Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” là một trong 6 tiểu dự án thuộc “Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới đầu tư cho vay với tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Hiện Ban quản lý tiểu dự án thuộc tỉnh (Tây Ninh - PMU) đang hết sức khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để đến đầu tháng 8 năm nay có thể khởi công đồng loạt cả 5 khu tưới trên địa bàn tỉnh.
Dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” là một trong 6 tiểu dự án thuộc “Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư cho vay với tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Dự án đã được triển khai ở khu vực đầu mối hồ Dầu Tiếng- phần do Trung ương quản lý. Phần hệ thống kênh thuộc tỉnh Tây Ninh quản lý thì đến nay vẫn chưa triển khai. Tuy nhiên trong thời gian qua, Ban quản lý tiểu dự án thuộc tỉnh (Tây Ninh - PMU) đang hết sức khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để đến đầu tháng 8 năm nay có thể khởi công đồng loạt cả 5 khu tưới trên địa bàn tỉnh.
Kênk TN17, một trong 2 khu tưới mẫu sẽ được hiện đại hoá |
Theo Quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đầu tư thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” khu vực đầu mối do Trung ương quản lý là: thi công nâng cấp, sửa chữa các công trình đầu mối, bảo đảm an toàn hồ chứa; sửa chữa, nâng cấp 2 kênh chính Đông và Tây đảm bảo chuyển tải đủ lưu lượng thiết kế để tưới cho hơn 115.000 ha bao gồm 2 khu tưới hiện tại và mở rộng khi tiếp nước từ hồ Phước Hoà. Riêng hệ thống do tỉnh quản lý từ kênh cấp 1 trở xuống thì mục tiêu là gia cố và xây dựng bổ sung hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng đến mặt ruộng, kênh tiêu thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để đảm bảo tưới 57.300 ha …. Tổng mức đầu tư dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” được duyệt là gần 1.000 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án là 7 năm- từ 2004 đến năm 2010. Trong đó phần kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống từ kênh cấp 1 trở xuống do tỉnh quản lý được diều tiết bước đầu là 261 tỷ đồng.
Khi chuẩn bị triển khai dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Tây Ninh chọn hệ thống kênh N20 thuộc kênh chính Đông tưới cho huyện Trảng Bàng và hệ thống kênh TN17 thuộc kênh chính Tây tưới cho huyện Châu Thành làm hai khu tưới mẫu để thực hiện giai đoạn 1, sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai đại trà những khu tưới khác. Trong đó khu tưới mẫu N20 có diện tích tưới gần 4.000 ha, bao gồm 1 kênh cấp 1 và 58 tuyến kênh cấp 2,3 và khu tưới mẫu TN17 có diện tích tưới hơn 5.600 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 57 tuyến kênh cấp 2,3,4. Phần khảo sát thiết kế do Ban quản lý Trung ương chịu trách nhiệm, phần quản lý thi công do Tây Ninh- PMU chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do nhiều lý do tác động khiến cho dự án nâng cấp 2 khu tưới mẫu khởi công chậm đến gần 2 năm so với dự kiến.
Phó Giám đốc Tây Ninh- PMU, ông Nguyễn Hồng Phúc cho biết, trong năm 2008 tiến độ các bước chuẩn bị triển khai xây dựng các khu tưới mẫu đã được đẩy nhanh hơn. Đến nay, khu tưới mẫu thuộc hệ thống kênh N20 có 1 gói thầu đã ký hợp đồng thi công xây lắp, còn các gói thầu còn lại đã chấm thầu xong, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Tổng kinh phí đầu tư hiện đại hoá khu tưới mẫu N20 dự kiến là hơn 52 tỷ đồng. Ở khu tưới mẫu thuộc hệ thống kênh TN17 thì hầu hết các gói thầu đã mở thầu và chấm thầu xong đang trình Bộ phê duyệt. Tổng kinh phí đầu tư hiện đại hoá khu tưới mẫu TN 17 dự kiến lên đến hơn 117 tỷ đồng. Theo dự kiến của Tây Ninh- PMU thì khả năng đến đầu tháng 6 năm nay kết quả chấm thầu các gói thầu còn lại của 2 khu tưới mẫu sẽ được Bộ phê duyệt, có thể tiến hành ký hợp đồng thi công.
