Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Du lịch Tây Ninh hứa hẹn nhiều đột phá
Thứ năm: 15:54 ngày 07/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2018, Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh lần VIII năm 2018; đăng cai, tổ chức thành công 6 giải thể thao cụm, toàn quốc; tổ chức 2 giải quần vợt quốc tế Men’s Future F4, F5... tạo hiệu ứng rất tốt cho việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, vùng đất Tây Ninh.

Tây Ninh xác định, đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, có tổng doanh thu đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, đón khoảng 4 triệu lượt khách tham quan, giải quyết việc làm cho khoảng 7.400 lao động.

(Ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL)

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

Nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch

Sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ; và Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tây Ninh đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy DL phát triển.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về chủ trương phát triển DL tỉnh nhà được đẩy mạnh; Công tác xúc tiến, quảng bá DL ngày càng đa dạng và sâu rộng hơn.

Du khách tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Ảnh: Vũ Nguyệt 

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), thời gian qua, tỉnh đã mời gọi một số dự án đầu tư quy mô lớn và hiện đang triển khai, đưa vào hoạt động như: Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - shophouse Vincom Tây Ninh, dự án MB Land, chuỗi siêu thị Co.opmart, siêu thị Auchan... đáp ứng cơ bản cho việc mua sắm, vui chơi cho người dân và khách du lịch. Đồng thời đưa vào khai thác một số khách sạn 2, 3, 5 sao.

Đáng chú ý là để tạo điều kiện, đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển, tỉnh đã quan tâm đầu tư một số dự án trọng điểm về giao thông như nâng cấp đường 30.4, nâng cấp mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi, đường 781 từ ngã ba Bờ Hồ đến tỉnh Bình Dương; đường 782-784... Với các giải pháp quan trọng, kịp thời nên trong năm 2018, DL Tây Ninh đã bắt đầu có sự tăng trưởng, đặc biệt là du lịch nội địa.

Du khách tham quan Khu di tích Trung ương Cục miền Nam. 
Ảnh: Vũ Nguyệt

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc sở VH,TT&DL cho biết: “Năm 2018, việc thực hiện chỉ tiêu khách DL và doanh thu DL vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, khách lưu trú 2.760.000 lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,4% so cùng kỳ; khách lữ hành 25.500 lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ; khách tham quan các khu, điểm DL 2.850.000 lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,9% so cùng kỳ; tổng doanh thu DL đạt 935 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,2% so cùng kỳ”.

Phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù

Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của Tây Ninh là xây dựng sản phẩm du lịch mới cho các cụm du lịch, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm nhấn thu hút khách du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Tây Ninh gắn liền với tài nguyên du lịch sinh thái và di tích lịch sử, tâm linh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Bên cạnh các sản phẩm DL truyền thống, tỉnh đang nỗ lực đa dạng hoá các sản phẩm DL, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng của Tây Ninh như  DL vui chơi giải trí; DL sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; DL làng nghề; DL thăm thân, khám, chữa bệnh…

Sau nhiều hội thảo, hội nghị tìm hướng đi, UBND tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào DL Tây Ninh nói chung và tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nói riêng. Tỉnh cũng tích cực liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức khảo sát xây dựng các sản phẩm, khu, điểm DL mới trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, năm 2019, tỉnh sẽ mời gọi đầu tư và tạo điều kiện phát triển thành phố Tây Ninh thành đô thị DL sinh thái, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách DL. Trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; các trung tâm mua sắm, ẩm thực tập trung với quy mô lớn, chất lượng; đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển sản phẩm DL miệt vườn, DL gắn với nông nghiệp công nghệ cao và mô hình DL cộng đồng; chú trọng phát triển loại hình DL “homestay” tìm hiểu những nét độc đáo của tôn giáo Cao Đài, các làng nghề truyền thống, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; “farmstay” gắn với miệt vườn, đồng lúa, sông nước; tổ chức thực hiện tốt đề án DL cộng đồng của huyện Hoà Thành và nhân rộng ra các địa phương khác khi có điều kiện.

Ga cáp treo núi Bà Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hoà Thành cho biết, sau khi đề án xây dựng - phát triển sản phẩm DL và các dịch vụ hỗ trợ tại huyện Hoà Thành và các vùng lân cận huyện Hoà Thành được phê duyệt, huyện đã triển khai bước đầu một số việc như nâng cấp một số tuyến đường, hình thành tuyến đường hoa Nguyễn Lương Bằng; phối hợp khảo sát thực địa để quy hoạch thực hiện DL homestay gắn với DL sinh thái ở 3 xã Trường Đông, Trường Hoà, Long Thành Bắc tạo thành chuỗi DL tâm linh gắn với Toà thánh Tây Ninh, núi Bà Đen; khảo sát các làng nghề truyền thống như đúc gang, làm nón, se nhang, đan lát mây tre…

Huyện Dương Minh Châu được đánh giá là một trong những huyện có thế mạnh về phát triển DL. Với những đặc điểm nổi trội và phân bố về tài nguyên DL đặc thù, huyện Dương Minh Châu hiện đang nỗ lực cùng với ngành chức năng tập trung nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm DL như:  DL về nguồn, DL miệt vườn gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mô hình DL cộng đồng… Kêu gọi đầu tư một số khu DL mạo hiểm trên mặt nước; phát triển vườn thảo dược gắn với sản phẩm DL sức khoẻ, spa làm đẹp…

Quang cảnh TP. Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông.

Vincom Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững

Tây Ninh xác định, đến năm 2020, DL trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Theo đó, tỉnh sẽ nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng DL trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Du lịch của tỉnh trong tương lai gần sẽ chuyên nghiệp, hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu; kết nối đồng bộ các tuyến, tour du lịch trong và ngoài nước, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến DL hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Tây Ninh đã và đang cơ cấu lại hoạt động DL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu (so với năm 2018): Khách lưu trú đạt 2.930.000 lượt, tăng 6,2%; khách lữ hành đạt 27.000 lượt, tăng 6%; khách tham quan tại các khu - điểm du lịch đạt 3,1 triệu lượt, tăng 8,8%. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 17,6%.

Ngành du lịch tỉnh sẽ tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định 1099/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu DL quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035, đặc biệt là việc mời gọi, hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án đầu tư vào Khu DL quốc gia núi Bà Đen theo quy hoạch đã được duyệt.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực DL theo hướng chuyên nghiệp, có chất lượng cao; đẩy mạnh đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác thông tin, quảng bá xúc tiến DL.

Nghề làm bánh tráng phơi sương ở thị trấn Trảng Bàng. Ảnh: Đỗ Thành Nhân.

V.N

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục