BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Luật an toàn thực phẩm: Phân cấp quản lý vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố cho địa phương

Cập nhật ngày: 13/11/2009 - 01:44

Dự án Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 62 điều, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội nêu rõ: An toàn thực phẩm là vấn đề liên quan đến nhiều điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội, sức khoẻ cộng đồng, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.Việc ban hành Dự án Luật An toàn thực phẩm là phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và nhằm tạo cơ chế pháp lý để nước ta và các nước trên thế giới thừa nhận hệ thống tiêu chuẩn của nhau, trong đó có những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều nguy cơ ngộ độc do không đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, theo UBKHCN&MT, Dự án Luật An toàn thực phẩm cần được sửa một số quy định cho phù hợp với luật pháp hiện hành, nhất là việc ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý những thông tin quảng cáo liên quan đến thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm nên điều chỉnh cả nguồn thực phẩm mà con người sản xuất ra và nguồn sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên. Cần làm rõ về nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra để tránh trùng lặp, chồng chéo. Ngoài ra, để quản lý hiệu quả, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSTP.

Dự án luật cũng đã dành hẳn một mục quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, sản xuất chế biến thủ công, quy mô gia đình nên các cơ sở chế biến thức ăn đường phố khá phổ biến, phần lớn chưa bảo đảm ATVSTP. Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động SX-KD thức ăn đường phố. Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP.

Loại hình kinh doanh thức ăn đường phố phụ thuộc và chịu tác động rất lớn của tập quán ăn uống và điều kiện kinh tế từng địa phương. Số cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố rất lớn trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Vì vậy, cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Bảo Thạch

(tổng hợp)