BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự báo các điểm nóng thế giới năm 2023 

Cập nhật ngày: 23/01/2023 - 09:53

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung, vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, Iran… đều là những điểm nóng cần chú ý.

heo một nhóm các nhà phân tích tại Hội đồng Tình báo quốc gia thuộc Cộng đồng Tình báo Mỹ, việc dự báo về các nguy cơ an ninh hàng đầu thế giới rất khó khăn do có nhiều nguy cơ đan xen nhau. Trong bối cảnh này, xuất hiện các đa khủng hoảng - bản chất hòa quyện vào nhau của các khủng hoảng.

Đa khủng hoảng từ xung đột Ukraine

Trong năm 2023, xung đột Nga - Ukraine nhiều khả năng sẽ leo thang và kéo dài khi Nga không chấp nhận thất bại còn Mỹ và phương Tây (thông qua Ukraine) muốn làm suy yếu Nga. Với khoảng cách lập trường quá lớn và khó có thể đạt được thỏa thuận hòa bình sớm, có thể thấy kết thúc của cuộc xung đột này vẫn là điều khó đoán.

Dự báo các điểm nóng thế giới năm 2023 - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine trong một hoạt động huấn luyện. Ảnh: Bloomberg via Getty Images.

Tuy nhiên, dù tiến triển theo hướng nào thì tác động của nó cũng rất sâu rộng. Và vòng lặp đa khủng hoảng từ cuộc xung đột này (bao gồm bất ổn năng lượng và lương thực, lạm phát, kinh tế suy thoái) có thể đang tạo ra "nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine".

Về chính trị - an ninh, sau khi xung đột nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) dù cố gắng theo đuổi lập trường tự chủ về quốc phòng, thương mại, năng lượng nhưng đang xích lại hơn với Mỹ để trừng phạt Nga và khối quân sự NATO tìm cách kết nạp thêm thành viên.

Về phía Nga, họ đang thúc đẩy quan hệ song phương với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Trên quy mô toàn cầu, diễn biến cuộc xung đột cũng đang tác động đáng kể đến giá năng lượng, khiến lạm phát và lãi suất tăng cao, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung

Tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ còn gay gắt hơn và chưa có dấu hiệu dịu đi trong năm tới.

Dự báo các điểm nóng thế giới năm 2023 - Ảnh 2.

Quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trên nhiều khía cạnh. Ảnh: Reuters.

Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua cho thấy Bắc Kinh vẫn hướng đến mục tiêu thay thế Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới vào năm 2049. Trung Quốc sẽ thúc đẩy mọi biện pháp để phát triển lực lượng quân đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới ngang bằng với Mỹ và xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Dù vậy, họ cũng nhận thức được những rủi ro từ chưa có vị thế mạnh như Mỹ, môi trường quốc tế khó đoán định cũng như các vấn đề kinh tế khó khăn trong nước.

Trung Quốc cũng nhìn nhận Đài Loan là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Báo cáo Đại hội 20 cho biết Trung Quốc sẽ "nỗ lực thống nhất hòa bình với thiện chí cao nhất, nhưng sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực". Thời gian tới, Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện quân sự và bán quân sự gần Đài Loan, gây sức ép kinh tế mạnh hơn và mở rộng việc sử dụng các biện pháp pháp lý.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đang thể hiện quyết tâm bảo vệ vị trí siêu cường số một thế giới. Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố của Mỹ cho thấy hai đối thủ chính của Mỹ trên thế giới là Trung Quốc và Nga, nhưng Trung Quốc ở vị trí cao hơn.

Mỹ đang có nhiều động thái cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, bao gồm thúc đẩy các sáng kiến đa phương như Bộ tứ (Quad - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) hay liên minh AUKUS (Mỹ, Anh và Australia).

Về vấn đề Đài Loan, Mỹ coi đây là tâm điểm cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ công nhận "một nước Trung Quốc" nhưng vẫn tập trung giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời hợp tác với các đồng minh để tăng cường khả năng răn đe hải quân trong khu vực.

Hiện tại, căng thẳng hai nước cũng đang được mở rộng trong các vấn đề thương mại, trí tuệ nhân tạo, chip máy tính, chất bán dẫn… - những mảng cốt lõi trong hoạt động kinh tế thời kỳ mới.

Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã áp đặt, thực hiện các biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với vi mạch cao cấp và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc nhằm ngăn chặn tiến bộ công nghệ và quân sự của nước này.

Mặc dù đang cạnh tranh với nhau gay gắt nhưng các nước lớn vẫn tránh đối đầu trực tiếp. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế khiến Mỹ và Trung Quốc vẫn cố gắng quản lý vấn đề Đài Loan. Hơn nữa, các nước lớn cũng lo ngại xung đột trực tiếp có thể dẫn tới cuộc chiến tranh hạt nhân không thể kiểm soát.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên

Trong năm 2022, Bình Nhưỡng đã thực hiện 86 vụ thử tên lửa đạn đạo và hàng loạt vụ thử tên lửa hành trình, tên lửa chiến thuật, tên lửa tầm xa, tên lửa liên lục địa. Và theo cảnh báo của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

RTS12FN1.jpg.jpg

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đều dấy lên lo ngại. Ảnh: Reuters.

Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov tháng 12/2022 đã nhận định tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể bước vào giai đoạn đối đầu vào năm 2023.

Chuyên gia này nói: "Tôi sợ là có (nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp). Tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào tình hình địa chính trị chung. Tình hình càng căng thẳng, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ càng gay gắt thì hành vi của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ càng chủ động và quyết đoán hơn. Rất có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến các vụ thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên trong trường hợp như vậy và thậm chí không thể loại trừ các vụ thử hạt nhân (trong năm tới)."

Ông Andrey Kortunov giải thích thêm: "Đây không phải là xu hướng dẫn đến bờ vực chiến tranh song chúng tôi thấy có những căng thẳng rất nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Đã có các vụ thử tên lửa, mặt khác chúng tôi thấy Hàn Quốc đang hướng về Mỹ và các cuộc tập trận chung đã diễn ra. Điều này nhiều khả năng sẽ gây tác động xấu đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, vì nó dẫn đến việc củng cố xu hướng lưỡng cực cứng nhắc."

Xung đột với Iran

Theo Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ, đây cũng là một đa khủng hoảng. Bản thân Iran đang ở gần điểm bùng nổ do các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng và các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây có nguy cơ sụp đổ.

Mỹ và Iran cũng đứng trước nguy cơ đụng độ trực diện. Iran đang đẩy nhanh sản xuất urani làm giàu cấp độ cao. Iran đã làm giàu urani đến độ tinh khiết 60%, trong khi mức độ tinh khiết 90% là cần thiết để chế tạo bom hạt nhân. Ngoài ra họ dự kiến sẽ sớm có đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên tên đạn đạo để phóng đi xa. Thêm vào đó, việc Iran cung cấp UAV và tên lửa cho Nga càng làm gia tăng thêm thế đối đầu với Mỹ.

Một nguy cơ nữa là khả năng đối đầu quân sự Israel – Iran, điều có thể lôi kéo Iraq, Syria và Nga vào cuộc xung đột này.

Các thách thức khác

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các nước lớn sẽ tăng cường lôi kéo các nước khác vào các tập hợp lực lượng riêng của mình. Điều này không chỉ tạo nên áp lực "chọn bên" đối với các nước vừa và nhỏ, mà còn làm phân hóa và suy yếu các thể chế đa phương.

Hơn nữa, khi cạnh tranh mà không thể xung đột trực tiếp với nhau, các nước lớn sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình bằng cách tăng cường can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, nhất là những nơi có bất ổn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ.

Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống có xu hướng trầm trọng hơn. Do yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là để vượt qua khủng hoảng bởi tác động của đại dịch Covid-19, các nước đẩy nhanh tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường và gia tăng thách thức đối với phát triển bền vững.

Nguy cơ đại dịch năm 2023 cũng đang hiện hữu do sự biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, chăn nuôi thâm canh, đô thị hóa, di cư và du lịch… khiến các loại dịch bệnh trở nên phổ biến. Năm 2023 còn là thời điểm mà các vấn đề khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng sẽ thực sự trở nên nghiêm trọng hơn.

Rất ít khi thế giới phải cùng một lúc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và nguy cơ như hiện nay.

Nguồn toquoc.vn