Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự báo thế giới 2019: Giới chuyên gia đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn
Thứ năm: 20:20 ngày 27/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ đã nêu lên 30 điểm căng thẳng trên thế giới có nguy cơ cao dẫn đến xung đột nghiêm trọng trong năm 2019.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhà phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik, dự báo trên dựa theo thăm dò ý kiến của 500 chính trị gia, chuyên gia và các nhà khoa học.

Theo các nhà phân tích, với lập trường cứng rắn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đang đe dọa sử dụng vũ lực tại khu vực Donetsk và Lugansk, chiến tranh ở khu vực này là thật sự khó tránh.

Bán đảo Triều Tiên trong năm 2018 đã ghi nhận bước chuyển biến tích cực với việc Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Hàn Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên đang rơi vào bế tắc do hai bên còn nhiều khác biệt liên quan đến quy mô phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và việc chính thức tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đó, tình hình tại Syria ghi nhận nhiều diễn biến trong những tháng cuối năm 2018 với việc Mỹ tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ binh lính (khoảng 2.000 binh sỹ) khỏi quốc gia Trung Đông này, mở ra cục diện mới trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua tại Syria.

Xung đột dữ dội vẫn tiếp diễn tại Yemen bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó tại cuộc hòa đàm diễn ra ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, trang mạng cfr.org cũng đưa ra những dự báo của mình về các điểm nóng địa chính trị năm tới, trong đó nhấn mạnh tới Syria, Iran và một số điểm nóng âm ỉ khác. 

Một số chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng cuộc chiến tại Syria đang dần khép lại và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành chiến thắng, song vẫn còn nhiều lý do để người ta phải lo ngại về xung đột này trong năm tới.

Thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib, nơi vài nghìn tay súng al-Qaeda và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị dồn vào đường cùng và 2 triệu dân thường đang sinh sống, hoàn toàn có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.

Nhiều thông tin gần đây cho biết đã xảy ra giao tranh tại Idlib giữa quân đội chính quyền và các lực lượng cực đoan mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa đi khỏi khu vực theo thỏa thuận Sochi hồi tháng Chín vừa qua.

Cũng có thông tin cho rằng Tổng thống al-Assad đang điều động một số đơn vị chiến đấu từ miền Nam Syria tới Idlib.

Các bên tham gia thỏa thuận Sochi đều muốn chính quyền thiết lập kiểm soát tại Idlib thông qua một giải pháp được đàm phán, song khó có khả năng các lực lượng cực đoan sẵn sàng từ bỏ vũ khí, hoặc Tổng thống al-Assad sẽ để cho tình hình kéo dài thêm, đồng nghĩa với việc rất có thể chính quyền sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm giành lại vùng lãnh thổ này trong vài tháng tới. Chiến sự nổ ra sẽ kéo theo bài toán nhân đạo.

Liên hợp quốc từng cảnh báo xung đột tại Idlib có thể buộc khoảng một triệu người dân Syria phải trốn chạy về phía Bắc, hướng tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một kịch bản mà Ankara chắc chắn sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn.

Hơn thế nữa, nếu cuộc chiến không diễn ra như trông đợi, Damascus rất có thể sẽ tìm cách sử dụng vũ khí hóa học và Mỹ cùng phương Tây sẽ đứng trước áp lực phải có các đòn đáp trả quân sự mạnh mẽ.

Ngoài Idlib, tại Syria còn có rất nhiều nguy cơ có thể nảy sinh, như chiến dịch không kích của Israel nhằm vào các hạ tầng của Iran tại Syria và đòn phản công của Iran; Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của người Kurd tại các khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, nhất là lân cận Mabij.

Kế hoạch rút quân khỏi Syria của Mỹ nhiều khả năng sẽ càng củng cố quyết tâm triển khai quân tại phía Đông sông Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ và cùng với đó, gia tăng nguy cơ đụng độ giữa lực lượng này với người Kurd trong vài tháng tới.

Sự ra đi đột ngột của Mỹ cũng có thể sẽ “khích lệ” các phần tử IS tại phía Đông tái tập hợp và làm phức tạp hơn các nỗ lực bảo đảm biên giới chung với Syria của Baghdad.

Với Iran, các chuyên gia cho rằng Tehran đang đối mặt với những thách thức, cả trong và ngoài nước, căng thẳng nhất suốt một thập kỷ trở lại đây, làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định trong nội bộ và nguy cơ nảy sinh xung đột bất ngờ.

