BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Trung tâm thương mại- dịch vụ Chợ đầu mối Bàu Năng: Vướng mắc khâu đền bù giải phóng mặt bằng

Cập nhật ngày: 08/09/2012 - 04:52

(BTN)- Ngày 20.8.2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ- chợ đầu mối (TTTM-DV-CĐM) Bàu Năng do Công ty CP S.A.E làm chủ đầu tư, đồng thời đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Gần cuối tháng 8.2012, UBND huyện Dương Minh Châu cùng một số cơ quan chức năng huyện tiếp tục làm việc với đơn vụ chủ đầu tư để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc và thống nhất giải pháp tháo gỡ. Qua đó cho thấy sau gần 2 năm được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư, dự án vẫn chưa thực hiện xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Chợ đầu mối cầu K13 thuộc địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu là một trong những dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước đây ở Tây Ninh nhằm xây dựng chợ tập kết hàng nông sản và điểm dừng nghỉ, dịch vụ phục vụ khách du lịch đến tham quan Tây Ninh. Năm 2010, Công ty Cổ phần Saigon Architecture Engineering (gọi tắt là S.A.E) chuyên tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng ở TP.Hồ Chí Minh đến khảo sát và lập dự án xin chủ trương đầu tư. Giữa tháng 9.2010, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho Công ty CP S.A.E đầu tư xây dựng TTTM-DV-CĐM Bàu Năng. Theo dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ- chợ đầu mối (TTTM-DV-CĐM) Bàu Năng do Công ty CP S.A.E lập thì khu vực triển khai dự án nằm cặp đường 781 và bờ kênh chính Tây, trên diện tích rộng 3,5 ha, nằm ngay phía sau khu chợ tạm hiện nay. Trên diện tích đó sẽ xây dựng 3 khu chính là: nhà lồng chợ, khu thương mại- dịch vụ, khu nhà phố và biệt thự song lập. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án khái toán khoảng hơn 80 tỷ đồng. Theo lộ trình của Công ty CP S.A.E thì thời gian thực hiện dự án là 3 năm- kể từ khi có quyết định giao đất. Công tác đền bù được Công ty triển khai trước tiên.

Tập kết hàng nông sản ở chợ đầu mới K13

Theo cơ quan chức năng thì ngay từ khi triển khai dự án Công ty CP S.A.E đề xuất và được chấp thuận cho tự thoả thuận với các hộ dân trong khu vực dự án để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng chứ không lập phương án đền bù có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công việc đền bù thực hiện theo hình thức này thực tế không dễ và ngày càng phát sinh vướng mắc. Theo báo cáo của Công ty CP S.A.E với UBND huyện Dương Minh Châu, đến gần cuối tháng 8.2012- nghĩa là sau gần 2 năm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty đã thoả thuận xong 80% diện tích đất và đã thu hồi hơn 3 ha- trong đó có cả đất liền kề nằm ngoài dự án. Đến nay vẫn còn một số diện tích cặp đường 781 chưa thoả thuận được do giá người dân đưa ra quá cao. Cụ thể hiện có 4 hộ có đất mặt tiền trong dự án với tổng số 3.250m2 kêu giá đền bù đến 1.650.000 đồng/m2. Còn một hộ khác có diện tích hơn 7.800m2 thì không nhất quán trong thoả thuận. Theo chủ đầu tư thì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho dự án đầu tư nay chưa triển khai được.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Bàu Năng thì con số diện tích đã đền bù có khác. Cụ thể là tổng số diện tích đất mà Công ty CP S.A.E đã thực hiện đền bù và thu hồi xong là hơn 3,5 ha, nhưng trong đó thực chất có chưa đến 1,7 ha là đất nằm trong dự án, còn lại là đất nằm ngoài dự án. Do vậy, số tiền đã đền bù cho những hộ dân có đất nằm trong dự án đến nay thực chất chỉ mới thực hiện được khoảng hơn 1,2 tỷ đồng- đạt chưa đến 20% tổng số tiền dự kiến phải đền bù. Phần diện tích chưa đền bù còn lại- tuy chưa đến 2 ha nhưng hầu hết là đất “mặt tiền” nên giá trị đền bù cao hơn gấp nhiều lần so với phần đã thực hiện đền bù. Chính vì thế, Công ty CP S.A.E thoả thuận đền bù luôn một số diện tích liền kế ngoài dự án do giá thấp hơn và đầu tháng 2 năm 2012 Công ty có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tăng quỹ đất- từ 3,5 ha lên gần 5,7 ha để sử dụng luôn phần đất đã đền bù nằm ngoài dự án. Sau khi tham khảo các ngành chức năng liên quan và UBND huyện Dương Minh Châu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất không đồng ý tăng thêm diện tích của Dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng vì trong diện tích 3,5 ha được quy hoạch theo chủ trương cho phép đầu tư, nhà đầu tư chưa thoả thuận đền bù giải toả xong. Chỉ khi nào diện tích được giao đã triển khai hết và dự án hoạt động có hiệu quả thì mới xem xét đến việc tăng diện tích.

Sau khi không được tỉnh chấp thuận cho tăng diện tích dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng, Công ty CP S.A.E gửi văn bản đề nghị hỗ trợ xử lý phần đất còn lại nằm trong dự án chưa thực hiện đền bù. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn tất việc đền bù triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh giao cho UBND huyện Dương Minh Châu tiến hành lập phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư đối với phần diện tích còn lại của dự án mà Công ty CP S.A.E chưa thoả thuận đền bù để tiếp tục chi trả, thu hồi đất. Đồng thời Sở đề nghị Công ty CP S.A.E phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu thực hiện việc đầu bù theo quy định và nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để triển khai thực hiện dự án.

Gần cuối tháng 8.2012, UBND huyện Dương Minh Châu tổ chức cuộc họp với Công ty CP S.A.E có sự tham dự của một số phòng chức năng để nghe Công ty báo cáo tiến độ triển khai dự án, trình bày những khó khăn vướng mắc, đồng thời thống nhất giải pháp xử lý. Riêng về việc lập phương án đền bù phần diện tích còn lại theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đang triển khai. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng của huyện đang gặp khó khăn vì chưa biết chính xác phần diện tích đã đền bù và chưa đền bù thuộc dự án là bao nhiêu. Bởi vì trong các báo cáo của Công ty S.A.E, của UBND xã Bàu Năng và của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì những con số này không khớp nhau. Hiện tại, UBND huyện Dương Minh Châu đang rà soát lại để có con số chính xác, sau đó mới triển khai lập phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư.

Có ý kiến cho rằng khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng trước tiên là do nhà đầu tư chọn phương thức tự thoả thuận với các hộ dân mà không qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Do đó mà qua gần 2 năm sau khi được tình đồng ý chủ trương đầu tư, khu chợ đầu mối hàng nông sản cầu K13 vẫn còn “nhếch nhác” như xưa. Không chỉ bà con bán buôn trong khu chợ đầu mối này mà còn rất nhiều người quan tâm khác mong muốn dự án sớm triển khai, bởi lẽ đây không chỉ là chợ mà còn là một phần bộ mặt của Tây Ninh qua mắt khách du lịch hằng ngày đi qua khu vực này.

Sơn Trần