Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc phải hủy toàn bộ tour đi và đón khách Trung Quốc do nCoV gây ra khiến nhiều công ty du lịch Việt Nam lao đao.
"Hiện tại, công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3/2020. Dịp Tết Nguyên đán, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn với 1.000 khách Trung Quốc sang Việt Nam, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, cho hay.
Theo bà Trần Phương Linh, đại diện BenThanh Tourist, công ty đã phải hủy các đoàn hơn 1.000 khách Việt Nam đi Trung Quốc đến hết tháng 3/2020. Trong đó, nhiều điểm cách xa tâm dịch như Thượng Hải, Bắc Kinh... cũng buộc phải tạm ngưng.
Thời gian qua, du khách Trung Quốc và điểm đến Trung Quốc là "nguồn sống" của nhiều công ty du lịch Việt Nam. Có công ty, hàng ngày đều khởi hành tour đưa khách đến Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số gần 2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2020, khách từ thị trường Trung Quốc tăng trưởng 72,6%, đạt gần 645.000 lượt, chiếm 32% tổng lượng khách. Năm ngoái, 5,8 triệu khách Trung Quốc tới Việt Nam trong tổng số 18 triệu khách quốc tế.
Vì vậy, nCoV khiến các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước đối mặt với tình trạng giảm doanh số nghiêm trọng.
Du khách Trung Quốc ở TP HCM. Ảnh: Thái Phương.
Nhiều chương trình du lịch đã được chi trả trọn chi phí dịch vụ, nhưng không thể triển khai nên công ty phải chịu thiệt hại gần như 100%. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HanoiRedtours cho biết, các tour gần đây và khởi hành trong quý I/2020 đi Trung Quốc, công ty đã phải hủy toàn bộ. Các tour dành cho khách nước ngoài tới Việt Nam có kết hợp tham quan Trung Quốc cũng bị hủy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho biết, tính ngày 10 Tết, Viettourist đã hủy 13 đoàn. Mỗi tháng, đơn vị này thực hiện khoảng 28 đoàn đưa khách đến Trung Quốc. Nay không thể khai thác tour nên ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, doanh thu, doanh số của công ty.
"Đối với những tour charter (thuê bao nguyên chuyến bay) đi Trung Quốc, công ty đã phải thanh toán từ 30 đến 50% tiền vé. Tiền vẫn phải hoàn lại cho khách nhưng phía hàng không thì vẫn chưa thu hồi về được. Điều này gây rất nhiều khó khăn về tài chính cho công ty", ông Hiệp nói.
Hiện có những sản phẩm tương đồng đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Australia... để khách có thể lựa chọn. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, do tâm lý "vết dầu loang", nên khách hàng quan tâm tour du lịch trong nước và quốc tế, khởi hành vào tháng 2, 3 nay cũng không muốn tiếp tục.
"Khoảng 40% khách vẫn muốn hủy chương trình hoặc thay đổi lịch trình do tâm lý lo sợ sau khi đã mua tour. Quan trọng, khách lại không chịu mất phí. Thậm chí có những tour đã hoàn tất thủ tục visa, vé máy bay nhưng nay khách đòi hủy. Trong khi đó, hàng không vẫn hoạt động, Tổng cục Du lịch các nước vẫn cung cấp thông tin về an toàn điểm đến; đối tác vẫn xác nhận cam kết phục vụ đầy tour, tuyến", ông Hiệp nói thêm.
Để vượt qua khó khăn trước mắt, nhiều công ty du lịch đưa ra những chương trình kích cầu như giảm giá tour; giới thiệu những điểm đến mới, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Tuy vậy, các công ty vẫn gặp khó khi tiếp cận du khách do tâm lý lo sợ.
Vì vậy, để "vực dậy" thị trường du lịch, tìm nguồn khách thay thế du khách Trung Quốc và thị trường Trung Quốc, các hãng lữ hành cho rằng Việt Nam phải hành động để có được hình ảnh điểm đến an toàn, ít nhất là phòng chống dịch hiệu quả.
"Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch nên có những động thái để trấn an dư luận bằng cách công bố các văn bản chứng minh những điểm đến an toàn, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở để hoạt động du lịch hiệu quả", Nguyễn Đức Hiệp nêu quan điểm.
Theo Sở Du lịch TP HCM, nhóm khách Trung Quốc chiếm khoảng 10% khách quốc tế tới thành phố. Tuy vậy, việc "đóng băng" thị trường này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành du lịch cả nước, trong đó có TP HCM. Sở Du lịch TP HCM đã có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Đông Nam Á. Đồng thời đẩy mạnh phân khúc khách trong nước, khuyến khích doanh nghiệp đưa ra nhiều sản phẩm hơn, kích cầu du lịch nội địa cũng là phương án đang được hướng tới.
Nguồn VNE