Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ghe thuyền luồn lách theo dòng rạch uốn khúc, du khách tha hồ ngắm nhìn hoa lá, nghe tiếng ong vo ve lấy mật, và tiếng chim ríu rít chuyền cành bắt sâu bọ. Trên bờ rạch còn có những vị trí khô ráo, cây cao bóng mát, du khách có thể dừng ghe hạ trại, ăn uống, sinh hoạt văn nghệ vui vẻ, thoải mái…
Hai bên bờ rạch Trảng Bàng vẫn còn nhiều cảnh đẹp hoang sơ.
Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Tây Ninh đoạn đầu dòng sông Vàm Cỏ Ðông hiền hoà xuôi chảy. Ðoạn sông này luôn mang đầy nước ngọt và trĩu nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng. Ngoài dòng sông chính, thiên nhiên còn hào phóng tặng thêm cho tỉnh ta nhiều phụ lưu quan trọng, đáng kể như rạch Tây Ninh (thành phố Tây Ninh), rạch Bảo (huyện Bến Cầu), rạch Bàu Nâu, rạch Ðá Hàng (Gò Dầu), rạch Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng)…
Ðã bao đời nay, một bộ phận người dân Tây Ninh được ấm no nhờ nguồn lợi của sông rạch quê mình. Từ “dẫn thuỷ nhập điền”, đến đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản và xuôi ngược thuyền ghe lưu thông hàng hoá… Tuy nhiên còn một nguồn lợi mà từ trước đến nay vẫn chưa được khai thác hết. Ðó là du lịch sinh thái trên dòng sông Vàm Cỏ Ðông, trong đó có dòng rạch Trảng Bàng.
ÐÃ MẮT VỚI SÔNG NƯỚC HỮU TÌNH
Rạch Trảng Bàng, còn được gọi là rạch Vàm Trảng nằm về phía Nam tỉnh Tây Ninh, với chiều dài hơn mười cây số. Ðầu nguồn con rạch tiếp giáp với rạch Trưởng Chừa (thị trấn Trảng Bàng), chảy qua địa bàn thị trấn Trảng Bàng một đoạn, rồi uốn lượn trên đất xã An Hoà ra sông Vàm Cỏ Ðông tại cửa Vàm Trảng.
Rạch Trảng Bàng chia địa bàn xã An Hoà ra làm hai phần rõ ràng. Bên bờ Bắc (bờ phải) là gò giồng dân cư sinh sống. Bên bờ Nam (bờ trái) lá cánh đồng ruộng trũng. Ngoài dòng chính, rạch Trảng Bàng còn có nhiều con rạch nhánh ăn sâu vào các cánh đồng. Khi dự án khu công nghiệp được triển khai trên địa bàn xã An Hoà, có vài con rạch nhánh đã phải san lấp. Giờ còn lại những dòng rạch nhánh như Bình Thuỷ, Bến Bạ, Bến Thi, Bến Ðò…
Xưa kia, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, dòng rạch Trảng Bàng là đường giao thông rất quan trọng. Ðây là con đường thuỷ liên thông từ vùng thị tứ xứ Trảng ra sông Vàm Cỏ Ðông, đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, luôn có tàu ghe đi lại dập dìu. Ða số là tàu, ghe thương hồ mua bán tro dừa, mắm, muối và các loại hàng hoá khác, từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đưa lên. Bên cạnh đó còn có các chuyến tàu chở khách từ bến đò Lộc Giang (huyện Ðức Hoà- Long An), rạch Tràm (Phước Chỉ- huyện Trảng Bàng) đến chợ Trảng Bàng (chợ cũ Trảng Bàng).
Hiện nay, phương tiện và hệ thống giao thông đường bộ phát triển, nên lưu lượng tàu ghe trên rạch Trảng Bàng đã giảm rất nhiều. Dù vậy, vào vụ thu hoạch lúa ít thuyền ghe lớn của các thương lái từ miền Tây lên thu mua lúa, rồi tàu ghe lớn chở vật liệu xây dựng đi lại trên rạch… cũng rất nhộn nhịp.
Chỉ trừ đoạn gần cuối dòng rạch Trảng Bàng nhường chỗ cho khu công nghiệp đã được bê tông hoá, với những công trình đồ sộ, phần lớn con rạch Trảng Bàng vẫn còn hoang sơ. Ðặc biệt là các con rạch nhánh ăn sâu vào giữa các cánh đồng, có nhiều tiềm năng đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Không chỉ có dạo chơi bằng thuyền trên dòng rạch chính, du khách còn có thể rẽ vào các con rạch nhánh này để ngao du, thăm thú cảnh quan sông nước hữu tình.
Tuy là những con rạch nhánh, song quanh năm vẫn đủ sâu và rộng cho ghe thuyền đi lại. Ðặc biệt là hai bên bờ những dòng rạch nhánh vẫn còn nhiều cây mọc hoang dại che mát. Vào mùa xuân hay đầu mùa hè, những loài cỏ cây hoang dã đua nhau nở hoa. Ghe thuyền luồn lách theo dòng rạch uốn khúc, du khách tha hồ ngắm nhìn hoa lá, nghe tiếng ong vo ve lấy mật, và tiếng chim ríu rít chuyền cành bắt sâu bọ. Trên bờ rạch còn có những vị trí khô ráo, cây cao bóng mát, du khách có thể dừng ghe hạ trại, ăn uống, sinh hoạt văn nghệ vui vẻ, thoải mái…
Du lịch tín ngưỡng, thăm khu công nghiệp, thưởng thức đặc sản
Sau khi dạo chơi ngắm cảnh sông nước, du khách đi trên rạch Trảng Bàng có thể ghé tham quan các cơ sở kinh doanh, các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự ở gần dòng rạch. Ði từ sông Vàm Cỏ Ðông ngược vào phía thượng nguồn dòng rạch, đến bến Cầu Hàn, du khách nhìn bên Nam dòng rạch sẽ thấy một khu công nghiệp lớn đã và đang phát triển, với những công trình nhà xưởng đồ sộ, những con đường nội bộ rộng mở, nhựa hoá phẳng lỳ.
Nếu không phải là dân địa phương, ít ai biết rằng mặt bằng khu công nghiệp này trước kia là một cánh đồng bưng, sình lầy; mỗi năm làm một, hoặc hai vụ lúa, mà thường xuyên thất bát.
Du khách có thể dừng ghe, lên bến tham quan để biết quá trình phát triển của một khu công nghiệp lớn được xây dựng trên vùng đất nông nghiệp. Ðối diện với khu công nghiệp, nằm bên bờ Bắc dòng rạch là khu dân cư lâu đời.
Nơi đây đã từng đi vào âm nhạc: “Ðây Tha La xóm đạo/ Có trái ngọt cây lành”. Theo sử sách ghi lại, Tha La là địa phương đầu tiên của tỉnh Tây Ninh có họ đạo Thiên Chúa. Nhà thờ họ đạo Tha La chỉ cách bến Cầu Hàn vài trăm mét. Du khách neo ghe ở bến Cầu Hàn, rồi thả bộ trên con đường nhựa ngắm cảnh vùng quê Tha La và đến tham quan nhà thờ.
Khu vực này còn nhiều hộ dân duy trì nghề mây tre truyền thống. Du khách có thể ghé thăm một vài cơ sở sản xuất hàng mây tre xuất khẩu. Rời bến Cầu Hàn, ngược dòng rạch về hướng thị trấn Trảng Bàng, vừa qua khỏi khu công nghiệp, du khách rẽ vào các con rạch nhánh Bến Bạ, Bến Thi, ngắm cảnh, xem cây, hoa lá và các thứ rau sông, thành phần không thể thiếu của món đặc sản bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc và bánh canh Trảng Bàng.
Rời rạch Bến Bạ, Bến Thi du khách tấp qua bờ Bắc dòng rạch, ghé Bến Trâu. Gọi là Bến Trâu vì xưa kia ở đây có một bến nước, mỗi ngày có cả trăm con trâu từ khắp nơi trong xã được chủ lùa về đây uống nước, tắm mát và ra đồng bưng ăn cỏ.
Ngày nay, còn rất ít người nuôi trâu, nên Bến Trâu trở nên vắng vẻ ít người lui tới. Ðáng lưu ý ở gần Bến Trâu, hiện vẫn còn một số hộ duy trì nghề chằm nón lá truyền thống. Du khách neo ghe ở Bến Trâu tản bộ vòng quanh khu vực tìm hiểu thêm về nghề làm nón lá.
Ðể có được một chiếc nón đội đầu che nắng che mưa, người làm nón lá phải thức khuya dậy sớm và trải qua rất nhiều công đoạn mới cho ra được chiếc nón hoàn chỉnh. Chia sẻ với người làm nón lá, du khách có thể mua vài chiếc nón đội đầu, hoặc làm quà.
Chia tay Bến Trâu, du khách đến Bến Ðình. Gọi là Bến Ðình vì cách bến này không xa có một ngôi đình thần. Từ Bến Ðình du khách đi bộ vài trăm mét là đến đình An Hoà. Ngôi đình cổ kính, xây dựng từ rất lâu đời, có nhiều cây cao lớn, được xếp hạng di tích lịch sử- văn hoá cấp tỉnh.
Rời đình An Hoà, du khách tiếp tục ngược dòng rạch Trảng Bàng đến Thị trấn. Neo ghe ở đầu kênh Chợ cũ Trảng Bàng, du khách dạo bước trên hai bờ kênh được bê tông hoá và trồng hoa kiểng sạch đẹp.
Kênh Chợ cũ Trảng Bàng gắn liền với việc hình thành khu phố cổ và chợ cũ Trảng Bàng. Kênh dài gần 300 mét, nối từ rạch Trảng Bàng vào đến đầu chợ cũ. Hai bên bờ kênh là hai con đường bộ. Trước kia, giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông đường thuỷ còn chiếm ưu thế, thương thuyền từ các nơi ra vào và neo đậu ở kênh Chợ cũ Trảng Bàng buôn bán tấp nập.
Ngày nay, chợ cũ không còn và hệ thống giao thông đường bộ cũng phát triển, nên kênh Chợ cũ không còn ghe tàu vào ra buôn bán. Ðể lưu giữ con kênh, lãnh đạo huyện quyết định không san lấp con kênh này, mà bê tông hoá bờ kè để chống sạt lở và làm nơi cho người dân dạo chơi, câu cá thư giãn.
Rời kênh Chợ cũ, du khách đến tham quan đình Gia Lộc- Thị trấn, một trong những ngôi đình lớn và cổ nhất của tỉnh Tây Ninh, đã được hai lần công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và di tích lịch sử phi vật thể cấp quốc gia.
Ðình thờ ông Cả Ðặng Văn Trước, người có công thành lập và bảo vệ làng Gia Lộc (bao gồm thị trấn Trảng Bàng). Ðình được xây dựng trên một gò đất cao, quay mặt về hướng Nam nhìn ra cánh đồng lúa. Cách đình Gia Lộc vài trăm mét là khu vực Bến Tắm Ngựa. Bến Tắm Ngựa nằm bên bờ rạch Trưởng Chừa (tiếp giáp với rạch Trảng Bàng). Xưa kia, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, phương tiện giao thông đường bộ phần lớn là xe ngựa, nên có khá nhiều người dân ở Trảng Bàng sống bằng nghề đánh xe ngựa.
Hằng ngày, những người nuôi ngựa gần rạch Trưởng Chừa dắt ngựa ra bến tắm ngựa, từ đó có địa danh này. Khi các phương tiện giao thông cơ giới phát triển, xe ngựa lỗi thời không còn được sử dụng nên ở Trảng Bàng không còn người nuôi ngựa. Bến Tắm Ngựa dần trở nên hoang vắng. Do địa thế khá hiểm trở, lại giáp ranh với cánh đồng xã An Tịnh, đặc biệt là gần với quận lỵ Trảng Bàng của chính quyền Sài Gòn, nên lực lượng vũ trang thị trấn Trảng Bàng đã chọn nơi đây làm một trong những căn cứ hoạt động. Từ căn cứ này, cán bộ, chiến sĩ Ðội Biệt động thị trấn Trảng Bàng ngày đêm hoạt động, bám địa bàn, diệt ác phá kềm, phá ấp chiến lược, đánh vào đồn bót, trụ sở quan trọng của địch. Căn cứ Biệt động thị trấn Trảng Bàng ở khu vực Bến Tắm Ngựa đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Ðể kết thúc hành trình du lịch trên rạch Trảng Bàng, du khách ghé vào các quán ăn ở thị trấn Trảng Bàng thưởng thức món bánh canh, bánh tráng phơi sương, đặc sản của xứ Trảng. Thưởng thức món ngon xong, du khách có thể mua đặc sản địa phương, trong đó có các loại bánh tráng, muối ớt Tây Ninh về làm quà biếu người thân.
Ðược sinh ra và lớn lên bên bờ rạch Trảng Bàng, đã hơn nửa đời người, tôi nhìn thấy không biết bao nhiêu ghe thuyền xuôi ngược trên dòng rạch Trảng Bàng- từ những thương thuyền vận tải hàng hoá, những tàu máy đưa đón khách, xuồng ghe của ngư dân đến những chiếc xuồng ba lá của nông dân ra đồng làm ruộng, cắt cỏ, bắt cá, hái rau mưu sinh…
Nhưng đến bây giờ, tôi chưa nhìn thấy có du thuyền trên vùng sông rạch này. Có thể nói về mặt du lịch, từ thời tạo thiên lập địa đến nay, dòng rạch Trảng Bàng vẫn còn “trinh nguyên”. Rất mong một ngày nào đó tôi sẽ được chứng kiến hoạt động đầu tư vào ngành công nghiệp không khói ngay trên dòng rạch quê nhà.
T.L