BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án thuỷ lợi Phước Hoà: Vùng trồng cây cao su có cần kênh tưới?

Cập nhật ngày: 21/06/2010 - 05:24

Diện tích tưới giảm do đất trồng cao su tăng

Theo báo cáo thẩm định hồ sơ xin phê duyệt điều chỉnh dự án thuỷ lợi Phước Hoà (số 1556) ngày 4.9.2008 của Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), dự án thuỷ lợi này được phê duyệt từ năm 2002, 2003 nhưng đến năm 2006 mới “khởi động” do việc huy động tư vấn thực hiện dự án chậm. Sau khi dự án được triển khai thì các địa phương như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đều gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT chuyển đổi mục tiêu sử dụng nước tưới theo hướng giảm tưới cho nông nghiệp, tăng cấp nước cho công nghiệp và dân sinh. Nguyên nhân là do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng nhanh, diện tích đất nông nghiệp có nhu cầu tưới giảm (trong đó có nhiều diện tích cây cao su không có nhu cầu tưới). Vì vậy, Cục Quản lý xây dựng công trình đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh dự án thuỷ lợi Phước Hoà cho phù hợp với thực tế.

Người dân cho rằng việc mở kênh tưới sẽ làm đất của họ bị manh mún, họ gặp khó khăn trong khai thác, vận chuyển mủ.

Ngày 17.9.2008, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 2851/QĐ-BNN-XD, phê duyệt điều chỉnh dự án thuỷ lợi Phước Hoà theo đề nghị của Cục Quản lý xây dựng công trình. Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án thuỷ lợi này nhằm lấy nước từ Sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.HCM sử dụng vào các mục đích dân sinh, kinh tế và cải thiện môi trường.

Dự án này sẽ xây dựng kênh chính và các kênh cấp 1, 2, 3 để phục vụ các vùng tưới Tân Biên (Tây Ninh), Đức Hoà (Long An); tưới cho 29.980 ha đất nông nghiệp mới mở (trong đó vùng tưới Tân Biên là 11.520 ha); cấp nước cho nhu cầu tưới của Bình Dương 1.950 ha và 7.064 ha khu tưới mở rộng (dự kiến) của Tây Ninh; cấp hỗ trợ để tưới cho 21.000 ha thiếu nước của vùng tưới hồ Dầu Tiếng cũ; xả hạ du sông Bé, sông Sài Gòn góp phần đẩy mặn; hỗ trợ tạo nguồn tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông, đồng thời góp phần cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du 2 con sông này.

Theo dự án, kênh chính Tân Biên khởi điểm từ cống lấy nước K36+200 kênh chính Tây, lấy nước cấp trả lại cho 615 ha diện tích thuộc kênh TN10 cũ (thuộc huyện Châu Thành), sau đó đưa nước qua cầu máng suối Bến Đá tưới cho 11.520 ha của vùng tưới mới thuộc huyện Tân Biên. Kênh chính Tân Biên dài 23km, có mặt cắt hình thang, được gia cố bằng tấm bê tông cốt thép (M200), có lưu lượng thiết kế 13,5m3/giây. Kênh chính Tân Biên có tổng cộng 88 công trình suốt toàn tuyến gồm: 31 cống lấy nước, 6 cống điều tiết, 1 cầu máng, 2 cống xả, 16 cống tiêu, 2 đập tràn và 29 cầu giao thông. Vùng tưới Tân Biên gồm 31 kênh cấp 1, lấy nước từ các cống trên kênh chính Tân Biên và hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 tưới cho 11.520 ha, trong đó tưới tự chảy 8.140 ha, tưới bơm 3.380 ha.

Dự án thuỷ lợi Phước Hoà có tổng mức đầu tư gần 350 triệu USD, bao gồm vốn vay ADB (157,4 triệu USD), AFD (66,4 triệu USD), vốn Chính phủ đối ứng (124,49 triệu USD). Bộ NN&PTNT uỷ quyền cho UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An quyết định đầu tư và quyết toán toàn bộ hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trong phạm vi mỗi tỉnh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia dự án hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Võ Văn Hùng-Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng (thuộc Sở NN&PTNT Tây Ninh) cho biết: Đối với công trình kênh chính Tân Biên, đến nay, tỉnh đã bàn giao xong mặt bằng và đã khởi công từ ngày 5.1.2009. Hiện các đơn vị, địa phương có liên quan đang hoàn chỉnh thủ tục bồi thường, tái định cư, bổ sung một số vị trí công trình trên kênh chính và bãi vật liệu để thi công kênh chính. Đối với vùng tưới Tân Biên, tỉnh đang triển khai gói thầu dịch vụ tư vấn chương trình hỗ trợ xã hội và phát triển nội đồng. Đơn vị tư vấn gói thầu khảo sát-thiết kế đã hoàn chỉnh số liệu diện tích-cơ cấu cây trồng và đang tính toán tổng mức đầu tư. Dự kiến đến cuối tháng 6 này, kế hoạch tái định cư vùng tưới Tân Biên sẽ được hoàn chỉnh.

Chưa thống nhất chủ trương

Tại xã Thạnh Tây (thuộc vùng tưới Tân Biên), khi đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, khảo sát, cắm mốc… trong vườn cao su, nhiều  người dân đã tỏ thái độ phản ứng, không đồng tình với việc mở kênh tưới trong khu vực trồng cao su. Có khoảng gần 30 hộ dân ở đây đã gửi đơn kiến nghị “dừng việc mở kênh tưới cao su”.

Ông Phạm Văn Kỷ-chủ một vườn cao su cho biết: Trước khi chúng tôi phát hiện việc đo đạc, khảo sát thiết kế kênh trong vùng trồng cao su, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào của chính quyền địa phương hay ngành chức năng về dự án thuỷ lợi Phước Hoà mở kênh tưới Tân Biên. Chúng tôi phản ánh thì được mời họp tại UBND xã Thạnh Tây 2 lần, nhưng chúng tôi vẫn không được giải thích đầy đủ những thắc mắc về dự án này như: tuyến kênh dài, rộng ra sao; đi từ đâu tới đâu; tưới cho những khu vực nào; việc đền bù giải toả ra sao; người dân được lợi gì từ dự án này; sao trước khi đo đạc, khảo sát không thông báo cho dân biết, không lấy ý kiến đóng góp của dân…?

Một toạ độ đã được đơn vị khảo sát mở kênh tưới chọn giữa vườn cao su.

Ông Nguyễn Văn Nam (cũng là chủ vườn cao su) cho biết dự án khu tưới Tân Biên đã được khảo sát từ khoảng 10 năm trước. “Khi ấy khu vực này còn trồng mía mì rất nhiều. Do đó, việc khảo sát mở kênh tưới cho vùng này thời điểm ấy là phù hợp. Tuy nhiên, sau 10 năm, hơn 90% diện tích đất khu vực này (ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây) đã được chuyển sang trồng cao su. Mà cây cao su không cần tưới. Việc mở kênh ở nơi không cần thiết sẽ gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, về tiền của. Hơn nữa, việc mở nhiều tuyến kênh cấp 1, 2 ,3 ngang dọc trong đất cao su sẽ gây khó khăn cho việc chăm sóc, khai thác và vận chuyển mủ, phân bón…”.

Nhiều hộ dân khác cũng có chung ý kiến như hộ ông Kỷ, ông Nam. Họ cho rằng nếu như 10 năm trước, tuyến kênh tưới được triển khai ở đây sẽ được người dân hoan nghênh. Nhưng giờ thì cây cao su không có nhu cầu tưới nên Nhà nước cần phải xem xét, nghiên cứu lại. Cách đây hơn 20 năm, nhiều tuyến kênh trong hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã được đầu tư xây lắp tốn nhiều tiền của, đất đai nhưng rồi sau đó “bỏ không” cho đến nay. Điều này cần tránh bị lặp lại.

Trao đổi với phóng viên về những phản ánh của người dân, ông Phạm Văn Yên-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đúng như người dân phản ánh, việc khảo sát dự án này đã được thực hiện từ khoảng 10 năm trước, thời điểm có rất ít diện tích trồng cao su so với bây giờ. Hiện nay Tây Ninh chỉ mới tiến hành khảo sát thiết kế thực địa các tuyến kênh tưới theo dự kiến chứ chưa tiến hành đền bù, giải toả mặt bằng để mở kênh. Tuy nhiên, việc mở các tuyến kênh tưới đi qua những vùng đất trồng cao su ở vùng tưới Tân Biên sẽ được tỉnh cân nhắc, dựa trên “cái nhìn toàn cục”.

 Ông Võ Văn Hùng-Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng thuộc Sở NN&PTNT Tây Ninh cũng cho biết là hiện nay, qua khảo sát, một số đơn vị có liên quan đến dự án cũng đã tính đến việc “tránh” mở các tuyến kênh đi qua vùng trồng cao su. Có quan điểm cho rằng nếu được sự đồng thuận của người dân ở vùng trồng cao su thì sẽ mở kênh, ngược lại thì không mở.

Tuy nhiên, một vị Phó Giám đốc BQLDA thì khăng khăng: “Cần thiết phải mở tuyến kênh này. Tôi đã đi coi kỹ hết rồi, công trình cần phải làm… Đã có nơi tưới cao su, hiệu quả tăng lên thấy rõ!”.

BẢO TÂM

 

 


 
Liên kết hữu ích