Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dự kiến bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở
Thứ tư: 08:42 ngày 18/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự thảo có hai điểm thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện tại: bỏ xếp loại (giỏi, khá, trung bình khá, trung bình) trong bằng tốt nghiệp THCS và mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp THCS hai lần.

Học sinh Trường tiểu học Tân Phú, huyện Tân Châu đọc sách trong buổi phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: Hoàng Yến

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo (xin ý kiến trong và ngoài ngành Giáo dục) quy chế xét công nhận tốt nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở. Dự thảo có hai điểm thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện tại: bỏ xếp loại (giỏi, khá, trung bình khá, trung bình) trong bằng tốt nghiệp THCS và mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp THCS hai lần.

Nhiều ý kiến tán thành

Có nên bỏ xếp loại đối với bằng tốt nghiệp THCS không, vì sao? Trao đổi về câu hỏi này, một số hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn tỉnh cho biết, việc giữ hay bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

“Nhiều năm qua, khi tuyển sinh vào lớp 10, Tây Ninh áp dụng thi tuyển kết hợp xét tuyển. Trong đó có tính đến học lực, hạnh kiểm của học sinh ở bốn năm cấp THCS. Để tính điểm học lực, người ta căn cứ vào kết quả học tập của học sinh được ghi trong học bạ, không căn cứ vào bằng tốt nghiệp. Do đó, bỏ hay giữ xếp loại cũng không ảnh hưởng đối với học sinh dự tuyển vào lớp 10”- một hiệu trưởng bày tỏ quan điểm trước dự thảo của Bộ.

Hiệu trưởng của một số trường trung học phổ thông cho biết, việc tuyển sinh vào lớp 10 căn cứ vào điểm bài thi và kết quả học lực bốn năm ở cấp THCS, do đó, việc phân loại, xếp hạng tốt nghiệp ở cấp THCS không còn nhiều ý nghĩa.

Tuy vậy, cũng có ý kiến nhìn nhận, “giữ nguyên hình thức xếp loại tốt nghiệp có ý nghĩa khích lệ học sinh học tập, nếu chỉ xếp loại đạt hoặc chưa đạt thì học sinh giỏi cảm thấy thiệt thòi, vì ai cũng tốt nghiệp như nhau”.

Trong khi đó, một vị trưởng phòng GD&ĐT ở Tây Ninh bày tỏ, ông không tán thành việc bỏ quy định xếp loại nêu trong dự thảo: “Bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS thì hoá ra học sinh nào cũng tốt nghiệp như nhau, cào bằng, như thế làm giảm động lực phấn đấu học tập của học sinh. Tôi cho rằng, không cần thiết phải thay đổi điều đó”.

Điều 8 của quy chế xét công nhận tốt nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT có nêu rõ việc xếp loại tốt nghiệp, cụ thể: Kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực.

Nếu người học thuộc diện không xếp loại hạnh kiểm thì chỉ căn cứ vào kết quả xếp loại học lực: Loại giỏi: hạnh kiểm loại tốt, học lực loại giỏi; loại khá: hạnh kiểm từ loại khá trở lên, học lực loại khá hoặc hạnh kiểm loại khá, học lực loại giỏi; loại trung bình: các trường hợp còn lại.

Quy định nêu trên dành cho THCS áp dụng đến nay đã 17 năm. Trong khi đó, ở THPT, cấp học này không còn xếp loại tốt nghiệp (loại gì) và cũng không phân biệt bằng tốt nghiệp giữa học sinh hệ phổ thông với học sinh, học viên hệ giáo dục thường xuyên. Cao hơn, bậc đại học cũng không còn phân biệt văn bằng của các loại hình đào tạo khác nhau (tập trung chính quy, vừa học vừa làm, liên thông…) đều chỉ ghi tốt nghiệp đại học.

“Giáo dục đã và đang thay đổi. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, không còn đặt nặng tính hình thức hoặc kiến thức thuần tuý. Việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS và tăng số lần xét công nhận mỗi năm hai lần là điều cần được ủng hộ” - một cán bộ có thâm niên, giàu kinh nghiệm về giáo dục, công tác ở Tây Ninh phát biểu.

Nhìn một cách tổng thể, bằng tốt nghiệp THCS (thực chất là giấy công nhận hoàn thành chương trình cấp học này) không còn nhiều ý nghĩa. Cấp học này đã hoàn thành phổ cập giáo dục và việc thi tốt nghiệp ở cấp học này cũng đã bỏ từ rất lâu. Do đó, học sinh tốt nghiệp loại gì không còn quan trọng, điều quan trọng là học sinh đã hoàn thành chương trình học ở cấp học này.

Xác nhận trình độ học sinh

Theo dự thảo, việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ học sinh và học viên (gọi chung là người học) của các cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS. Việc xét công nhận tốt nghiệp bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực và khách quan, căn cứ vào kết quả rèn luyện và học tập năm học lớp 9 của người học.

Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp cho người học không quá hai lần, do Sở GD&ĐT quyết định. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, số lần xét công nhận tốt nghiệp cho người học trong mỗi năm do Sở GD&ĐT quyết định.

Học sinh cấp trung học cơ sở trong một buổi học. Ảnh minh hoạ

Điều kiện công nhận tốt nghiệp

Đối với người đang theo học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS không quá 21 tuổi. Đối với người đang theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS từ 15 tuổi trở lên. Trường hợp người ở nước ngoài về nước học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ GD&ĐT.

Về kết quả rèn luyện và học tập, dự thảo quy định như sau: Người học được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS trong năm học lớp 9 theo quy định.

Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 do kết quả học tập cả năm lớp 9 xếp loại Chưa đạt (hoặc học lực cả năm xếp loại yếu, kém) được đăng ký với cơ sở giáo dục nơi đã theo học lớp 9 để kiểm tra, đánh giá lại các môn học và được công nhận hoàn thành chương trình THCS.

Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 do kết quả rèn luyện cả năm lớp 9 xếp loại Chưa đạt (hoặc hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu), được đăng ký rèn luyện trong kỳ nghỉ hè của năm học đó với cơ sở giáo dục nơi đã theo học lớp 9 để được đánh giá lại và được công nhận hoàn thành chương trình THCS.

Trường hợp người học không đăng ký rèn luyện, để đánh giá lại phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương theo quy định.

Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS do nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9, được đăng ký học lại lớp 9 với cơ sở giáo dục nơi đã theo học để được công nhận hoàn thành chương trình THCS.

Người học không trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật, trừ học viên của trường, lớp mở cho người đang thi hành án phạt tù hoặc bị hạn chế quyền công dân.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh