Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đã trở thành một nghề truyền thống, nghề đan cần xé nơi đây chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, hiện trong xã có khoảng 10 hộ, tập trung ở các ấp Trường Phú, Trường Đức vẫn lưu giữ và tiếp tục duy trì nghề truyền thống này.

|
Nghề đan cần xé không kén thợ, ai cũng có thể làm được, từ trẻ em đến người lớn tuổi, tuỳ theo sức khoẻ mỗi người mà chọn một khâu công việc cho phù hợp, từ chẻ nan, đan thân cần xé đến kết quai… Ở các hộ làm nghề đan cần xé, trẻ em từ 13-14 tuổi đã bắt đầu tập tành đan những lúc rảnh rỗi. Ban đầu các em được giao đan một phần của cần xé, qua từ 2 đến 3 năm quen nghề, các em trở thành thợ và đan hoàn chỉnh cả sản phẩm.
Ở xã Trường Đông, nói đến nghề cần xé người ta nhắc ngay đến hộ bà Phạm Thị Dớt, 65 tuổi ngụ ấp Trường Phú. Bởi gia đình bà đã gắn bó với nghề gần 50 năm và sản phẩm của bà làm ra được tiếng đẹp và tinh xảo. Đây là nghề mang lại thu nhập chính, rất ổn định cho gia đình bà Dớt. Với bà, nghề đan lát không chỉ tạo ra vật gia dụng hữu ích mà nó gắn bó với bà như một niềm đam mê thật sự. Bà nói, ngày nào không đan thì cứ thấy buồn tay buồn chân như thiếu đi một thứ gì đó rất đỗi quen thuộc.
Theo bà Dớt, so với việc đan các vật dụng khác thì đan cần xé không đơn giản, người nhanh trí, khéo tay phải học mất vài ngày, chậm hơn thì học khoảng 3 tuần trở lên mới có thể đan được, còn muốn đan thành thạo, nhanh, đặc biệt để các đường nan đều tay và đẹp mắt cần phải có kinh nghiệm với thời gian lâu hơn. Cơ sở của bà Dớt lúc nào cũng có từ 3-5 thợ đan cần xé. Hằng ngày, bà ngồi chẻ nan còn các thợ thì tỉ mỉ ngồi đan phần đáy, thân và kết quai. Nghề nào cũng lắm công phu, đối với nghề đan cần xé muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng đòi hỏi người theo nghề phải có tính cần mẫn, chịu khó thực hiện tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Theo các hộ đan cần xé ở Trường Đông, sản phẩm làm ra không bị đọng hàng, được tiêu thụ quanh năm, nhưng rộn ràng nhất là vào tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, bởi đây là lúc vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản, nhu cầu dùng cần xé tăng cao. Thường thời gian này, phải các gia đình làm nghề đều phải tăng thêm thợ đan, và có nhiều đêm phải thức làm tới khuya mới đủ hàng để giao.
Bà Dớt cho biết, những năm 1990 đến 2005 là giai đoạn “thịnh vượng” của nghề đan cần xé: “Những năm đó, đan cần xé thấy ham lắm. Nguyên liệu tre, trúc giá rất rẻ, cần xé lại bán được giá nên có lời nhiều, trung bình lời từ 8.000 đồng - 10.000 đồng/cái. Khi đó có khá nhiều gia đình theo nghề đan cần xé nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đủ bán. Có nhà phải thức từ lúc 3-4 giờ sáng đan cho đến 7-8 giờ tối mới đủ hàng giao cho khách. So với thời đó, bây giờ nguyên liệu ngày càng hiếm, giá tăng cao nên làm cần xé rất ít lời, chỉ khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/cái. Lúc này làm nghề chỉ lấy công làm lời”.
Nghề đan cần xé ở Trường Đông đã góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động tại địa phương. Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ ấp Trường Phú có 4 người theo nghề đan cần xé đã hơn 30 năm. Trung bình, một lao động trong gia đình chị kiếm được khoảng 50.000 đồng - 60.000 đồng/ngày. Theo chị Trang, tuy số tiền đó không nhiều nhưng ở vùng nông thôn thì đây đã là mức thu nhập tương đối khá. Hơn nữa, nghề này được cái không bó buộc thời gian, rảnh tay lúc nào đan lúc đó, ban ngày làm không hết thì ban đêm tranh thủ làm thêm.
Tuy nhiên, nghề đan cần xé cũng đang đứng trước khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, bởi tre, trúc tại địa phương không còn dồi dào như trước đây, những hộ theo nghề phải tìm mua ở các tỉnh khác với giá cao nhưng sản phẩm làm ra vẫn không tăng giá bán. Hiện những người theo nghề đan cần xé ở Trường Đông phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi trung niên tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.
THANH NHI