Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2021 - 2025:
Dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 11.500 ha
Thứ tư: 00:18 ngày 24/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích đất trồng lúa chuyển đổi trên địa bàn tỉnh sẽ gần 11.500 ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm khoảng 6.050 ha; cây lâu năm 5.150 ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản là 297,64 ha.

Ruộng dứa ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Thời gian qua, công tác đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống tưới tiêu, giao thông nội vùng được tỉnh quan tâm thực hiện theo hướng thuỷ lợi đa mục tiêu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy quá trình chuyển đổi cây trồng cạn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2017-2020, tổng diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm khoảng 30.830 ha gồm: mì, mía, rau các loại, bắp, đậu các loại... phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tổng diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm khoảng 5.540 ha với nhiều diện tích là cây ăn trái, trong đó, năm 2020, diện tích chuyển đổi khoảng 1.880 ha, gồm: nhãn 543 ha; sầu riêng 354 ha; cây bưởi 262 ha; mãng cầu 241 ha; mít 106 ha; dứa 50 ha; cam, quýt 22,25 ha…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, bước đầu tỉnh triển khai thực hiện việc đánh giá phân tích chất lượng từng loại đất ở một số huyện và đã khảo sát, lấy mẫu đất phân tích đánh giá mức độ thích nghi loại cây trồng chuyển đổi trên địa bàn 7 xã thuộc các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên.

Tuy nhiên, do nhu cầu chuyển đổi của người dân trên phạm vi rộng có nơi chưa theo đúng quy hoạch của tỉnh, chưa đáp ứng cơ sở hạ tầng, việc chọn giống cây trồng đưa vào sản xuất chưa phù hợp cho từng vùng nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái hay các cây hằng năm áp dụng công nghệ cao (như dưa lưới) khá cao, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng các diện tích chuyển đổi.

Hiện trạng đất trồng lúa đến năm 2020 của tỉnh là 72.939,63 ha. Theo kế hoạch đến năm 2025, đất trồng lúa còn lại 67.790 ha và định hướng đến năm 2030 là 63.321 ha. Diện tích đất trồng lúa thay đổi chủ yếu do chuyển sang trồng cây lâu năm, còn trồng cây hằng năm hoặc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản được luân phiên thay đổi với các vụ lúa trong năm.

Giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích đất trồng lúa chuyển đổi trên địa bàn tỉnh sẽ gần 11.500 ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm khoảng 6.050 ha; cây lâu năm 5.150 ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản là 297,64 ha.

Ðịnh hướng đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng lúa chuyển đổi là 9.958 ha, trong đó, chuyển sang trồng cây hằng năm là 4.788 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm 4.469 ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản khoảng 700 ha.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai việc đánh giá phân tích chất lượng từng loại đất tại một số huyện có định hướng phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở diện tích chuyển đổi đất trồng lúa đã đăng ký từ năm 2021-2025, khi được Bộ NN&PTNT phê duyệt, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch cụ thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng năm để các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho địa phương kết nối với đối tác thuộc các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản; giới thiệu để nông sản của tỉnh có thể xâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh hiện nay là đúng hướng và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, để xác định được loại cây trồng phù hợp cho từng loại đất còn gặp khó khăn, tỉnh đề nghị Bộ xem xét, hỗ trợ địa phương điều tra, đánh giá, xây dựng bản đồ thích nghi phù hợp với từng loại cây trồng để thúc đẩy canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

GIANG HÀ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục