Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Dù kê - “Viên ngọc quý” của văn hóa Khmer
Chủ nhật: 06:34 ngày 08/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nghệ thuật dù kê do cộng đồng người dân tộc Khmer Nam Bộ sáng tạo nên từ những năm đầu của thế kỷ XX và trở thành một “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Dù kê là loại hình ca kịch dân gian trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như rô băm, dì kê... và ảnh hưởng lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer Nam Bộ với người Việt, người Hoa. Các vở diễn dù kê có cốt truyện rõ ràng được kết cấu theo chương hồi, có nền nhạc, lời hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian như múa, xiếc... Khi diễn, diễn viên vừa hát vừa biểu thị động tác tay chân nhịp nhàng, uyển chuyển mang tính mô phỏng dễ hiểu.

Đặc biệt, ở cảnh giao đấu, người diễn dùng võ thuật tạo cảnh tượng rất sinh động, kết hợp với xiếc đu, bay. Lời ca trong mỗi vở dù kê thường là các lời thơ mang tính xúc cảm cao, nội dung đều đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi điều tốt đẹp, lên án cái xấu…

Ông Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về sự ra đời của dù kê. Một số học giả khẳng định sân khấu dù kê ra đời ở Trà Vinh do nghệ nhân dân gian tên là Sơn Kưu sáng lập vào năm 1921, một số khác quả quyết nghệ nhân Lý Kọn - người Khmer tỉnh Sóc Trăng và còn nhiều giả thuyết khác...

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khmer, là sản phẩm của vùng đất Nam Bộ với những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật mang tính địa phương, vùng miền rõ rệt.

Với giá trị độc đáo trên, Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch-VHTTDL) đã công nhận nghệ thuật dù kê là một trong những loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam. Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã đưa nghệ thuật dù kê vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận giai đoạn 2012 -2016.

Hiện nay, dù kê tồn tại dưới 2 hình thức là nhóm, câu lạc bộ ở các ấp, xã sinh hoạt lúc nhàn rỗi và hoạt động có tổ chức tại các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh và ở một số địa phương, các đội dù kê không chuyên cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.

Theo Dân Việt

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục