĩ hiện có rất ít khả năng đảm nhận trọng trách này. Như vậy thiếu hẳn cả một bộ khung từ trên xuống dưới, hầu như không có tính kế thừa.

Về các khoa và ngành nghề đào tạo: Hiện trạng giảng viên của CĐSP Tây Ninh chủ yếu là giảng viên văn hoá thuộc các ngành sư phạm. Tuy trường đã liên kết với một số trường ĐH đào tạo liên thông nhưng cũng chủ yếu là sư phạm: Toán, Hoá, Sinh, Ngữ văn, Sử, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Tiểu học, Mầm non. Khi trở thành ĐH, hầu hết các khoa được tổ chức lại thành một khoa (hoặc ngành) sư phạm. Tất cả các khoa khác, ngành khác là hoàn toàn mới. Đó là một công việc không hề đơn giản.

Về đội ngũ giảng viên: Đã rất nhiều năm, trường ít được bổ sung giảng viên trẻ, có trình độ. Trung bình tuổi đời và tuổi nghề khá cao (tuổi đời khoảng 45, hơn 2/3 số người đã được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục). Đến 2015, trong những người tham gia giảng dạy, có 23 người về hưu. Số còn lại cơ cấu không đồng đều giữa các bộ môn. Môn Lý, Hoá không còn giảng viên. Một số môn khác không còn trình độ thạc sĩ. Nếu ĐHTN được thành lập với quy mô khoảng 20 ngành học, 5.000 học viên, sinh viên, phải có khoảng 300 giảng viên, ít nhất có 20 tiến sĩ và 100 thạc sĩ- một con số không hề nhỏ, không dễ gì có được trong vài ba năm. Nhìn từ ĐH Đồng Nai, năm học 2010-2011, họ đã có 15 tiến sĩ, điều động thêm 10 tiến sĩ đang công tác ở các cơ quan, ban ngành, các trường khác, cộng với số đang học ở trong và ngoài nước, cuối năm 2011 có 65 tiến sĩ/338 giảng viên. ĐH Thủ Dầu Một cũng không kém cạnh. Ở đây có chính sách thu hút nhân tài khá táo bạo: nếu tình nguyện về công tác từ đầu, tiến sĩ được hỗ trợ 120 triệu đồng, thạc sĩ: 80 triệu đồng, lương tháng được nhân với 1,5, còn thêm 1 triệu đồng tiền nhà ở, 1 triệu đồng tiền đi lại. Giảng viên trình độ cao về ĐH Thủ Dầu Một, ngoài giờ dạy ở trường, họ có thể “chạy sô” ở các trường khác trong tỉnh, thậm chí ở cả Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... Còn giảng viên về ĐHTN có chỗ nào để dạy thêm? Vì thế thu nhập sẽ chỉ “ba cọc ba đồng”. (Đó là chưa nói đến bao nhiêu chuyện khác). Đây có lẽ là thách thức lớn nhất, bài toán khó giải nhất. (Còn nếu cứ mở trường rồi mời thỉnh giảng, ai dám cam kết bảo đảm chất lượng?).

Về giáo trình, tài liệu, trang thiết bị phục vụ dạy học: Hiện tại, Trường CĐSP Tây Ninh chỉ có một số giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng các ngành học sư phạm và một số ngành như Công nghệ thông tin, Thư viện. Như thế, về cơ bản, ĐHTN muốn thành lập khoa nào, ngành nào thì phải tìm kiếm, biên soạn, mua sắm giáo trình, tài liệu, trang thiết bị mới.

Về nguồn tuyển sinh và đầu ra: Khi thành lập một ngôi trường, không thể không tính đến tuyển sinh và đầu ra bởi liên quan đến sự sống còn của một cơ sở giáo dục. Mỗi năm, Tây Ninh có khoảng 7.000 học sinh tốt nghiệp trung học (với dân số khoảng hơn 1.000.000 người, con số này sẽ còn tăng) nhưng vấn đề đặt ra học sinh Tây Ninh có… chịu học ở ĐHTN hay không? Bởi tâm lý thông thường “bụt chùa nhà không thiêng”. Các ngành nghề đào tạo có hấp dẫn để thu hút được học sinh các tỉnh, thành khác đến học? Học xong, sinh viên có tìm được việc làm? Cuộc sống có bảo đảm và có cơ hội thăng tiến? Về đầu ra, hiện tại, Tây Ninh không rộng đường bằng một số tỉnh bạn. Một thông tin có tính thời sự không thể bỏ qua: đã nhiều mùa tuyển sinh (đặc biệt là năm nay), nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập và địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh. Các trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Đà Lạt, Đồng Tháp, An Giang… phải bỏ trống nhiều ngành học. Nhiều trường ngoài công lập có thể phải đóng cửa.

Mỗi năm, CĐSP Tây Ninh ngốn khoảng 12 tỷ đồng. Với quy mô khoảng hơn 300 cán bộ công chức của ĐHTN trong tương lai thì mỗi năm, ngân sách Nhà nước phải cấp không dưới 40 tỷ. Đối với một tỉnh nguồn thu còn khó, đây quả là một gánh nặng!

Thận trọng vẫn hơn

Có một trường ĐH là nguyện vọng và ước mơ chính đáng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà.

Tuy nhiên để thành lập ĐHTN, phải tính đến rất nhiều yếu tố, phải có lộ trình rõ ràng, phải có sự chuẩn bị căn cơ. Việc thành lập trường ĐH bằng nâng cấp trường CĐSP khi chúng ta không có các điều kiện tương tự như một số tỉnh, thành khác, thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nên chăng, về thời gian chưa nên đặt ra đích đến vào năm 2015? Về các bước đi và mô hình nên chọn cao đẳng cộng đồng. Thời gian trước mắt, nên sáp nhập CĐSP, Trung tâm GDTX tỉnh, Trung học Kinh tế- Kỹ thuật, Trung học Y tế… để bớt manh mún, phân tán cơ sở vật chất, lực lượng, từng bước hình thành bộ khung, chuẩn bị đội ngũ, làm quen với cách tổ chức, quản lý, điều hành… để bước đi tiếp theo thuận lợi hơn.

Cũng xin nhắc lại, nhiều người Tây Ninh đã chờ đợi một ĐH tư thục Á Châu, Khai Minh… Nhưng cho đến nay đã khoảng chục năm, hình hài của nó chưa đâu vào đâu cả.

DIỆU MAI