Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngược về 5 năm trước, khi Tây Ninh long trọng tổ chức sự kiện “180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển”. Năm ấy, Tạp chí Du lịch và Đầu tư của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch in hẳn một số chuyên đề: “Tây Ninh hội nhập và phát triển” để ghi dấu sự kiện; đồng thời quảng bá ngành du lịch tỉnh nhà.
Tượng phật cổ bằng đá ở chùa Gò Kén.
Trong “Danh mục Dự án du lịch mời gọi đầu tư của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo quyết định của UBND tỉnh, bên cạnh những khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, thì du lịch thành phố Tây Ninh cũng được gọi tên với điểm nhấn có liên quan đến sông, rạch Tây Ninh. Đấy là “Khu công viên đô thị” của thành phố Tây Ninh.
Theo đó, “khu vực này sẽ kết nối trực tiếp với trung tâm thành phố Tây Ninh bằng hành lang nước (suối Ông Tuấn) và đường đi bộ… Đây sẽ là một không gian đệm giữa Trường bắn và khu tâm linh - lễ hội với khu vực phát triển mới (vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng) của Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, giữa không gian núi và không gian trung tâm đô thị của thành phố Tây Ninh…”.
Lần đầu tiên, suối Ông Tuấn được nhắc đến, như một điểm đầu nguồn của con suối góp nước cho rạch Tây Ninh. Để cho đầy đủ hơn, cần nhắc thêm cái tên Trà Phí (đoạn sau của suối Ông Tuấn).
Tuyến du lịch của khu công viên đô thị này sẽ xuyên qua các phường Ninh Thạnh, Ninh Sơn của thành phố Tây Ninh. Nói cho chính xác thì đây chỉ là một “tiểu dự án” của Dự án số 1 “Phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen”.
Dự án số 1 là núi, số 3 là rừng: “Dự án Khu du lịch quốc gia Lò Gò - Xa Mát”. Vậy dự án số 2 là đâu? Xin thưa, là dự án liên quan trực tiếp đến rạch Tây Ninh. Đấy là: “Khu công viên du lịch sinh thái Bến Trường Đổi”.
Theo đó, khu này “có cảnh quan đẹp, phù hợp với nhiều loại hình vui chơi giải trí; là một khu liên hợp vui chơi giải trí tại trung tâm thành phố Tây Ninh”. Cũng do vậy mà phạm vi của khu không chỉ là ở bến Trường Đổi (hiện nay) mà sẽ phát triển rộng, dài ra chung quanh, trên địa bàn cả hai phường 1 và 2, với quy mô diện tích là 99,6 ha.
Thật là những kỳ vọng lớn! Lớn đến nỗi tới nay, đã qua hết cả giai đoạn mời gọi đầu tư mà vẫn chưa có một tín hiệu nào của các nhà đầu tư hưởng ứng. Để thấy dự án lớn đến độ nào, hãy so sánh một chút.
Cách nay hơn 10 năm, đón đợi dự án này, có nhà đầu tư mua 2 ha đất ngay tại vị trí bến Trường Đổi, mở một quán cà phê sinh thái. Cũng đào ao, đắp gò tạo dựng mô hình hoang sơ với mặt nước, cỏ cây.
Đến nay, dù cảnh quan đã rất đẹp và hoà nhập khéo với thiên nhiên sông núi, nhưng không nhiều khách đến. Chủ quán bèn đóng cổng, treo bảng cho thuê lại. Đấy mới chỉ là 2 ha đất thôi, mà đã thế! Vậy lên tới 96 ha không biết sẽ thế nào? Liệu có phải các nhà quy hoạch đã vịn vào danh tiếng của bến Trường Đổi xưa mà đặt kỳ vọng quá lớn lao ở bến sông này? Dù vậy, với du lịch trên rạch Tây Ninh thì đây cũng là một địa điểm không nên bỏ lỡ.
Vì, nó chỉ cách cụm di tích cầu Quan, gồm cả chùa Vĩnh Xuân, đình Thái Vĩnh Đông, nhà cổ Đốc phủ sứ khoảng 700 mét phía thượng nguồn sông. Muốn chiêm nghiệm lại lịch sử thì bỏ thuyền tại bến Vĩnh Xuân mà đi bộ theo đường Phan Châu Trinh. Đây là con đường mà quan ba Chủ tỉnh năm đó là De Larclauze “cưỡi ngựa trắng cùng quân lính ra ứng phó” (theo Trần Văn Giàu trong sách “Chống xâm lăng”). Với ai? Với nghĩa quân Pô-kum-pao và Trương Quyền, vào ngày 7.6.1866. Đây là trận thua đau đầu tiên của thực dân Pháp kể từ khi chúng chiếm vùng trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh, ngay sát bên sào huyệt của chúng. Trước nữa thì đây là một cái chợ rất yên bình, nơi chủ yếu diễn ra các cuộc trao đổi sản vật nông nghiệp giữa các sắc dân: Kinh, Chàm, Khmer. Làng Chăm cũng ở ngay cạnh bến. Do cái chết của quan ba Chủ tỉnh, sau đó thực dân Pháp đặt tên con đường này là Quai De Larclauze. Đến tận năm 1955 mới đổi lại thành đường Phan Châu Trinh. Đến bến Trường Đổi ngày nay, ta vẫn gặp một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, dù có vẻ hơi tàn tạ trên các công trình mà chủ nhân đã xây từ trước. Nếu may, ta vẫn gặp được vài đàn ông, trai làng Chăm ra trổ các ngón nghề truyền đời như bẫy chim, thổi cuốc. Những cây tràm nước lớn đẫy một vòng ôm, mùa nước nổi nở đầy bông trắng, cùng những rừng cây gừa sum suê thân gốc thả rễ từng chùm trên mặt nước im lìm. Tưởng như thời gian ngưng đọng lại đã trăm năm…
Còn rất nhiều những điểm có cảnh quan đặc sắc trên rạch Tây Ninh. Sông nước luênh loang dưới trời xanh bời bời mây trắng. Và núi Bà luôn là một điểm nhấn ngời xanh khi ta ngước mắt tìm. Ai muốn du lịch mạo hiểm không? Khi ghe qua cù lao Gò Chẹt hãy dừng. Sợ thì có, nhưng phải thừa nhận Gò Chẹt còn là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học bậc nhất trong Thành phố. Ríu rít giữa tán cây còn là bao giọng hát của các loài chim lạ… Ai dũng cảm hơn nữa, thì chèo ghe một chuyến ngược dòng rạch giữa mùa nước lũ. Nước đỏ ồn ào cuộn xoáy dưới chân cầu Bến Dầu. Nước lừ đừ chảy dưới chân cầu Gió. Một dòng chảy thênh thang lên tới tận cầu máng kênh Tây, thuộc phường Ninh Sơn, cách trung tâm Thành phố gần 14km đường chim bay. Ở đây còn có thác nước bọt tung trắng xoá, ngay dưới chân cầu. Hai bên nước chênh nhau khoảng một mét chiều cao. Dòng nước xối xả trên những rọ đá kết bằng lưới thép B40 để đá không bị trôi đi hết. Ai muốn đi tiếp thì chắc phải xuống kéo thuyền qua thác. Giống như qua được cơn thử thách này mới “lên xanh” được. Để vào vùng chiến khu Trà Vong bất hủ một thời.
Thác dưới chân cầu máng kênh Tây
Còn ai muốn lững thững xuôi dòng, chậm rãi thưởng thức những đồng xanh nước biếc thì cho ghe thuyền về phía hạ nguồn sông, từ bến cầu Nổi Thái Hoà mà về các vàm rạch Gò Chai hay Bến Kéo. “Thích thì chiều!”, anh chủ ghe quán Cầu Nổi bảo thế. Theo lối rạch Gò Chai, là ta đi dọc xứ Thanh Điền “nước trong gạo trắng”. Nơi này có gò Cổ Lâm di tích Óc-eo trên cả ngàn năm. Sát bờ rạch nhất là gò Đít Mọi, vẫn còn gạch và tấm đá cổ xây tháp ẩn chứa những mật mã chưa có lời giải đáp. Theo lối về vàm Bến Kéo thì ghe phải “cậy” vào dòng bên trái. Giữa hai dòng là gò Nhọn, mà cái mũi, nhọn như một mũi lao, ở ngay sau Trường Chính trị tỉnh. Sách “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh (1973) cho biết đây là kênh đào Séville, được đào vào năm 1902 do sáng kiến của Tỉnh trưởng Pháp tên là Séville. Người địa phương đã quên cái tên này rồi, để gọi là kênh Lò Gạch. Đã qua đây, thì không thể không ghé bến để lên thăm chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Chùa thì không cổ lắm, mới xây xong năm 1925, nhưng đã có biết bao sự kiện liên quan đến con người và vùng đất Tây Ninh. Chùa đã được tôn tạo trở thành một trung tâm văn hoá của Phật giáo tỉnh. Hữu duyên thay! Chùa có cả một ngôi tượng Phật bằng đá được cho là đã trên ngàn năm tuổi. Cũng là duyên kỳ ngộ, khi một chủ doanh nghiệp khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Đông, một lần gàu sắt múc lên, cát chẳng thấy đâu lại thấy nguyên vẹn một pho tượng đá nặng gần nửa tấn. Đấy chính là pho tượng cổ chùa Thiền Lâm - Gò Kén bây giờ, do anh chủ doanh nghiệp kia đem về hiến tặng.
Rạch Tây Ninh của thành phố Tây Ninh ta đấy, thưa bạn! Một dòng chảy lịch sử âm thầm, xuyên suốt đã ngàn năm.
Trần Vũ