Gia cố bờ kênh |
Ngoài 2 khu tưới mẫu N20 và TN17, Tây Ninh- PMU cũng đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ kịp triển khai thi công thêm 3 khu tưới khác để sử dụng hết nguồn vốn phân bổ bước đầu là 261 tỷ đồng. Ba khu tưới được chọn triển khai cùng 2 khu tưới mẫu là các khu thuộc hệ thống kênh N14, TN1 và TN21. Trong đó khu tưới thuộc kênh N14 có diện tích tưới khoảng gần 2.000 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 12 tuyến kênh cấp 1,2; khu tưới thuộc kênh TN1 có diện tích tưới gần 3.000 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 24 tuyến kênh cấp 3 và khu tưới thuộc kênh TN21 có diện tích tưới hơn 1.800 ha, bao gồm 1 tuyến kênh cấp 1 và 16 tuyến kênh cấp 2. Hiện tại hồ sơ thiết kế các khu tưới này đã được lập hoàn chỉnh, hầu hết các gói thầu đã mở thầu và có kết quả chấm thầu, đang trình Bộ phê duyệt.
Như vậy đến nay Tây Ninh- PMU đã chuẩn bị gần như hoàn tất các bước để có thể khởi công hiện đại hoá đồng thời 2 khu tưới mẫu và 3 khu tưới khác. Thế nhưng Tây Ninh- PMU chọn phương án và thời điểm thi công như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp? Bởi vì khi thi công nâng cấp lòng kênh thì buộc phải cắt nước tưới cho đồng ruộng. Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, thời gian thi công các khu tưới dự kiến là 2 năm, bắt đầu năm 2009 và kết thúc năm 2010. Để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, Tây Ninh- PMU sẽ tập trung thực hiện 4 tháng trong mùa mưa- từ tháng 8 đến tháng 12 mỗi năm vì trong thời gian này đồng ruộng vẫn có nước mưa. Hơn nữa, năm 2009, Ban quản lý dự án thuộc khu đầu mối bắt đầu triển khai thi công nâng cấp 2 tuyến kênh chính Đông và Tây và cũng sẽ cắt nước trong 4 tháng mùa mưa. Do đó mà kế hoạch thi công hệ thống kênh ở các khu tưới thuộc Tây Ninh- PMU quản lý cũng đồng bộ với kế hoạch thi công ở 2 tuyến kênh chính do đầu mối quản lý. Như vậy, đầu tháng 8 năm nay Tây Ninh sẽ có 5 khu tưới được triển khai thi công toàn bộ- từ kênh cấp 1 đến các tuyến kênh nội đồng.
Hiện tại, ngoài việc đã hoàn tất hồ sơ hiện đại hoá 5 khu tưới đã nêu để chuẩn bị khởi công, Tây Ninh- PMU cũng đang khẩn trương chuẩn bị lập sẵn hồ sơ thiết kế cho thêm 12 khu tưới trọng điểm khác, chờ khi Trung ương có điều chỉnh thêm nguồn vốn là triển khai đấu thầu thi công kịp tiến độ.
Thông qua “Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư cho vay, 6 hệ thống thuỷ lợi lớn của Việt Nam sẽ được hiện đại hoá là hệ thống thuỷ lợi: Dầu Tiếng (Tây Ninh); Cầu Sơn - Cấm Sơn (Bắc Giang); Yên Lập (Quảng Ninh); Phú Ninh (Quảng Nam); Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) và Đá Bàn (Khánh Hoà). |
SƠN TRẦN