Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Luật Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới 

Cập nhật ngày: 05/10/2021 - 21:27

BTNO - Tình hình an ninh, trật tự nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, trật tự đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của cảnh sát cơ động.

Lực lượng Cảnh sát cơ động

Thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, lực lượng cảnh sát cơ động xung kích trong công tác phòng, chống dịch; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo vệ tuyệt đối an toàn tại các chốt kiểm soát dịch, các khu cách ly, tuần tra vũ trang bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nhiều địa phương đòi hỏi lực lượng cảnh sát cơ động phải tăng cường lực lượng, biện pháp, công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ban hành năm 2013, sau 7 năm tổ chức thực hiện và áp dụng do sự phát triển của các mối quan hệ xã hội cũng như tình hình về an ninh, trật tự thay đổi nên nhiều quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập so với thực tiễn cho nên việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh năm 2013 là yêu cầu cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ bảo đảm hoạt động cho cảnh sát cơ động trong tình hình mới. Trong các quy định bổ sung, đề án Luật Cảnh sát cơ động có những thay đổi quan trọng về vị trí, chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn; các điều kiện bảo đảm hoạt động của cảnh sát cơ động đó là:

Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt

Theo Luật Cảnh sát cơ động thì cảnh sát cơ động thuộc công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Luật đã bổ sung, hoàn thiện vị trí, chức năng so với Pháp lệnh. Quy định cảnh sát cơ động là lực lượng “chuyên trách” phải được xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại so với các lực lượng khác của công an. Lực lượng Cảnh sát cơ động lâu nay là lực lượng phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác trong việc đấu tranh các chuyên án hoặc là thực hiện một số nhiệm vụ về bảo đảm an ninh, trật tự.

Vì vậy bổ sung quy định là lực lượng chuyên trách sau khi ban hành luật sẽ trang bị cho lực lượng này thêm một số quy định về quyền năng, tức là quyền hạn, nhiệm vụ trong quá trình phối hợp thực hiện; giao cho cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong vấn đề an ninh, trật tự.

Tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà cảnh sát cơ động đang thực hiện.

Dự án Luật Cảnh sát cơ động bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động.

Đồng thời bổ sung thêm quyền hạn được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan.

Là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự và sự bình yên của Nhân dân, cho nên khi thực thi nhiệm vụ không thể tránh được việc có thể đụng chạm tới các quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Nếu được quy định đầy đủ những quy phạm pháp luật ở tầm văn bản luật thì sẽ giúp cho lực lượng Cảnh sát cơ động có thể sử dụng các quy định của luật đó để thực thi pháp luật đúng luật nhất, vừa đảm bảo được vấn đề bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân nhưng vẫn có thể trấn áp được những hành vi vi phạm pháp luật mà không vi phạm đến các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.

Cảnh sát cơ động được ưu tiên bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách

Nếu Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 chỉ quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật cho cảnh sát cơ động hoạt động, lần này Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc “ưu tiên” nhằm bảo đảm một số điều kiện hoạt động và chế độ chính sách.

Theo đó Nhà nước ưu tiên bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở công trình cho hoạt động của cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật; Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của cảnh sát cơ động; cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động khi phục vụ tại ngũ được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động.

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 có 5 chương và 24 điều còn Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương 32 điều. Nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, kế thừa các quy định của Pháp lệnh và bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động. 

Dự án Luật Cảnh sát cơ động hiện nay đang được lấy ý kiến trên phạm vi cả nước. Dự kiến tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Luật Cảnh sát cơ động sẽ được xem xét cho ý kiến. Hiện nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đang lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Cảnh sát cơ động đối với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Công an, Sở tư pháp, Trường Chính trị và công an các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mong rằng các cơ quan, đơn vị của tỉnh sẽ có những đóng góp, phản ánh thiết thực và phù hợp với những bổ sung mới hoặc phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp hoàn thiện những quy định để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có thêm những thông tin của địa phương đóng góp ý kiến vào dự án Luật hoặc chất vấn những vấn đề khó khăn tại kỳ họp Quốc hội.

Luật gia MAI TUẤN KIỆT