Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch:
Dù khó cũng phải thực hiện
Chủ nhật: 23:54 ngày 07/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ông Trương Văn Ngôn- Giám đốc Sở Xây dựng, Tây Ninh là một trong những tỉnh chuyển đổi sang lò tuynel theo quy định của Chính phủ còn chậm. Vì vậy, trong thời gian tới, dù khó mấy, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất gạch đất sét nung cũng phải chuyển đổi công nghệ.

Vận chuyển gạch. Ảnh: Đ.H.T

Vừa qua, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về việc thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung cho các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh ngành nghề này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới, những cơ sở sản xuất gạch sử dụng lò đứng liên tục, lò vòng (Hoffman) phải chuyển đổi sang lò tuynel. Tuy nhiên tại hội nghị, một số doanh nghiệp kiến nghị, cần có thêm thời gian để chuẩn bị lộ trình chuyển đổi cũng như nêu nhiều khó khăn về chi phí.

CHẬM CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ

Theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 60% tổng sản lượng vật liệu xây dựng, tương đương khoảng 18 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam, khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa.

Quyết định 1469 quy định rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau: các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất trước năm 2018 với lò vòng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hoá thạch.

Tại Tây Ninh, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất gạch đất sét nung. Thời gian qua, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp chuyển đổi sang lò tuynel, còn lại vẫn đang sản xuất bằng lò Hoffman. Theo ông Trương Văn Ngôn- Giám đốc Sở Xây dựng, Tây Ninh là một trong những tỉnh chuyển đổi sang lò tuynel theo quy định của Chính phủ còn chậm. Vì vậy, trong thời gian tới, dù khó mấy, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất gạch đất sét nung cũng phải chuyển đổi công nghệ.

Nguyên liệu đất sét được đưa vào máy ép gạch.

DOANH NGHIỆP ĐÃ CÓ NHỮNG ĐỘNG THÁI CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ

Theo ông Phạm Quốc Thái- chủ cơ sở sản xuất gạch Phú Hải (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), cơ sở của ông hoạt động hơn 10 năm qua. Cách đây hơn 3 năm, cơ sở chuyển đổi từ lò Bắc (lò thủ công) sang lò Hoffman với chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Hiện công suất của cơ sở gạch sản xuất khoảng 8 triệu viên/năm.

Ông Hải cho biết, cơ sở cũng đã có những bước chủ động về vốn đầu tư, cũng như thủ tục xin giấy phép để chuyển sang lò tuynel. Ước tính, số tiền đầu tư để xây dựng lò, dây chuyền khoảng 14 tỷ đồng. Ông Hải cho biết thêm, doanh nghiệp của ông có một cơ sở sản xuất bằng lò tuynel ở Bình Phước, nhiều lợi ích hơn so với lò Hoffman như ít nhân công hơn, sản phẩm chất lượng hơn, tiêu tốn nguyên liệu ít hơn.

Trong khi đó, một cơ sở tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, khó khăn là, doanh nghiệp chuyển đổi từ lò thủ công sang lò Hoffman chưa lâu, nay lại chuyển sang lò tuynel, vốn đầu tư khá lớn. Do đó, doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng có thể xem xét gia hạn thêm một thời gian.

Một cơ sở ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ là lẽ đương nhiên, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn vốn. Nếu lộ trình thực hiện việc chuyển đổi sang lò tuynel ở tỉnh chính thức triển khai, không ít doanh nghiệp buộc phải chuyển sang ngành nghề khác. Doanh nghiệp này kiến nghị, để khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gạch chuyển đổi công nghệ, cần có chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất vay, hướng dẫn việc lập dự án, thủ tục xin chuyển đổi.

Thời gian qua, gạch đất sét nung sản xuất ở Tây Ninh được vận chuyển bằng đường thuỷ về miền Tây tiêu thụ khá nhiều.

CHÚ TRỌNG ĐẾN VÙNG NGUYÊN LIỆU CUNG CẤP

Trao đổi với một số chủ cơ sở tại huyện Châu Thành, hầu hết đều cho rằng, khi mua đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp khai thác, có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Hiện nay, gạch đất sét nung được sản xuất ở Tây Ninh không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, mà còn bán ở các tỉnh miền Tây. Vì vậy, nhu cầu nguồn nguyên liệu khá lớn, trong khi số lượng mỏ đất sét sản xuất gạch được cấp phép khá ít so với giấy phép khai thác đất phục vụ việc san lấp mặt bằng.

Do đó có ý kiến cho rằng, không loại trừ một số điểm khai thác đất san lấp có đất sét sản xuất gạch đã đem bán cho các lò gạch với giá cao hơn đất san lấp. Đây là vấn đề rất cần được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, vì thuế tài nguyên đối với đất san lấp thấp hơn đất sét sản xuất gạch.

Tại hội nghị vừa qua, Sở Xây dựng cũng đã có những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch cần phải quan tâm đến vùng nguyên liệu đất sét đã được tỉnh quy hoạch. Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ giám sát, kiểm tra tính hợp pháp của việc nhập nguyên liệu đất sét của các cơ sở sản xuất gạch. Theo quy định, nguyên liệu phải được nhập từ các mỏ đất sét sản xuất gạch, có hoá đơn chứng từ hợp pháp, có hợp đồng mua bán giữa các cơ sở với các doanh nghiệp khai thác đất sét sản xuất gạch.

Nghĩa Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh