Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án đầu tư Trường ĐH Tây Ninh: Quy mô đào tạo 7.000 sinh viên/ năm

Cập nhật ngày: 09/03/2011 - 06:36

Quy hoạch tổng thể phát triển giáo dục – đào tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2020 của UBND tỉnh Tây Ninh có nêu rõ: dự kiến đến năm 2015, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sẽ được nâng cấp thành Trường Đại học Tây Ninh. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đang chuẩn bị trình lên dự án đầu tư thành lập Trường Đại học Tây Ninh với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí ước khoảng 600 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 117 trường mầm non, 284 trường tiểu học, 107 trường THCS, 31 trường THPT, 10 Trung tâm GDTX, 95 Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng, 1 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 3 trường trung cấp nghề và 1 trường cao đẳng sư phạm. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên cũng đã duy trì kết quả huy động trẻ em 6 tuổi ra lớp hằng năm trên 99%, xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tây Ninh cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở cuối năm 2006. 16 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông; đội ngũ giáo viên phổ thông đủ về số lượng và đạt chuẩn; hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá. Toàn tỉnh đã xây dựng và hoàn thành 65 trường đạt chuẩn quốc gia, 110 nhà công vụ, kiên cố hoá 1.500 phòng học.

Hằng năm, Tây Ninh có gần 7.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Đa số các em đều muốn tiếp tục học lên, nhưng rất nhiều em không có điều kiện đi học xa nhà. Vì thế, mong muốn của các em là được học đại học, cao đẳng tại địa phương. Số học sinh phổ thông Tây Ninh thi đỗ các trường đại học và cao đẳng gia tăng qua từng năm. Năm 2009 có 3.125 lượt học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và hơn 3.000 lượt trúng tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong, ngoài tỉnh. Cho đến nay, cả tỉnh chưa có trường đại học nào.

Theo mục tiêu phát triển của đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, từ năm 2010, quy mô sinh viên đại học, cao đẳng đạt trên 200 sinh viên/ 1 vạn dân. Do đó nhu cầu đào tạo đại học của tỉnh năm 2015 rất lớn.

Dự kiến, Trường CĐSP Tây Ninh sẽ được nâng cấp lên thành trường đại học

Bên cạnh việc đào tạo số học sinh vừa tốt nghiệp THPT trong tỉnh, Trường Đại học Tây Ninh còn có nhiệm vụ đào tạo lại các chuyên ngành và bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ lao động của tỉnh. Trường Đại học Tây Ninh sẽ thực hiện đào tạo theo tín chỉ, bên cạnh đó có thể mở rộng các hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, từ xa… Trường thành lập sẽ giải quyết việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cán bộ khoa học phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà và cả khu vực Đông Nam bộ.

Nguồn tuyển sinh chủ yếu của Trường Đại học Tây Ninh sẽ là học sinh phổ thông của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận khác trong nước, ngoài ra còn có học sinh của nước láng giềng Campuchia.

Phương án thành lập Trường Đại học Tây Ninh khả thi là trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, kết hợp sự đầu tư của tỉnh một cách toàn diện: phát triển cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, đào tạo và thu hút đội ngũ quản lý, chuyên môn, chính sách liên kết đào tạo với sử dụng lao động trí tuệ.

35 năm phấn đấu trưởng thành, Trường CĐSP Tây Ninh hiện đang là một trường đào tạo đa ngành. Ngoài việc đào tạo giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THCS, trường cũng đang đào tạo 4 ngành ngoài sư phạm phục vụ cho nhu cầu của địa phương. Cơ sở vật chất của trường trước mắt đáp ứng cơ bản cho một trường đại học có 3.000 sinh viên và có thể đi vào hoạt động ngay khi có quyết định thành lập.

Với quy mô đào tạo khoảng 7.000 sinh viên/năm (trong đó chính quy 3.000, không chính quy 4.000), dự kiến khi thành lập, Trường Đại học Tây Ninh sẽ có diện tích là 20 ha. Diện tích khuôn viên của trường đang có là 7 ha. Do đó cần mở rộng thêm.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, để có được một trường đại học công lập đầu tiên đa hệ, đa ngành của tỉnh, dự tính mỗi năm cần đầu tư khoảng 60 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2016 – 2020, khi trường đã có quyết định thành lập, việc đầu tư sẽ còn lớn hơn với khoảng hơn 333 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và xã hội hoá).

 Tây Ninh nằm ngay bên cạnh thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương - nơi có nhiều trường đại học danh tiếng. Do đó nguồn tuyển sinh chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Việc mà nhà trường và địa phương cần chú trọng là tạo môi trường học tập thuận lợi và có những chính sách ưu đãi thích hợp để thu hút người học, tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Một trường đại học công lập đa hệ, đa ngành ở Tây Ninh sẽ góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh và vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Trường cũng đáp ứng nhu cầu học tại chỗ của nhiều học sinh thuộc các chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu nhân lực, cán bộ sau khi đào tạo. Học đại học tại tỉnh nhà sẽ giúp sinh viên giảm bớt kinh phí, tạo điều kiện cho con em nông dân, công nhân, người nghèo, đặc biệt là học sinh vùng sâu, biên giới, con em dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi để theo đuổi con đường học vấn, thu hẹp khoảng cách về phân bố lao động có trình độ khoa học kỹ thuật giữa các vùng miền, giữa thành phố và nông thôn. Song song với công tác đào tạo, Trường Đại học Tây Ninh sẽ là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong tỉnh, trong khu vực, tiến đến mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế.

Duy Anh

 


 
Liên kết hữu ích