Các đòn trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt với Iran đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán rằng trong năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ này sẽ sụt giảm 1,5% và năm tới khoảng 3,5%.

Trước khi có các quyết định của Mỹ, IMF từng lạc quan dự báo nền kinh tế Irantrong năm 2018 và năm 2019 sẽ tăng trưởng 4%/năm.

Các tin tức kinh tế này càng gia tăng sự bất bình của người dân, vốn đã rất thất vọng với vấn nạn tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Đó là những yếu tố báo hiệu một năm mới không bằng phẳng đối với chế độ Tehran.

Trên mặt trận chính sách đối ngoại, Iran khó có thể tiếp tục chấp nhận khi ngành xuất khẩu dầu mỏ của mình bị bóp nghẹt, vì vậy nhiều khả năng quốc gia này sẽ có những phản ứng, chẳng hạn như tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo (như hồi đầu tháng 12 vừa qua), tăng cường các hoạt động hải quân tại Vịnh Persia....



Tàu chở dầu của Iran cập cảng ở cơ sở khai thác dầu trên Đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh Persia tháng 3-2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tehran cũng có thể sẽ tăng cường hậu thuẫn âm thầm cho các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen và nhiều nhóm Shiite tại Iraq.

Hầu hết các chuyên gia về Iran đều tin rằng Tehran sẽ tìm cách tránh xung đột quân sự với Mỹ và các đồng minh khu vực, song áp lực về kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng trong những tháng tới rất có thể sẽ dẫn đến những tính toán sai lầm hoặc một cuộc đối đầu quân sự có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ngoài ra, còn nhiều quốc gia đang đứng trước tình trạng bấp bênh và nguy cơ khủng hoảng có thể nổ ra bất cứ lúc nào trong năm tới. Trong số này, trước hết phải kể đến Libya, nơi bế tắc chính trị và xung đột giữa các nhóm phiến quân đối địch tại Tripoli suốt những tháng qua càng cho thấy bối cảnh an ninh nghiêm trọng của quốc gia này.

Cuộc tấn công của IS vào Ủy ban Dầu mỏ quốc gia tháng Chín vừa qua cũng như nhằm vào ủy ban bầu cử tại Tripoli hồi tháng Năm cho thấy nguy cơ trỗi dậy của nhóm khủng bố này trong khu vực, với sự hiện diện mạnh mẽ nhất ở phía Nam và miền Trung Libya.

Tại Venezuela, nền kinh tế đã suy thoái tới mức báo động chưa từng có. IMF cho rằng GDP của Venezuela trong năm 2018 sẽ tiếp tục giảm 18%, năm thứ ba liên tiếp sụt giảm ở mức hai con số. Điều này dẫn đến hệ thống chăm sóc y tế bị xuống cấp, dịch bệnh tràn lan, tỷ lệ tội phạm gia tăng, hạ tầng cơ sở xuống cấp trầm trọng và làn sóng người Venezuela di cư cực kỳ lớn.

Những diễn biến chính trị nội bộ tại Saudi Arabia trong năm tới cũng là điều mà dư luận cần quan tâm.

Hàng loạt sự kiện đã xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực cải cách của Riyadh và tiềm năng cầm quyền lâu dài của Thái tử Mohammed Bin Salman. Điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Saudi Arabia cũng đang phải vật lộn với đà suy thoái của năm 2017, khi đầu tư từ nước ngoài giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

Vì vậy sự ổn định của chế độ Saudi Arabia tiếp tục là một vấn đề quan trọng cần theo sát trong năm sắp tới.

Những thách thức địa chính trị kể trên diễn ra song song cùng bối cảnh bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ, Pháp, Anh tới Đức; một nền kinh tế toàn cầu đang chững lại; trong khi các thể chế quốc tế, kể cả Liên hợp quốc đối mặt với những chỉ trích của công luận về hiệu quả trong hoạt động.

Chủ nghĩa đơn phương và coi thường các hành động tập thể cũng đang ươm mầm tại nhiều nước phương Tây.

Xu thế này, cùng các thách thức tài chính ngày càng lớn đối với quân đội Mỹ và phương Tây, những lực lượng sa lầy trong các cuộc chiến kéo dài, có thể sẽ cản trở hơn nữa những nỗ lực chống lại các mối đe dọa chung.

Nguồn TTXVN/VIETNAM+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục