Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Dự án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp:
Thứ sáu: 04:15 ngày 14/08/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo Đề án đã được phê duyệt, huyện Tân Biên có đến 158 hộ phải di dời ra khỏi đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng). Tổng diện tích đất bố trí tái định cư cho các hộ là 7,3 ha. Kinh phí thực hiện di dời gần 6 tỷ đồng.

Ông Giáo, một người cư ngụ lâu năm trong đất lâm nghiệp ở ấp Hoà Đông B, xã Hoà Hiệp đồng ý di dời  ra khu tái định cư sinh sống, nhưng yêu cầu được hỗ trợ kinh phí di dời.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định 375/QĐ-UBND ngày 21.2.2014 phê duyệt Đề án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo Đề án này, đến cuối năm 2015, ba huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu phải di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp.

Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hết hạn, nhưng đến nay mới có huyện Dương Minh Châu là cơ bản hoàn thành, hai huyện Tân Biên, Tân Châu vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh, rối rắm. 

Theo Đề án, ở huyện Tân Biên có 6 xã Hoà Hiệp, Tân Lập, Thạnh Bắc, Thạnh Bình, Tân Bình, Thạnh Tây có dân ở trong đất lâm nghiệp cần phải di dời. Trong đó chia ra 3 dạng: di dời không hỗ trợ, di dời hỗ trợ tiền, di dời hỗ trợ tiền và đất thổ cư.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Đề án thì phát sinh nhiều vấn đề khá phức tạp. Đầu tiên là trong số 18 hộ di dời theo dạng không hỗ trợ, có đến gần 2/3 cần được hỗ trợ cả tiền lẫn đất thổ cư.

Theo Quyết định số 875 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh, những hộ thuộc diện này bắt buộc di dời ra khỏi đất lâm nghiệp mà không được hỗ trợ gì cả.

Nhưng thực tế, những hộ này đều thuộc diện nghèo và không có mảnh đất “cắm dùi”, nếu “bứng” họ ra khỏi nơi ở hiện nay thì không biết hơn 60 nhân khẩu này sẽ sinh sống ra sao.

Gia đình anh Thạch Ri trước đây ở nhờ trên đất Lâm trường Hoà Hiệp để làm thuê kiếm sống. 4 năm gần đây, lâm trường này giải tán, gia đình anh không còn chỗ ở, phải vào cất nhà ở tạm trên đất lâm nghiệp, thuộc địa bàn ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hội.

Biết rõ vào cất nhà trong đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật, nhưng vợ chồng con cái anh Thạch Ri không có tiền mua đất cất lại nhà khác. Người đàn ông 39 tuổi này nói: “Tôi biết ở đây là sai, nhưng bây giờ kêu dời ra chỗ khác, gia đình tôi không biết đi đâu. Tôi chỉ xin Nhà nước hỗ trợ cho một mảnh đất ở”.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đạt hiện ở trên đất lâm nghiệp thuộc ấp Hoà Đông B, xã Hoà Hiệp cũng đang rơi vào cảnh tương tự. 10 năm trước, vợ chồng anh Đạt có nhà cửa đàng hoàng ở xã Tân Phong (huyện Tân Biên).

Hai vợ chồng anh sinh người con trai đầu lòng, không may bé bị dị tật, tay chân bị co rút, không đi đứng được, đến nay hơn 15 tuổi vẫn nằm một chỗ, nghi bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng anh lần lượt bán hết tài sản, đất đai, nhà cửa để lo thuốc thang chữa trị cho con.

Lâm vào cảnh khổ, năm 2006, vợ chồng anh bồng bế con vào rừng Hoà Hội, tìm mua một phần đất với giá rẻ, cất nhà ở tạm. Ngày ngày, anh đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con. 10 năm trôi qua, vợ chồng anh lần lượt có thêm hai mặt con nữa.

Hai đứa bé sau này may mắn hơn, sinh ra và lớn lên khoẻ mạnh bình thường, nhưng gánh nặng nhà nghèo đông con ngày càng oằn nặng đôi vai, nên đành chấp nhập trú trong căn nhà không ra nhà, chòi không ra chòi.

Nói về việc di dời ra khỏi đất lâm nghiệp, anh Đạt đồng ý với chủ trương của tỉnh, thậm chí anh còn mừng và mong sao sớm thực hiện Đề án này, vì “Căn nhà của tôi sắp sập, mà sửa nhà lại thì chính quyền địa phương và nhân viên bảo vệ rừng không cho”.

Nhưng, người đàn ông 45 tuổi này tha thiết xin chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ cho gia đình anh tiền cất nhà và cho một phần đất thổ cư khác. “Nếu buộc tôi ra khỏi nơi này thì vợ chồng con cái tôi biết đi đâu, về đâu?”- anh Đạt rớm nước mắt nói.

Xã Hoà Hiệp có số hộ dân sinh sống trong đất lâm nghiệp nhiều nhất so với các xã khác- đến 105 hộ. Trong đó, 16 hộ từ diện di dời không hỗ trợ phát sinh thành di dời cần hỗ trợ cả tiền lẫn đất thổ cư.

Trước vấn đề phát sinh này, ông Nguyễn Đắc Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Biên đề xuất: “16 hộ gia đình này thật sự quá khó khăn, không thể tự mình di dời được, tỉnh nên xem xét hỗ trợ đất thổ cư, nhưng không hỗ trợ tiền cất nhà để đỡ phát sinh chi phí”.

Phát sinh kế đến cũng là vấn đề nan giải. Theo quy hoạch, Cụm dân cư số 1, thuộc ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp (có diện tích 5,32 ha) được phân lô là 4m x 100m. Thấy cách phân lô này không phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế và không thẩm mỹ, nên chính quyền địa phương và Phòng NN&PTNT phân lại mỗi lô là 8m x 50m.

Tuy nhiên, khi “cắt” cụm dân cư này ra làm hai theo quy hoạch mới thì phát sinh đường giao thông ở giữa, từ đó làm tăng thêm diện tích đất và tăng thêm kinh phí làm đường giao thông ở giữa cụm dân cư.

Vợ chồng anh Đạt rất mong được sớm di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp vì căn nhà của anh sắp sập, mà sửa nhà lại thì không được phép.

Ở Cụm dân cư số 2 thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập cũng phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể như: do phát sinh thêm đường lô nên diện tích bố trí dân cư tăng 0,54 ha so với quy hoạch;

Từ đó kinh phí thu hồi đất thiếu 184 triệu đồng, kinh phí bồi thường hoa màu thiếu gần 50 triệu đồng, kinh phí bồi thường vật kiến trúc thiếu gần 3 triệu đồng; kinh phí xây dựng cơ sở hạng tầng thiếu 754 triệu đồng; đồng thời kinh phí hạ thế, xây dựng đường giao thông… cũng tăng thêm. Hơn nữa, kinh phí phân lô, cắm mốc ở 3 cụm dân cư còn thiếu 77 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có thêm một số trường hợp phát sinh nữa là đất lâm nghiệp thuộc các hộ dân sinh sống đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính đến nay, ở Tân Biên còn 5 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đất lâm nghiệp nhưng chưa có chủ trương xử lý cụ thể.

Ông Nguyễn Đắc Hùng cho biết thêm, trước tình hình phát sinh nhiều vấn đề như đã nêu trên, UBND huyện Tân Biên có 2 văn bản trình UBND tỉnh xin tăng cường vốn đầu tư và đề nghị bổ sung Đề án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp. Tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa bố trí vốn và bổ sung kinh phí.

Đại Dương - Đức An

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục